Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch
Tại sao một đất nước lịch sử hào hùng đến vậy mà muốn tìm kiếm một bộ sách, một bộ phim ra tấm ra món về lịch sử cũng quá đỗi khó khăn? Chẳng nhẽ chúng ta cứ xem mãi phim lịch sử Trung Quốc, phim giải trí Hàn Quốc mà không tự xây dựng phim lịch sử về cha ông tổ tiên mình? Có lẽ nào lớp trẻ chỉ biết đến Võ Tòng đánh hổ, sau võ công là giết chết chị dâu mà không biết sâu sắc về đức vua Phùng Hưng tay không đấm chết hổ, võ công của ngài là lãnh đạo nhân dân hơn hai mươi năm đánh giặc Đường, giành độc lập dân tộc?
Đền Hóa - thờ Triệu Việt Vương ở Đầm Dạ Trạch (Hưng Yên ).
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên, báo Quân đội Nhân dân đã tổ chức Hội thảo Khoa học Danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch trên chính mảnh đất sinh ra người anh hùng. 27 bài tham luận đã đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học và gợi mở về Triệu Việt Vương. Tôi đang viết bộ tiểu thuyết lịch sử dự kiến bốn tập về vương triều tiền Lý gồm bốn đời vua: Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Đào Lang Vương và Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử. Tư liệu từ cuộc hội thảo rất phong phú đã tạo điều kiện lớn cho người viết tiểu thuyết có những căn cứ khoa học để sáng tác thuận lợi hơn. Âu cũng là cơ duyên.
Thật kỳ lạ: khi bắt tay viết cuốn thứ nhất Nam đế Vạn Xuân, tôi đã có được nguồn tài liệu phong phú từ cuộc hội thảo về Lý Nam Đế do UBND tỉnh Thái Nguyên chủ trì. Nay cũng vậy. Tài liệu có trong tay khiến tôi càng xúc động khi viết về những bậc tiền nhân có công với nước.
Hưng Yên đang trên đà đổi mới, tấm lòng của mỗi người con Hưng Yên đối với quê hương mình luôn thủy chung son sắt. Chúng tôi cũng đã nhiều lần góp ý và mong muốn việc gây dựng thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên để nâng cao sản phẩm quý đặc trưng vùng châu thổ sông Hồng, cũng là để bà con nông dân bớt vất vả, làm giàu chính đáng từ đồng đất của mình, nhưng xem ra vẫn còn khó khăn lắm. Càng nghĩ, qua danh nhân Triệu Việt Vương, mới thấy cha ông ta ngày trước thật vô cùng anh hùng, luôn biết khai thác địa thế hiểm trở sông nước mênh mang, đầm lầy hiểm địa để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù phương Bắc hùng mạnh. Triệu Quang Phục -Triệu Việt Vương xứng đáng là một vị vua anh dũng, không phụ con mắt xanh của Lý Nam Đế lúc lâm chung ở động Khuất Lão đã giao toàn bộ binh quyền cho vị tướng trẻ mưu lược khôi phục lại cơ đồ mà họ Lý vừa khởi dựng.
Triệu Quang Phục được phong Tả tướng quân khi mới ngoài 20 tuổi cùng với Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa là hai danh tướng tuổi trẻ nhưng uy vũ nổi trội của Lý triều. Triều tiền Lý là triều đại có võ công, có văn hiến. Lý Nam Đế chẳng những xuất thân nơi Phật môn mà còn vô cùng tinh thông và sùng đạo Phật. Trong ngày khai quốc, việc đầu tiên của Lý Bí là dựng chùa Trấn Quốc, đặt Phật giáo là Quốc giáo cũng là gây dựng nền văn hóa từ thiền môn. Lý triều ba lần đánh thắng quân Lương trong đó có cuộc hành binh sang thẳng đất Hợp Phố đánh tan quân thủy bộ khiến Lương Vũ Đế phải bắt các tướng tự sát vì để ô nhục tới Lương triều. Đưa quân sang đất giặc đánh giặc không chỉ có dũng lược mà phải có cơ mưu. Các lão tướng như Triệu Túc, Phạm Tu và hai tướng trẻ Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa đã dám đánh và quyết thắng giặc ngoài ngàn dặm. Lương sử và Trần sử bên Tàu đều đã chép việc đó càng thấy được khả năng nắm bắt thời cơ của các vị tướng thời tiền Lý là rất đáng khâm phục, sau này con cháu phải học tập, noi theo.
Khi Lý Nam Đế lui quân về động Khuất Lão, các lão tướng Phạm Tu, Triệu Túc, Tinh Thiều đều đã tử trận. Trần Bá Tiên, viên tướng gian hùng bậc nhất sau này đã soán ngôi nhà Lương với tinh binh mãnh tướng thủy bộ gần chục vạn siết trùng vây khiến binh tướng Lý Bí dần dần tan vỡ. Trong thế cục ngàn cân treo sợi tóc ấy, Lý Nam Đế bị bệnh nặng rồi mất. Ông đã tin tưởng trao binh quyền cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục, căn dặn viên dũng tướng phải bằng mọi cách đuổi bọn giặc phương Bắc, lập lại nền tự chủ cho đất nước Vạn Xuân. Không phụ ơn vua, thương dân lầm than dưới vó ngựa quân xâm lược, Tả tướng quân Triệu Quang Phục đã bí mật đột phá vòng vây trở về lập căn cứ Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) kháng chiến lâu dài. Ngày trước, chàng trai trẻ Triệu Quang Phục theo cha là lão tướng Triệu Túc đem hết sản nghiệp gia đinh theo về dưới cờ nghĩa của Lý Bí, nay vị tướng trẻ lặng lẽ trở về vùng đất cũ, quyết kháng chiến chống quân Lương tàn bạo.
Trần Bá Tiên gian hùng quỷ quyệt bao nhiêu thì Triệu Quang Phục bình tĩnh can đảm, đa mưu túc kế bấy nhiêu, y đã gặp phải một địch thủ đáng gờm. Triệu Quang Phục lại được nhân dân khắp các vùng miền ủng hộ nên càng đánh càng mạnh. Đầm Dạ Trạch lau sậy ngút ngàn chính là mồ chôn binh tướng Bắc triều. Mỗi lần Trần Bá Tiên xua binh lính vào đầm đều là một đi không trở lại, nếu có rút về thành Long Biên thì binh tướng Triệu Quang Phục cứ đêm đêm lẻn tới bám chặt thắt lưng giặc mà đánh khiến chúng mất ăn mất ngủ. Dân trong vùng gọi ông là Dạ Trạch Vương.
Các tập đoàn phong kiến phương Bắc thời nào nội bộ cũng rối ren lục đục, hãm hại giết chóc lẫn nhau, nhiều gian thần phản tướng, vua tôi bức hiếp lẫn nhau, đến cha con ruột rà cũng tranh giành vương quyền mà hạ độc kế khiến cho người đời ghê tởm. Triều đại Lương Vũ Đế cũng không là ngoại lệ. Nhân loạn Hầu Cảnh, Lương triều triệu hồi đại tướng Trần Bá Tiên trở về cứu giá và y nhân cơ hội đó đã soán vương vị của Lương Vũ Đế, tự lập ra nhà Trần. Bá Tiên biết trước nếu rời Giao Châu thành Long Biên sẽ thất thủ bởi phó tướng Dương Sàn không thể nào là địch thủ của Triệu Quang Phục và thành Long Biên bốn bề sông nước tất sẽ bị mất bởi binh tướng Giao Châu. Nhưng y vốn tham miếng mồi Trung Nguyên béo bở và cái bả hoàng đế làm mờ mắt nên đã bỏ mặc Dương Sàn chết thảm dưới hòn tên mũi giáo của nghĩa binh Triệu Quang Phục. Đây cũng là kết cục tất yếu của bọn đi xâm lược vốn luôn ỷ thế lấy thịt đè người, làm ma nơi đất khách.
Theo di mệnh của Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục khôi phục lại nước Vạn Xuân, sửa sang chùa Trấn Quốc, tha sưu thuế cho muôn dân lầm than cơ cực sau bao nhiêu năm binh đao loạn lạc mới lại được hưởng thái bình. Ông lên ngôi vua trị vì đất nước 23 năm (548-571). Trong triều đại của ông, các văn thần, võ tướng đều hết lòng yêu dân, bằng chứng là sau này, theo thống kê trong Kho Thần tích, Thần sắc của Viện Thông tin Khoa học xã hội có đến 85 đình, đền, chùa, miếu ở các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình đều thờ ông cùng các vị tướng. Quê hương Hưng Yên không chỉ có nhiều đền thờ ông mà còn có nhiều tập tục, nghi lễ dân gian đã ăn vào máu thịt tưởng nhớ đến công tích của vị vua anh hùng với võ công đánh giặc phương Bắc, lập nước, an dân, sống chí nghĩa chí tình, suốt đời nêu gương sáng. Hẳn sau này, các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều nhận ra vị trí đắc địa của Hưng Yên trong việc xác lập thế mạnh vùng sông nước mà xây dựng thương cảng Phố Hiến danh chấn một thời. Câu ca cổ Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến vẫn còn lưu truyền đến tận hôm nay.
Mùa thu Phố Hiến hương sen hương súng thoảng bay thơ thới. Những vạt lúa vàng ươm trải rộng điểm cánh cò trắng đến sát chân đầm Dạ Trạch mênh mang. Hưng Yên đang cố gắng từng bước để chuyển mình. Vẫn biết rằng không có biển, chẳng có rừng nên thế mạnh chỉ là con người và học tập. Người Hưng Yên dù đi đâu về đâu vẫn luôn bình dị khiêm nhường, luôn biết sẻ chia, cầu thị. Người Hưng Yên rất quý trọng tài năng, đặc biệt là các danh nhân có công với nước. Đây vừa là đạo lý vừa là lẽ sống của người Hưng Yên, của người Việt Nam ta.
Triệu Quang Phục - Triệu Việt Vương, vị tướng dũng lược, vị vua tài danh đã đi vào đình, đền, chùa, miếu nhưng vẫn thật gần gũi, thiết thân. Những võ công của ông, cách đánh giặc tài tình của ông, cách hưng dân lập nước của ông mãi mãi là bài học lịch sử lớn cần được soi sáng và truyền tiếp. Đây cùng là tâm tư, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Và không chỉ Hưng Yên, cả nước phải có cái nhìn thật trân trọng và đúng tầm về lịch sử. Những sự việc không đáng có vẫn diễn ra hàng ngày khiến chúng ta xấu hổ mà tự vấn: Tại sao một đất nước lịch sử hào hùng đến vậy mà muốn tìm kiếm một bộ sách, một bộ phim ra tấm ra món về lịch sử cũng quá đỗi khó khăn? Chẳng nhẽ chúng ta cứ xem mãi phim lịch sử Trung Quốc, phim giải trí Hàn Quốc mà không tự xây dựng phim lịch sử về cha ông tổ tiên mình? Có lẽ nào lớp trẻ chỉ biết đến Võ Tòng đánh hổ, sau võ công là giết chết chị dâu mà không biết sâu sắc về đức vua Phùng Hưng tay không đấm chết hổ, võ công của ngài là lãnh đạo nhân dân hơn hai mươi năm đánh giặc Đường, giành độc lập dân tộc? Những đức vua hiền sáng như Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Ngô Quyền… lẽ nào chúng ta không thể viết sách, làm phim về những danh nhân ấy? Lẽ nào chỉ biết nhận hối lộ đến cả triệu “đô”, tha hóa đến tận cùng nhân cách mà chỉ nghĩ đến chi ít tiền làm phim lịch sử về tổ tiên mình lại chẳng ai nghĩ đến? Điều này, nhất định thời gian tới chúng ta phải làm bằng được. Làm sao đã khó bằng Triệu Việt Vương dẫn quân từ đầm Dạ Trạch đánh đuổi giặc Lương.
Đó cũng là ước muốn và mong đợi từ lâu của mỗi người dân yêu lịch sử, yêu quê hương đất nước.