Khi đô thị 'phình to'
Trước áp lực về “chiếc áo đô thị” đã quá chật chội, TP Hồ Chí Minh có phương án sáp nhập 19 phường trước đây còn lại chỉ 9 phường. Trên thực tế, dù đã được chính quyền thành phố đề xuất từ nhiều năm trước đây, nhưng phải mới đây phương án này mới được báo cáo chính thức với Bộ Nội vụ, giai đoạn 2019-2021.
Về mặt tổ chức bộ máy, TP HCM sẽ xóa sổ 10 phường sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính. Nguyên nhân chính được Văn phòng UBND TP HCM thông tin, là do sự tập trung sức ép quá lớn dân số vào khu vực “vùng lõi” của thành phố, gây ra nhiều áp lực về kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ngập nước vùng nội đô.
Cũng chính vì vậy, hầu hết các phường bị xóa bỏ theo phương án mới đều thuộc vùng lõi trung tâm của TP HCM. Sau sắp xếp, ngoài việc quản lý cư dân đô thị, chính quyền cấp xã, phường được cảnh báo tiếp tục chịu áp lực lớn về lượng khách du lịch, thân nhân, người nhà bệnh nhân, người tạm trú còn tập trung ở mức độ cao. Theo UBND TP HCM, áp lực quản lý đô thị của thành phố này cao gấp nhiều lần so với các đô thị trực thuộc trung ương khác, với nhiều bệnh viện lớn đều tập trung ở khu vực “vùng lõi”, như Chợ Rẫy, Hùng Vương, BV Đại học Y Dược, BV Nhi Đồng 1, 2, BV Bình Dân, 115,….
Vì những nguyên nhân trên, phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP HCM trong giai đoạn 2019-2021 được lãnh đạo thành phố thống nhất cao. Phương án này sẽ giữ nguyên 24 đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng ở cấp phường sẽ có cân đối để đảm bảo năng lực quản lý đô thị cho từng nơi. Chẳng hạn, đối với khu vực Q.2, thành phố sẽ thực hiện sáp nhập các phường An Khánh với phường Thủ Thiêm; phường Bình An với phường Bình Khánh. Một số quận trung tâm như Q. 3 (sáp nhập P.6, P.7 và P.8); tại Q.4 (nhập P.5 với P.2, P.12 với P.13); tại Q.5 (nhập P.12 với P.15); tại Q.10 (nhập P.3 với P.2); tại Q.Phú Nhuận (nhập P.12 với P.11, P.14 với P.13). Sau khi sắp xếp, riêng Q.2 sẽ chỉ còn 9 đơn vị hành chính, các quận khác còn từ 12 đến 14 đơn vị, trong khi toàn thành phố sẽ còn 312 đơn vị hành chính cấp phường, xã (gồm 249 phường, 58 xã, 5 thị trấn), giảm 10 đơn vị hành chính so với trước đây. Theo Sở Nội vụ TP HCM, về ý kiến cho rằng việc sáp nhập sẽ gây ra xáo trộn, nhưng trong bối cảnh hiện nay sự xáo trộn này là cần thiết để tiến tới một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả. Tuy nhiên, tinh thần chung trong quá trình sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy, thành phố sẽ hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đối với người dân và doanh nghiệp. Trong đó, kế hoạch triển khai chi tiết của thành phố cũng phải được HĐND các cấp thông qua, lấy ý kiến cử tri rồi mới triển khai thực hiện.
Mặc dù vậy, việc TP HCM chỉ sắp xếp khu vực “vùng lõi”, trong khi một số khu vực vùng ven cũng đang ở tình trạng “chiếc áo quá chật” dấy lên quan ngại. Trước đây, UBND huyện Bình Chánh từng nhiều lần đề xuất các phương án quản lý đô thị, trong đó có khu vực Trung Sơn. Khu đô thị mới này phát triển sau Khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng (Q.7), nhưng hiện nay đã vượt quy mô hành chính cấp ấp/xóm, bởi tốc độ phát triển hạ tầng nhanh chóng. Các cơ chế hệ thống ở cấp ấp (ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) không còn phù hợp và cũng không đủ sức để quản lý hành chính – đô thị. Tương tự, phường Bình Hưng Hoà A (Q.Bình Tân) vào năm 2009 chỉ ngấp nghé dân số trên dưới 81.000 người, với mật độ khoảng 17.388 người/km², nhưng vài năm gần đây thì dân số của phường này đã vượt ngưỡng 115.000 dân, thậm chí con số lớn hơn nhiều vì chưa có thống kê đầy đủ. Cũng có đơn vị hành chính cấp quận, chẳng hạn như Q.4 có diện tích nhỏ hơn quy mô của phường Bình Hưng Hoà A, nhưng hiện duy trì bộ máy đầy đủ của cấp quận, với 15 phường là chưa hợp lý.
Dù thế nào, trước khi có ý kiến chính thức từ Bộ Nội vụ thẩm định đối với phương án sắp xếp mới của TP HCM thì chính quyền đô thị này còn phải tiến hành bước tiếp theo là xây dựng đề án chi tiết và lấy ý kiến cử tri cho đóng góp đối với phương án giai đoạn 2019-20121. Và, chỉ khi tổng số cử tri tán thành trên 50% thì UBND cấp quận, huyện mới trình phương án để HĐND cùng cấp thông qua. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là vấn đề không mới, thế nhưng trong bối cảnh đang triển khai gấp rút xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo và được hỗ trợ thuận lợi về cơ chế bởi Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP HCM thì phương án này đặc biệt rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề còn lại là việc “tin dân, hỏi dân, dân tham gia giám sát, phản biện” đối với Đề án, để đảm bảo khách quan và hợp lý, vì nền hành chính “vì dân phục vụ”.