Trái ngọt của cuộc đua năng lực cạnh tranh
Trong “Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019”, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Theo đó, WEF xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 trên thế giới trong năm 2019, với 61,5 điểm - tăng 10 bậc và tăng 3,5 điểm so với năm 2018. Đây là hệ quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nhiều năm qua.
Để đạt được sự tăng trưởng vượt bậc như vậy về năng lực cạnh tranh không thể không kể đến những nỗ lực cải cách từ phía Chính phủ Việt Nam đã lan tỏa xuống tất cả các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Cụ thể, suốt từ năm 2014 tới nay, Chính phủ liên tiếp ban hành 6 Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực tế đã cho thấy, các nhóm giải pháp trong Nghị quyết 19 của Chính phủ đều đã được triển khai khá đồng bộ và quyết liệt. Chẳng hạn, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một nội dung rất mới của Nghị quyết là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2019.
Cùng với đó, mặc dù còn phải tiếp tục cải cách trong thời gian sắp đến, nhưng công bằng mà nói, thời gian qua, trung bình trên 50% số điều kiện kinh doanh, 50% số dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt bỏ hoặc đơn giản hoá…Hay như các nỗ lực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới; những chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện chính phủ điện tử và nền kinh tế số; thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia ASEAN; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương... Đó là những điều người dân và doanh nghiệp hoàn toàn có thể cảm nhận được sự cải thiện, đổi mới rõ rệt khi đến với cơ quan công quyền.
Cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh cũng đang được thực hiện quyết liệt ở các địa phương. Chẳng hạn, về Khởi sự kinh doanh, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018, thủ tục này trải qua 8 bước và mất 17 ngày. Một số địa phương đẩy mạnh cải cách chỉ tiêu này theo hướng tích hợp các bước thủ tục và rút ngắn thời gian, theo đó số thủ tục và thời gian giảm đáng kể. Ví dụ như số thủ tục giảm còn 5 bước; thời gian còn 5 ngày (tại Đồng Tháp), 8 ngày (tại Quảng Ninh)…
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, trong năm qua, chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tăng 3 bậc, từ 45 lên 42. Chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm vừa qua tăng 15 bậc lên thứ 59. Thanh toán điện tử tăng 19,6% số lượng giao dịch, 26,6% giá trị, đặc biệt thanh toán qua di động tăng 104% số giao dịch và 155% giá trị. Chỉ số an toàn an ninh thông tin của Việt Nam tăng 50 bậc từ 100 lên 50. Giáo dục phổ thông xếp thứ 38. Việt Nam có 2 trường đại học vào tốp 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới…
Để có những kết quả đáng mừng như vậy Văn phòng Chính phủ thực hiện rất tích cực, quyết liệt và hiệu quả trong việc đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết. Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên, liên tục tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, qua đó thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành. Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh liên tục ban hành các nghị quyết, vạch rõ kế hoạch cải cách cụ thể cho từng đơn vị và giám sát, đốc thúc hoàn thành nhiệm vụ... Đó là những minh chứng vì sao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam lại có bước nhảy vọt ấn tượng như vậy.
Có thể nói, vị trí 67 cũng là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay trên bảng xếp hạng của WEF và Việt Nam cũng là quốc gia được đánh giá có mức tăng cao nhất trên thế giới trong năm nay. Đây rõ ràng là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.
Quả ngọt từ cải cách không chỉ là việc thế giới ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong cuộc đua toàn cầu mà cái chính là đời sống nhân dân, chỉ số về kinh tế - xã hội trong nước đã được cải thiện, được “hưởng lợi” từ những sự cải cách này. Đó là những thành quả tăng trưởng cao kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm trước, cùng với sự chuyển dịch về cơ cấu và cải thiện bước đầu về chất lượng tăng trưởng, bất chấp tình trạng suy giảm nhịp độ tăng trưởng và bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu trước chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, thực tiễn đã chứng minh, dư địa lớn nhất và nguồn lực lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt. Việc thăng hạng của Việt Nam trong cuộc đua tranh về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong nền kinh tế tế toàn cầu là sự cộng hưởng của 2 yếu tố này, là đôi cánh để nền kinh thế Việt Nam bay lên.