Mô hình nuôi ghép hải sâm với ốc hương
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi vừa đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng “Phương án nhân rộng mô hình nuôi thử nghiệm hải sâm ghép với ốc hương thương phẩm trong ao năm 2020” với tổng vốn thực hiện lên tới 1,9 tỷ đồng sau khi nhận thấy 5 mô hình nuôi thử nghiệm trước đó (từ tháng 12/2018 đến tháng 7/2019) tại 2 huyện Mộ Đức và Đức Phổ đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Nuôi hải sâm ghép ốc hương cho thu nhập cao.
Cụ thể, mô hình đã góp phần làm giảm ô nhiễm chất hữu cơ, tạo cân bằng sinh học môi trường trong ao nuôi bởi hải sâm là loài ăn lọc, thức ăn chủ yếu gồm mùn hữu cơ trên nền đáy, rong tảo và chất thải của động vật.
Nhờ đó, giải phóng được lượng thức ăn dư thừa của ốc hương, hạn chế dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống, rút ngắn thời gian nuôi. Mô hình kết hợp này giúp ốc hương và hải sâm cùng phát triển nhanh, đem lại hiệu quả cao hơn hẳn so với nuôi ốc hương đơn lẻ.
Theo đánh giá từ Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị được giao triển khai mô hình nuôi ghép hải sâm với ốc hương giai đoạn 2018-2019), sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ sống của hải sâm và ốc hương bình quân đạt 80%; kích cỡ của ốc hương khoảng 150 con/kg, hải sâm đạt 250g/con. Sản lượng hải sâm của các hộ nuôi đạt từ 330-351 kg, ốc hương từ 2,4-3,2 tấn (ao 2.500 m2). Sau khi trừ chi phí, các hộ tham gia mô hình thu lãi dao động từ 114 đến 278 triệu đồng/ao.
Năm 2020, Trung tâm sẽ nhân rộng thêm 7 mô hình nâng tổng số lên 12 mô hình và tiếp tục triển khai tại 2 địa phương này. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% kinh phí con giống, 50% chi phí thức ăn, vật tư và được tập huấn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.
Những năm qua, dịch bệnh là nỗi lo lớn của ngành nuôi trồng thủy sản. Đơn cử, uối năm 2017, tại huyện Mộ Đức đã xảy ra dịch và lan rộng ra các vùng nuôi tôm khiến người nuôi điêu đứng. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc tự phát thả nuôi ốc hương, sử dụng thức ăn tươi sống khiến phần thức ăn thừa và chất thải của ốc hương làm cho nguồn nước trong ao nuôi phì dưỡng, tích tụ hữu cơ, vi khuẩn có hại. Điều này khiến môi trường nuôi bị ô nhiễm nặng.
Bởi vậy, mô hình nuôi ghép hải sâm với ốc hương chính là hướng đi đúng, giúp cho nghề nuôi ốc hương trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững; đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo sản phẩm đặc sản phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; góp phần thực hiện tốt mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt, thời điểm này, sản phẩm ốc hương và hải sâm đang được thị trường ưa chuộng.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi, việc nuôi hải sâm ghép ốc hương là giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nuôi, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Ốc hương là loài ăn thức ăn tươi sống, phần thức ăn thừa và chất thải của ốc hương làm ô nhiễm nguồn nước trong ao nuôi, trong khi đó, hải sâm là loài ăn lọc, tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của ốc hương, mùn bã hữu cơ trên nền đáy.