Không thể học theo cái dở, cái sai
Việc một số xã ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An thời gian qua đặt biển cấm tại trụ sở UBND xã với nhiều nội dung, trong đó có những nội dung như “khu vực cấm xâm phạm; ...cấm quay phim, ghi âm, chụp ảnh…”, khiến nhiều người ngạc nhiên. Từ sự lên tiếng của công luận, địa phương đã chỉ đạo, tiến hành dẹp bỏ. Tuy nhiên từ đây cho thấy, việc quản lý, thực hiện pháp luật ở không ít địa phương còn lắm bất cập, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của dân, cần phải sớm phát hiện, chấn chỉnh.
Xung quanh việc bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh quốc gia, pháp luật đã quy định rõ tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước 2000 (thay thế Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020); Nghị định số 233/2002, quy định chi tiết thi hành pháp lệnh; Quyết định 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ… Điều 4, Quyết định 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm biển cấm trong phạm vi địa phương mình quản lý theo đề nghị của giám đốc công an cấp tỉnh. Về trụ sở các cơ quan công quyền ở địa phương, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 4877/2016, tại Điều 2 xác định trụ sở UBND của 17 huyện được cắm biển cấm…
Như vậy, việc đặt những tấm biển cấm tại trụ sở UBND nhiều xã ở huyện Tương Dương ghi: “Khu vực cấm xâm phạm, phá hoại, thu thập bí mật nhà nước; quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ; tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự…” là không đúng quy định.
Oái oăm thay, vì sao ở nơi công quyền, nơi cán bộ, công chức thể hiện trách nhiệm đương nhiên phải hiểu quy định pháp luật, nhưng vẫn làm sai? Nhắc lại, năm trước, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cũng đã tự ý treo biển cấm quay phim, chụp ảnh ở trụ sở UBND xã, sau đó, khi dư luận phản ánh đã phải gỡ bỏ.
Những vụ việc như trên, với lãnh đạo cấp trên, như Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Đồng Tháp) khi đó, hay như Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) hiện đều nói rằng không biết, “không chỉ đạo hay ra văn bản nào về việc cho phép đặt biển như vậy”. Cho dẫu có thế đi chăng nữa thì đâu là trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát cấp dưới để không cho làm trái, làm sai. Lại có hay không việc nói như có lãnh đạo xã, rằng họ đặt biển do đoàn kiểm tra cấp trên nhắc nhở, làm theo hướng dẫn của cấp trên (?)
Biện bạch kiểu gì thì đều khó chấp nhận. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nơi chính quyền, trụ sở chính quyền cơ sở, cán bộ chính quyền là người đại diện cho dân để quản lý, bảo vệ, chăm lo cho dân. Việc người dân đến với chính quyền là để chia sẻ tâm tư, hoặc thực hiện các nghĩa vụ, quyền lợi của mình, cùng các người đại diện cho mình thực hiện tốt trách nhiệm. Việc bảo vệ chính quyền, bảo vệ quê hương, đất nước, đấu tranh với mọi thế lực thù địch, kẻ xấu cũng là trách nhiệm của mọi công dân. Và rồi, ai cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Những việc như phá hoại, thu thập bí mật nhà nước, mang vật liệu nổ đến trụ sở cơ quan công quyền… đương nhiên đã là vi phạm pháp luật, ai cũng phải có trách nhiệm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn.
Lại nói thêm về vấn đề quay phim, ghi hình. Ngày nay khi phương tiện kỹ thuật hiện đại thì đây lại là một kênh quan trọng trong việc phòng, chống tội phạm. Sự hỗ trợ của người dân giúp cho các cơ quan chức năng hoàn thành nhiệm vụ, giúp cho người dân giám sát cán bộ công quyền. Việc ghi âm, ghi hình cũng phải tuân thủ đúng theo quy định bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật đời tư.v.v..Ai vi phạm trong lĩnh vực nào cũng sẽ bị xử lý. Ngay trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an cũng đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bổ sung quy định để người dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của Công an nhân dân. Cho phép người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình…Lẽ nào cán bộ dưới cơ sở xã phường lại ngăn cấm việc này?
Chuyện xung quanh việc đặt những biển cấm ở trụ sở UBND xã như đã nêu lại một số cán bộ lại rằng “làm theo xã khác”. Lẽ nào khi thấy UBND huyện có biển cấm thì UBND xã cũng phải có nội dung y vậy? Lẽ nào xã người ta có biển cấm thì xã mình cũng phải có? Việc học tập là cần thiết, nhưng phải biết chọn cái hay, cái tốt, không thể học theo cái dở, cái sai. Mặt khác những việc phải làm là phải vì nước, vì dân. Giả sử như việc đặt hay học đặt những tấm biển mang nội dung như: Cấm tham ô, lãng phí; Cấm hạch sách dân…thì dân chẳng đã nhiệt liệt hoan nghênh.