Không để nông dân loay hoay với hội nhập

Minh Phương 12/10/2019 07:37

Liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nhà sản xuất chính là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng giá trị nông sản xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân. Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia, DN, nhà quản lý tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ IV “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tổ chức, sáng 11/10.

Không để nông dân loay hoay với hội nhập

Nông dân vẫn đang rất loay hoay trong việc đưa các sản phẩm nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới. Ảnh: T.L.

Nông dân vẫn loay hoay

Trong 2 năm 2018-2019, Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đó là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc ký kết các hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam.

Thông qua hai hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người. Tuy nhiên để có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu như kỳ vọng, ngành nông nghiệp còn rất nhiều vấn đề phải làm, trong đó quan trọng nhất làm sao để loại bỏ dần được sản xuất manh mún, đưa công nghệ chế biến sâu vào trồng trọt, chăn nuôi.

Tham dự diễn đàn, nhiều nhà nông xuất sắc đến từ 63 tỉnh, thành đã nêu lên những ý kiến xoay quanh việc hội nhập kinh tế sâu rộng, cùng với thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0, làm sao để người nông dân không bị đứng ngoài, làm sao để các sản phẩm nông sản của bà con nông dân tự tin vươn ra thị trường thế giới?

Nêu lên kinh nghiệm sản xuất của mình, ông Nguyễn Trình -nông dân đến từ huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, hiện ông đang canh tác hơn 42ha đất nông nghiệp, trong đó trồng khoai lang 30ha, cà phê 4ha, cao su 6ha và 1 đại lý bán phân bón. Hàng năm gia đình ông Trình thu nhập khoảng 15 tỷ, lãi ròng hơn 5 tỷ đồng. Song, điều băn khoăn của ông cũng như nhiều nông hộ thuộc huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai là, nông dân vẫn đang rất loay hoay trong việc đưa các sản phẩm nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới.

“Làm sao để các sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn mà thị trường nhập khẩu đưa ra, đó là vấn đề nông dân rất quan tâm hiện nay” – ông Trình nói.

Cùng chung quan điểm, một số nông dân đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, An Giang, Đà Nẵng… cũng cho rằng, cái khó nhất hiện nay là họ không biết phải làm những gì, thực hiện việc sản xuất theo quy trình ra sao để có thể vượt được các rào cản phi thuế quan khi bước chân ra thế giới, đặc biệt là các thị trường thuộc CPTPP cũng như EVFTA.

Cần sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất

Trả lời những băn khoăn này, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, mặc dù lợi thế khi tham CPTPP hay EVFTA là nhiều dòng thuế được đưa về 0%, song đổi lại, các thị trường nhập khẩu lại dựng lên những rào cản phi thuế quan vô cùng khắt khe, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như yêu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Thái, các sản phẩm nông sản như cá tra, cá ba sa hay các mặt hàng nông sản khác, ngoài hàng rào thuế quan thì bên trong còn có muôn vàn rào cản khác.

Do đó, ông Thái cho rằng, các nhà sản xuất, DN cần phải chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh đáp ứng được các tiêu chí, quy chuẩn thế giới. Chúng ta đang áp dụng các phương pháp trồng trọt chăn nuôi theo tiêu chuẩn toàn cầu như VietGap, Global… nhưng số nhà sản xuất thực hiện chưa nhiều, hướng tới toàn bộ các sản phẩm nông sản đều phải sản xuất theo tiêu chuẩn như vậy, mới có thể vượt qua được các rào cản phi thuế quan dựng lên từ phía nhà nhập khẩu.

Nhấn mạnh thêm về những hàng rào phi thuế quan, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, muốn xuất khẩu được hàng hóa khi tham gia các FTA thế hệ mới, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi nhất định phải đăng ký cấp mã số, phải sản xuất theo tiêu chuẩn toàn cầu hóa vì trong EVFTA hay CPTPP, vấn đề về truy xuất nguồn gốc được đặt lên hàng đầu.

“Chúng ta cần phải chăn nuôi, trồng trọt theo đúng quy chuẩn quốc tế, tất cả các sản phẩm phải có kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra, hoàn toàn phải đảm bảo sản xuất sạch, không chứa chất bảo quản, hóa chất…” – ông Luân nói và nêu lên thực tế rằng, sản phẩm mật ong của Việt Nam đã từng bị cấm nhập khẩu vào một số thị trường do bị “dính” hoá chất, nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản khác cũng đã bị trả về chỉ vì không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chứa dư lượng hóa chất lớn…

Quan trọng nhất là truy xuất nguồn gốc

Nêu quan điểm của mình tại Diễn đàn, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm hiện nay chính là truy xuất nguồn gốc. “Bản thân người nông dân vẫn đang khá mờ mịt với vấn đề này, do đó, nếu chúng ta hướng dẫn để nông dân có thể đưa ứng dụng blockchain vào sản xuất thì những lo ngại về truy xuất nguồn gốc sẽ được giải tỏa rất dễ dàng” – ông Tuyển nói.

Theo ông Tuyển, muốn ra thế giới thì chắc chắn phải chứng minh được nguồn gốc nông sản của mình, bây giờ là thời đại 4.0 rồi, chúng ta không thể bỏ qua việc áp dụng những công nghệ hiện đại trong sản xuất, và blockchain chính là giải pháp hữu hiệu.

Nhiều ý kiến nên lên tại Diễn đàn cùng quan điểm: Ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, nông dân trồng trọt, chăn nuôi vẫn theo hướng tự phát, do đó nông sản Việt khó có thể đảm bảo được các yêu cầu, quy định, hàng rào phi thuế quan mà các nước nhập khẩu dựng lên. Chính bởi vậy, rất cần phải có sự vào cuộc của 4 nhà: Nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân để cùng đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm, có như vậy nông sản Việt mới có thể vươn ra thế giới một cách dễ dàng, xuất khẩu nông sản mới có thể tăng trưởng bền vững.

“Để nông sản Việt có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật, một trong những yêu tố quan trọng là phải tăng cường liên kết chuỗi giữa các nhà, đặc biệt là phải liên kết với DN. Nếu nông dân chỉ dừng lại ở sản xuất thì sẽ lãi được 1 đồng, nhưng nếu có liên kết với DN, bà con nông dân có thể lãi được 6 đồng. Làm sao chúng ta phải có giải pháp thúc đẩy, thu hút các DN lớn đầu tư vào nông nghiệp, cùng làm ăn với nông dân” - Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Minh Phương