Đồng thuận xây dựng hợp tác xã
Từ một tỉnh kinh tế chậm phát triển, đời sống sản xuất của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thời gian qua Sơn La mạnh dạn đổi mới tư duy kinh tế, thực hiện cách nghĩ, cách làm mới.
Thu hoạch nhãn ở HTX Phương Nam (bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La).
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La Vi Đức Thọ chia sẻ: Rõ nét nhất là đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Giai đoạn 2010-2015, tỉnh Sơn La có diện tích cây ăn quả là 23.602 ha, sản lượng đạt 101.289 tấn. Nhiều cây ăn quả có giá trị hàng hóa và hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung: nhãn Sông Mã, xoài Yên Châu, mận hậu Mộc Châu... Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, tỉnh đã chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020 và tập trung chỉ đạo việc chuyển đổi, thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp.
“Sơn La xác định người dân là nhân tố trung tâm để ban hành chủ trương, chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó tập trung vận động làm thay đổi tư duy của hộ gia đình, từ đợi Nhà nước hỗ trợ đầu tư, sang chủ động đầu tư phát triển theo định hướng và Nhà nước hỗ trợ, giảm dần các khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước”- ông Vi Đức Thọ nhấn mạnh.
Với phương châm hướng về cơ sở, sát dân, gần dân hơn nữa, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên và hướng dẫn MTTQ các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng tới đoàn viên, hội viên và nhân dân chuyển đổi, thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp và tích cực lựa chọn chuyển đổi cây trồng ăn quả phù hợp với đất đai và các tiểu vùng khí hậu của tỉnh. Nhất là nỗ lực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh về chuyển đổi, thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp và trồng cây ăn quả trên đất dốc. Tổ chức các cuộc họp, các kỳ sinh hoạt chuyên đề tới các chi hội để vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thành lập các hợp tác xã, chuyển đổi cây trồng, đưa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và các kỹ thuật trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP.
Đến nay, việc chuyển đổi, thành lập mới các hợp tác xã và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây ăn quả đã có ảnh hưởng sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Số lượng hợp tác xã tăng mạnh đã góp phần đa dạng ngành nghề, quy mô, trình độ sản xuất. Theo đó, đến tháng 6/2019, tỉnh Sơn La có 588 hợp tác xã, tăng 338% so với số lượng hợp tác xã năm 2015, có 201 hợp tác xã trồng cây ăn quả, chiếm 41,9% số hợp tác xã nông nghiệp, tăng 773% so với số hợp tác xã cây ăn quả năm 2015, tổng số thành viên của các hợp tác xã nông nghiệp 6.124 người, tăng 184% so với năm 2015. Trong đó thành viên của hợp tác xã trồng cây ăn quả 2.574 người, tăng 683% so với năm 2015…
Với cách làm, bước đi mang tính đột phá, kết quả trồng cây ăn quả, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu và chế biến, nâng giá trị cây ăn quả đang giúp cho người nông dân Sơn La bước qua giai đoạn xóa đói, giảm nghèo, và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đồng thời, kết quả về phát triển cây ăn quả tại Sơn La ngày càng khẳng định vai trò của HTX là cơ sở vững chắc tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất, nâng cao đời sống.