Giá mà
Vào đúng ngày kỷ niệm 65 năm ngày vui giải phóng thủ đô, chính quyền phường Hàng Bông có vẻ rất rốt ráo thực hiện việc đóng cửa các quán cà phê đường tàu đầu đường Trần Phú, Hà Nội, “cán đích” trước 2 ngày, trong khi bình thường thì về đúng thời hạn đã là lý tưởng lắm rồi.
Tác giả là Tổng Biên tập tạp chí Đối ngoại, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iran.
Dãy quán cà phê dọc theo đường tàu đã tự phát mọc lên 1-2 năm nay, nhưng 7-8 tháng gần đây mới trở thành điểm đến nổi tiếng cho nhiều người dân Hà Nội và đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Ai ở Hà Nội cũng có thể hiểu người dân sống trong tiếng ồn tàu chạy ở khu vực này, họ không có điều kiện làm ăn như ở các khu vực khác. Tình cờ run rủi thế nào, việc mở quán tự phát ở đây lại hấp dẫn khách du lịch nước ngoài, vì thế trở thành điểm du lịch, được giới thiệu cả trên những ấn phẩm du lịch nổi tiếng thế giới như TripAdvisor và National Geograpic.
Hà Nội không phải có nhiều điểm hấp dẫn khách du lịch. Đóng cửa dãy phố thì đơn giản, nhưng tạo ra được những dãy phố như vậy để hút khách du lịch, để Hà Nội trở thành điểm đến mới là khó, đặc biệt, thành phố không phải chi một xu cho việc phát triển điểm du lịch này. Mỗi thành phố hấp dẫn khách bằng những nét đẹp của mình. Bớt điểm hấp dẫn thì đơn giản sẽ bớt hấp dẫn khách. Giá mà Tổng cục Du lịch hiểu rõ nhất giá trị của các điểm du lịch, trao đổi, thuyết phục được Tổng cục Đường sắt về việc duy trì những điểm du lịch cho thành phố, chắc thành phố cũng không vội đóng cửa như vậy?
Ai cũng đồng ý rằng an toàn của người dân là ưu tiên số một, nhưng không phải để đảm bảo an toàn chỉ có một cách là đóng cửa dãy quán cà phê này. Thử hình dung tàu chạy qua dãy phố cà phê chậm hơn một chút và kéo một hồi còi như chào khách hai bên đường tàu thì khách du lịch sẽ thấy Hà Nội mến khách làm sao! Hai trăm mét phố ấy, chạy chậm lại cũng chẳng làm thời gian của chuyến tàu dài ra nhiều. Được biết mấy chục năm nay khu vực này hoàn toàn không có tai nạn giao thông. Ít nhất, trong cả năm nơi đây thành điểm du lịch không hề có tai nạn xảy ra, trong khi con số tai nạn giao thông ở Hà Nội không phải là thấp. Tai nạn giao thông thường xảy ra khi người tham gia giao thông chủ quan. Ai đến dãy phố cà phê này đều ý thức được đây là điểm nguy hiểm, nên họ luôn cẩn thận và khả năng xảy ra tai nạn thấp hơn các nơi khác trong thành phố. Chưa kể, những người bán cà phê đều ý thức được tầm quan trọng của việc giữ an toàn cho khách nên họ là người rốt ráo nhất thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy vừa đảm bảo được an toàn cho khách, vừa tạo được một hình ảnh đẹp của Hà Nội.
Đại sứ Thái Lan kể: Nước ông cũng có một đoạn tàu chạy qua chợ ở Bangkok như vậy và người ta cho tàu chạy chậm lại chứ không nhanh như ở Hà Nội. Ông rất tiếc là Hà Nội đóng cửa dãy phố cà phê hấp dẫn như vậy. Giá mà chính quyền thành phố trước khi đóng cửa bàn với người dân và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trước khi ra quyết định thì có thể có một giải pháp vừa giữ được an toàn, vừa giữ được một địa chỉ du lịch hấp dẫn.
Vài trăm hộ gia đình ở khu vực này phần lớn là cán bộ đường sắt hưu trí vừa mới bắt đầu kiếm được ít đồng thu nhập bên cạnh đồng lương hưu nhờ bán đồ giải khát và đồ lưu niệm cho khách du lịch thì bỗng nhiên bị cấm hoạt động. Đáng tiếc là đề nghị đóng cửa lại xuất phát từ Bộ Giao thông Vận tải - nơi lẽ ra thông cảm nhất với cán bộ hưu trí của mình. Để giúp họ, Bộ Giao thông Vận tải không nên lụy tình, làm trái luật, nhưng hoàn toàn có thể làm được hai việc một lúc: Vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa giữ được cần câu cơm cho cán bộ hưu trí của mình.
Giá mà mọi người bình tĩnh hơn tìm cách giải quyết trước khi làm một việc đơn giản là cấm, câu chuyện đã có thể khác.