Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10): Kinh tế tư nhân đã trở thành 'xương sống'
Hơn 42%, đó là con số mà khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra đối với tăng trưởng kinh tế GDP hiện nay. Doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân (DN) đang ngày càng bộc lộ rõ vai trò là “động lực quan trọng của nền kinh tế”. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng rõ nét” và ngày càng nhiều doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường.
Đường cao tốc Lạng Sơn – Bắc Giang do doanh nghiệp tư nhân thực hiện đúng tiến độ. Ảnh: phạm Quang Vinh.
Động lực của sự phát triển
Một anh thợ may với một cửa hàng nhỏ bé cũng có thể bước ra thị trường thế giới với những sản phẩm “made in Vietnam”, một người nông dân chân lấm tay bùn có thể trở thành chủ một trang trại nông sản lớn, một chàng trai xuất thân nghèo khó cũng có thể trở thành một chủ xưởng mộc với hàng chục nhân viên, cùng với số lượng hợp đồng “không xuể” mỗi tháng… Đó là những câu chuyện không phải là hiếm trong giới DN Việt Nam ngày nay. Nhiều người từ hai bàn tay trắng, từ số vốn hầu như không có gì, họ có thể vươn lên thành những ông, bà chủ của những doanh nghiệp, trang trại lớn, thậm chí có thể đem sản phẩm của mình vươn ra thị trường thế giới, đó là bởi họ có khát vọng làm giàu mạnh mẽ, và nuôi dưỡng khát vọng chính đáng bằng sự nỗ lực không ngừng của mình. Những cái tên Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đăng Quang… đã từ lâu được xã hội biết đến và kèm theo biệt danh đáng nể “tỷ phú”.
Việt Nam ngày càng có nhiều tấm gương DN trẻ khởi nghiệp thành công bằng sự cố gắng, bằng khát vọng, bằng năng lực của chính mình. Mỗi năm, số lượng thành lập doanh nghiệp mới lại tăng lên với những con số mới. Cả nước hiện có trên 715.000 doanh nghiệp hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp dưới các hình thức khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, đóng góp khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế tư nhân liên tục tăng, chiếm trên 42% năm 2018.
Có thể thấy, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng bộc lộ rõ nét, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Chúng ta đã chứng kiến hàng loạt những Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như SunGroup, VinGroup… đảm nhận những công trình xây dựng lớn mà trước đây người ta nghĩ chỉ khối doanh nghiệp nhà nước mới có thể đảm nhận. Các doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua khu vực Nhà nước về nhiều phương diện, trong đó phải kể đến việc họ đã và đang tạo thu nhập cho người lao động, giúp hàng triệu lao động dịch chuyển từ các công việc có thu nhập thấp hơn trong lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc ở những ngành có năng suất cao hơn với mức lương cao hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhận định: Khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng rõ nét nhất là trong hai năm qua. Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường. Có thể thấy, với những gì mà Chính phủ, nhà quản lý đang thực thi, vị thế của đội ngũ DN Việt đã có sự thay đổi, đạt được bước tiến dài. Họ đã được đặt ở vị trí trung tâm của xã hội, là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Nâng chất đội ngũ DN, doanh nghiệp tư nhân
Theo nhận định của các DN đã thành công trên thương trường cũng như thế giới, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể tạo ra những đột phá lớn trong thời gian tới khi họ biết áp dụng khoa học công nghệ vào vận hành. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ, cả thế giới trong đó có Việt Nam đang bước chân vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những yêu cầu về khả năng quản trị, sử dụng công nghệ tiên tiến ngày càng trở nên cấp thiết. Có thể khẳng định, đội ngũ DN trong khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp đưa hàng chục triệu người thoát khỏi nghèo đói. Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia, giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động mà còn góp phần thúc đẩy đất nước hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, tạo ra những giá trị sản xuất mới.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sau hơn 3 thập niên đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá. TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định: Nếu xét về số lượng DN trên đầu dân, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên, về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN. Đất nước cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận, cạnh tranh ngang ngửa, nhưng số đó còn quá ít ỏi. Chúng ta có những doanh nghiệp riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ DN hùng mạnh và các nhà công nghiệp sánh vai cùng thế giới, tính phi chính thức cao, khả năng kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu...
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên nhân của sự hạn chế này một phần là do bản thân nhiều doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định của doanh nghiệp, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực. Theo vị chuyên gia này, vẫn có không ít DN Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có “tiền tươi thóc thật” ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nghiệp không tự làm mới mình… Nếu vẫn còn những DN như vậy, nền kinh tế sẽ khó có thể bứt phá.
Giới chuyên gia nhận định: Với sự nỗ lực của Chính phủ, nhà quản lý trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua, cùng với đó là sự nhìn nhận, đánh giá cao khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là đối tượng phục vụ của Nhà nước kiến tạo… các DN đang ngày càng tạo được vị thế của mình, trở thành “rường cột” của nền kinh tế. Nói như Chủ tịch VCCI, những giải pháp mà nhà quản lý đã và đang thực hiện đã giải tỏa được những điểm nghẽn, vướng mắc lớn nằm trong khối doanh nghiệp tư nhân thời gian qua. Song, ông Lộc cũng nhấn mạnh: “Yêu cầu bức thiết nhất hiện nay là cần phải nâng cấp DN trên mọi góc độ và khía cạnh. Chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp cần định hướng và nỗ lực nhiều hơn nữa, không chỉ tập trung nâng số lượng doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là phải tập trung nâng cao chất lượng DN trong nền kinh tế”.
“DN cần tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm tiếp thu và những thành tựu của nhân loại để phát triển doanh nghiệp. Từ khát vọng làm giàu sẽ thôi thúc để DN tìm kiếm mọi cơ hội đầu tư, sản xuất ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần tăng hiệu quả, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước”. (Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng)