Nỗ lực gỡ thẻ vàng
Đầu tháng 11 tới, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang làm việc để đánh giá việc khắc phục thẻ vàng IUU với nghề cá Việt Nam. Thời gian qua, với những nỗ lực của nhà quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân đánh bắt hải sản, chúng ta có thể kỳ vọng chiếc thẻ vàng sẽ được gỡ bỏ, nhường chỗ cho tấm thẻ xanh.
Khai thác cá ngừ đại dương xuất khẩu.
Cẩn trọng với nguy cơ bị “thẻ đỏ”
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường EU đã giảm sútrõ rệtsau 2 năm EU cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam.Từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt, EU đã tụt xuống đứng thứ 5. Trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hải sản sang thị trường này chỉ đạt 251 triệu USD, thấp hơn nhiều so với thời điểm chưa “dính” thẻ vàng.
Tiếp tục nêu lên những cảnh báo về chiếc thẻ vàng IUU, VASEP cho rằng, EU là thị trường quan trọng của hải sản Việt Nam. Nếu không giải quyết được các vấn đề về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Khi đó, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp (DN) ngư nghiệp cũng như các ngư dân đang lo lắng về “án phạt” thẻ vàng IUU, do đây là thị trường tiêu thụ khá mạnh thủy hải sản của Việt Nam trong nhiều năm qua, nên nếu không gỡ được thẻ vàng, sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho ngành hải sản nước nhà cũng như đối với bà con ngư dân sống nhờ khai thác biển. Ông Lê Văn Chiến - chủ một DN ngư nghiệp mưu sinh tại TP Đà Nẵng cho biết, trong suốt hai năm qua, thực sự bà con ngư dân ở Đà Nẵng rất lo lắng. “Ngư dân chúng tôi chủ yếu sống nhờ vào đánh bắt hải sản, nếu EU chuyển “án phạt” sang thẻ đỏ thì hải sản Việt Nam sẽ không còn cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Khi đó sẽ là một đòn giáng mạnh và nghề cá của bà con ngư dân chúng tôi”- ông Chiến bày tỏ.
Cũng theo ông Chiến, nhiều bà con ngư dân đã rất chủ động khai thác hải sản khai báo hành trình, không vi phạm đánh bắt tại các vùng biển nước ngoài. Song, bà con vẫn đang rất lo lắng thời điểm tháng 11 tới đây khi đoàn kiểm tra của EU sang làm việc, không biết kết quả sẽ như thế nào.
Thực tế, để khắc phục thẻ vàng IUU, trong vòng 2 năm qua, nhiều địa phương đã quyết liệt đưa nghề cá của tỉnh mình vào khuôn khổ. Các địa phương như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Đà Nẵng… đã thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu (EC) để loại bỏ hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU) nhằm mục đích lớn nhất là không để thẻ vàng sẽ trở thành thẻ đỏ.
Các địa phương cũng rất nỗ lực tuyên truyền, vận động chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân chấp hành quy định về thủ tục, giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải sản phẩm thủy sản…
Có thể thấy, những nỗ lực của các địa phương, ngư dân, DN cũng như nhà quản lý đang đem đến những kỳ vọng cho ngành thủy sản trong việc gỡ thẻ vàng, giành lại thẻ xanh trong thời gian tới.
Nhiều triển vọng gỡ được “thẻ vàng”
Đánh giá về triển vọng“gỡ thẻ vàng IUU”, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU qua Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản dưới luật được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép tại một số quốc đảo đã chấm dứt. Việc đầu tư nguồn lực phục vụ giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác... đã và đang được quan tâm. Ý thức tuân thủ pháp luật thủy sản nói chung, pháp luật chống khai thác IUU đã được cải thiện.
Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra các phương tiện đánh bắt trên biển. Ảnh: Văn Tuynh.
Tuy nhiên, theo ông Luân, vẫn còn một số nội dung khuyến nghị của EC mà chúng ta cần có thêm thời gian, cần đầu tư bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Thời điểm EC gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các nhóm nội dung khuyến nghị của EC tại trung ương và chính quyền thuộc 28 tỉnh ven biển. Ông Luân cũng nêu quan điểm, việc EC áp dụng “thẻ vàng” IUU đối với hải sản của Việt Nam mặc dù là một rào cản, thách thức đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam, song đây cũng chính là cơ hội để chúng ta tổ chức lại ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật thủy sản quốc tế.
Nêu lên quan điểm của mình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, trong hai năm qua, đặc biệt là 9 tháng đầu năm 2019, ngành thủy sản đã nỗ lực rất nhiều để “tái cơ cấu” lại nghề cá. Theo Thứ trưởng, các địa phương đã siết chặt, quản lý tàu ra vào các vùng biển chặt chẽ đồng thời thực hiện quyết liệt việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy hải sản mà các chủ tàu đánh bắt. Tuy nhiên, ông Tiến cũng nhấn mạnh, thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số tàu cá vi phạm vùng biển Malaysia, và nếu tình trạng này không được chấm dứt thì sẽ rất khó cho chúng ta với mục tiêu xóa thẻ vàng.
Giới chuyên gia trong ngành nhấn mạnh, thực hiện khuyến nghị của EC không chỉ là việc gỡ bỏ thẻ vàng mà mục đích lớn hơn là xây dựng nghề cá có trách nhiệm hướng đến một nền kinh tế biển phát triển bền vững.