Nghịch lý cấp phép

Minh Quân 14/10/2019 08:00

Mặc dù đã có lệnh cấm từ Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL), tuy nhiên mới đây bộ phim “Ròm” vẫn tiếp tục góp mặt tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan (Hàn Quốc), thậm chí giành giải cao.

Nghịch lý cấp phép

Cảnh trong phim “Ròm”.

Có đáng bị cấm?

Cụ thể, theo thông tin từ BTC LHP Busan bộ phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy và “Haifa Street” (phim hợp tác giữa Iraq và Qatar) đã cùng thắng giải New Currents. Đây là một trong hai hạng mục quan trọng, là hạng mục tranh giải chính ở LHP quốc tế Busan với giá trị phần thưởng là 30.000 USD. New Currents là hạng mục dành cho bộ phim đầu tay hoặc phim thứ 2 của các đạo diễn châu Á mới. Hai bộ phim vượt qua 299 phim đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để giành giải thưởng này. Thậm chí, bộ phim của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy còn được các thành viên BGK Liên hoan dành những lời “có cánh”.

Theo đạo diễn Mike Figgis, thành viên BGK Liên hoan thì phim “Ròm” gây ấn tượng nhờ các bối cảnh sống động từ địa điểm thật và hồi kết thỏa mãn. Phim kể về cuộc sống trong khu lao động nghèo ở TP HCM. Nhân vật chính là một thiếu niên (Trần Anh Khoa đóng) đã trải qua những cuộc đấu tranh trên đường phố. Ngoài ra, phim quy tụ diễn viên Anh Tú Wilson, Cát Phượng, Hải Triều, Mai Thế Hiệp, Thanh Tú...

Trước đó, phim “Ròm” cũng đã được chọn chiếu tại LHP quốc tế Busan vào các ngày 4/9 và 10/10. Mặc dù nhà sản xuất có thư xin rút bộ phim sau khi Cục Điện ảnh có ý kiến. Nguyên nhân là phim chưa được cấp phép phổ biến khi nhà sản xuất gửi thư dự LHP quốc tế Busan. Tuy nhiên, dù tại Việt Nam đang bị cấm thì theo lý giải đại diện BTC LHP Busan là ông Park Sungho, nhận được đơn rút phim của nhà sản xuất, nhưng vẫn giữ lại vì khán giả quan tâm đã đặt vé từ trước.

Trả lời báo chí về vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ xử lý nghiêm nhà sản xuất phim “Ròm”. Dù tuyên bố rút khỏi LHP Busan, nhưng phim vẫn được trình chiếu tại LHP và thắng giải. Bởi theo Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL, bộ phim chưa được cấp phép phổ biến đã tự ý đăng ký và gửi phim tham dự liên hoan là hành vi vi phạm pháp luật hiện hành. Việc vi phạm đó cần phải được xử lý nghiêm nhằm bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật. Bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào khi tự ý phát hành, công chiếu tác phẩm chưa được cấp phép phổ biến đều bị xem xét, xử lý. ”Việc xử lý, xử phạt phim “Ròm” sẽ căn cứ theo Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và quảng cáo”- ông Bình nói.

Cũng xung quanh câu chuyện trên, Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ, quy định của nhiều LHP quốc tế trong đó có LHP quốc tế Busan là sẽ tuyển phim trực tiếp với các cá nhân, đơn vị mà không thông qua Cục Điện ảnh. Do vậy, để bảo đảm đúng luật, các nhà sản xuất cần chủ động liên hệ với Cục để được hướng dẫn và tiến hành mọi thủ tục cần thiết. Vài năm trở lại đây, nhiều bộ phim của các đạo diễn Việt kiều hoặc người có quốc tịch nước ngoài tham gia sản xuất, diễn xuất như phim “Song Lang” (đạo diễn Leon Quang Lê) hay loạt phim của đạo diễn Victor Vũ đều tuân thủ chặt chẽ các quy định về Luật Điện ảnh. Điều đáng mừng là các phim này khi gửi dự thi hoặc ra thị trường đều đoạt giải thưởng, doanh thu cao. Tuy nhiên, ngược lại, không ít trường hợp các đơn vị có phim vi phạm Luật Điện ảnh vẫn cho rằng họ đang bị gây khó dễ.

Lối mòn xưa cũ

Có thể thấy, câu chuyện phim “Ròm” tưởng như mới nhưng vẫn xem ra vẫn là câu chuyện xưa cũ trong cấp phép ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thời gian qua. Sau hàng loạt trường hợp các người đẹp tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế mà không xin giấy cấp phép thì giờ đây là lĩnh vực điện ảnh đang áp dụng lại “công thức” này. Bởi thực tế thay vì đợi một tờ cấp phép dự thi với nhiều khâu thủ tục, kiểm duyệt đã đánh mất cơ hội của nhiều cá nhân, đơn vị tại các cuộc thi quốc tế. Trong khi đó với việc tham dự các cuộc thi này lại cơ hội phát triển rất lớn của nhiều đơn vị, cá nhân. Chính vì vậy, sau thành công trở về với một khoản tiền phạt, dù “kịch khung” thì với nhiều trường hợp sai phạm cũng chẳng đáng là bao. Cụ thể, với sai phạm trên của phim “Ròm” theo Điểm a, Khoản 4, Điều 5 của Nghị định 158 nếu rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng đối với hành vi phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phátsóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình. Ngoài ra sẽ phải buộc nộp lại số lợi bất hợp phát có được do thực hiện hành vi này.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó với bộ phim “Ròm” nói chung và đạo diễn trẻ Trần Thanh Duy thì sai phạm này là điều đáng tiếc hơn là bị “luận tội”. Bởi nếu xét sự vi phạm mà các nhà làm phim Việt đang mắc phải thì trường hợp phim “Ròm” chẳng thấm vào đâu. Thực tế hiện nay việc lách luật trong khâu thẩm định phim là khá phổ biến. Hầu hết các đơn vị sản xuất đều có một “công thức” chung là trước khi phát phát hành luôn cam kết sẽ loại bỏ những ngôn ngữ, hình ảnh nhạy cảm, phản cảm. Thậm chí khi trình duyệt xin cấp phép phổ biến phim, các đơn vị cũng giao nộp “bản gốc” và cam kết với hội đồng duyệt phim chỉnh sửa, cắt bỏ… Nhưng rồi khi phim dự thi, công chiếu ở nước ngoài và đưa đi khai thác qua những hình thức khác lại vẫn là bản chưa qua kiểm duyệt. Để rồi khi Cục Điện ảnh hoặc khán giả phát hiện ra thì mọi việc đã “an bài”. Đây chính là một trong những điểm bất cập của khâu hậu kiểm lỏng lẻo mà các đơn vị quản lý chưa có cơ chế, cách thức kiểm soát chặt chẽ. Do đó, với ngành điện ảnh Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển rất cần có một đội ngũ chuyên môn chịu trách nhiệm. Bởi nếu không giải quyết triệt để, rất có thể nhiều bộ phim chứa tình tiết nhạy cảm, phản cảm khi đã qua chỉnh sửa để được cấp phép phổ biến sẽ tái diễn tình trạng trên.

Minh Quân