4 năm thực hiện các Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng: khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài
Tháng 1/2016, Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng diễn ra tại Hà Nội đã đưa ra phương hướng cho quá trình phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt,trong công tác xây dựng,chỉnh đốn Đảng; sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài đánh giá lại quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về những vấn đề quan trọng đó.
Bài 1: Những chuyển biến cụ thể, thiết thực
Toàn cảnh Lễ khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Ảnh: Đoàn Bắc.
Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bổ sung nhiều nội dung mới so với Đại hội XI, đó là: Bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức; bổ sung hai nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tăng cường công tác dân vận của Đảng; nhấn mạnh công tác tổng kết thực tiễn và việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đại hội chỉ rõ: “Trong những năm tới,… phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, mà trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Nhiều nghị quyết, quy định được ban hành
Đại hội XII xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, thì có hai nhiệm vụ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và được xếp ở vị trí thứ nhất, thứ hai. Cụ thể là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Để thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng, nhất là hai nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra, Ban Chấp hành Trung ương đã cụ thể hóa ở bốn Hội nghị Trung ương (4, 6, 7, 8), với việc ban hành 04 nghị quyết (các Nghị quyết số 04, 18, 19, 26-NQ/TW) và 01 quy định (Quy định số 08-QĐi/TW) để thực hiện toàn diện, đồng bộ các nội dung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là: Thứ nhất, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó tập trung vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thứ hai, chỉnh đốn tổ chức, trong đó tập trung vào việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thứ ba, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, trong đó tập trung vào việc đổi mới mạnh mẽ các khâu của công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thứ tư, cụ thể hóa thực hiện nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó tập trung vào đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Như vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 04 nghị quyết và 01 quy định; Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 120 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, thông báo, hướng dẫn … về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để triển khai thực hiện.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Trong Hội nghị ngành tổ chức xây dựng Đảng tháng 3/2016, ngay sau Đại hội XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Chúng ta không bằng lòng, thoả mãn với những kết quả đã đạt được, bởi vì thực tế còn không ít hạn chế, khuyết điểm, còn nhiều việc chưa làm được, dư luận xã hội còn những bức xúc, nhân dân chưa yên lòng. Vả lại, công tác tổ chức xây dựng Đảng là lĩnh vực rất phức tạp, rất khó.Quan trọng thì cực kỳ quan trọng nhưng khó và phức tạp lắm, vì nó động chạm đến con người, là công tác con người, liên quan đến tâm tư, tình cảm, lợi ích của con người. Nhận xét, đánh giá cán bộ ra sao; bố trí ở đâu; chế độ, chính sách thế nào?”. Từ cái khó này, Tổng Bí thư đề nghị ngành tổ chức đảng thẳng thắn thảo luận về các vấn đề còn tồn tại từ các nhiệm kỳ trước và tìm cách tháo gỡ trong nhiệm kỳ này.
Kết quả cụ thể ra sao? Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về công tác xây dựng Đảng, đông đảo cán bộ, đảng viên, kể cả những người dân có trách nhiệm đối với đất nước đều có thể cảm nhận rằng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện vừa toàn diện, đồng bộ; vừa có trọng tâm,trọng điểm và chọn đúng khâu đột phá để thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Đã kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng,trong đó xây dựng được đẩy mạnh, chỉnh đốn được tăng cường; siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đề cao trách nhiệm của cấp ủy và sự gương mẫu của cấp trên, người đứng đầu các cấp; tăng cường sự đoàn kết thống nhất của Đảng và sự đồng thuận trong xã hội và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt, nhất là đã từng bước khắc phục được một số hạn chế, yếu kém kéo dài đối với một số lĩnh vực khó, phức tạp, nhạy cảm, như: Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý nghiêm, “không có vùng cấm” đối với cán bộ, đảng viên vi phạm, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu; việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn; việc tinh giản biên chế; việc kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền.
Đối với một số lĩnh vực cụ thể, thực tế cũng cho thấy: Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường hơn; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương đạt kết quả bước đầu quan trọng. Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”trong nội bộ được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, có hiệu quả. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được đổi mới, sắp xếp tinh gọn hơn; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm lãnh đạo và tinh giản biên chế đạt kết quả rõ nét. Đến ngày 30/6/2019, cả nước đã giảm được 04 đầu mối trực thuộc Trung ương; gần 100 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh; gần 500 đầu mối trực thuộc cấp huyện; giảm 07 tổng cục và tương đương; 81 cục, vụ và tương đương; hơn 2.500 phòng và tương đương so với đầu nhiệm kỳ. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án và đang triển khai thực hiện giảm 05 đơn vị hành chính cấp huyện, gần 500 đơn vị hành chính cấp xã và hơn 10.000 thôn, tổ dân phố. Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, so với thời điểm 30/4/2015, cả nước đã giảm 236.039 biên chế; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giảm hơn 25.000 và ở thôn, tổ dân phố giảm hơn 100.000 người. Riêng biên chế của khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã giảm 10,46%, hoàn thành mục tiêu đề ra trước 3 năm. Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ tiếp tục được đổi mới và tạo một số chuyển biến tích cực; quy trình công tác cán bộ ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn; bước đầu ngăn chặn, khắc phục được một số hạn chế, yếu kém, tiêu cực trong công tác cán bộ, như tình trạng chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đẩy mạnh, chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược được nâng lên. Số cán bộ có trình độ trên đại học thuộc diện Trung ương quản lý là hơn 64%; thuộc diện ban thường vụ cấp tỉnh quản lý là hơn 35% và thuộc diện ban thường vụ cấp huyện quản lý là gần 12%.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường và đạt kết quả khá toàn diện; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật của Nhà nước được đề cao. Cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực được triển khai mạnh mẽ, đạt kết quả rõ rệt, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý; tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng tham nhũng vặt và “trên nóng, dưới lạnh”. Công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền có đổi mới, hiệu quả từng bước được nâng lên; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường.
Những kết quả nêu trên đã góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; tạo nền tảng và tiền đề vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.
Bài 2: Thu nhỏ một bộ phận không nhỏ