Chặn tin nhắn 'rác', cuộc giọi 'rác': Tưởng dễ mà không dễ
Chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác không đơn giản bởi một lẽ rất khó phân biệt được đâu là cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo; đâu là cuộc gọi, tin nhắn liên lạc bình thường. Vì thế, cho dù cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn nhưng các cuộc gọi cũng như tin nhắn “rác” vẫn… ầm ầm.
Tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” vẫn hàng ngày “tra tấn” người sử dụng điện thoại.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý cho dự thảo Nghị định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và gọi điện của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT).
Về nội dung dự thảo đưa ra một biện pháp quản lý mới là “danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo”, người dùng sẽ đăng ký (với nhà mạng hoặc với Bộ TT-TT) để được đưa vào danh sách này. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, không rõ cơ chế cụ thể sẽ được thực hiện thế nào bởi nó có thể sẽ trùng lặp với quy định về chống tin nhắn, cuộc gọi “rác”.
Điều 3.6 và 3.8 của dự thảo đã định nghĩa tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” là những tin nhắn, cuộc gọi mà không được sự đồng ý trước của người nhận.
Như vậy, nếu một người quảng cáo gọi điện, gửi tin nhắn đến một số điện thoại nằm ngoài danh sách những số điện thoại đã đăng ký nhận quảng cáo thì hành vi đó đã được coi là vi phạm pháp luật, bất kể số điện thoại đó có nằm trong danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo hay không.
Vấn đề vẫn nằm ở khâu kiểm tra, giám sát để ngăn chặn các cuộc gọi, tin nhắn “rác”. Còn việc đăng ký trước danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo sẽ không phát huy được tác dụng, bởi sẽ không thể phân biệt được đâu là cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo, đâu là cuộc gọi, tin nhắn liên lạc bình thường”- đại diện VCCI lý giải.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về việc đưa ra quy định về danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo.
Liên quan đến cơ chế phản ánh về tin nhắn rác qua đầu số 456, do cơ chế này đã được triển khai trong hơn 3 năm (từ năm 2016) nên VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo có báo cáo và đánh giá về tình hình thực hiện. Đồng thời, cần bổ sung quy định theo hướng yêu cầu các nhà mạng phải cung cấp chức năng phản ánh tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” trên các ứng dụng của mình.
Với quy định mới về việc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, cuộc gọi và thư điện tử phải đăng ký với Bộ TT-TT và được Bộ cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ cùng với mã số quản lý thì mới được kinh doanh, VCCI cho rằng quy định này vừa không bảo đảm phù hợp với Luật Đầu tư, không hợp lý và cũng không thực sự khả thi nên đề nghị bỏ.
Hầu hết khách hàng sử dụng điện thoại di động cũng như hòm thư điện tử đều phàn nàn rằng, ngày nào cũng bị các cuộc điện thoại “trời ơi đất hỡi” làm phiền. Đặc biệt gần đây còn có các cuộc gọi điện thoại kết nối với tổng đài trả lời tự động quấy nhiễu.
Nhiều khách hàng sử dụng điện thoại cho biết, có những số điện thoại gọi đến không bao giờ biết được đó là quảng cáo. Cũng là thuê bao 10 số, thậm chí còn có số điện thoại đẹp gọi đến mời chào mua bất động sản, tham gia các khóa học làm đẹp. Nhiều người khi thấy cuộc gọi nhỡ, lại là những số “đẹp” nên đã gọi lại. Lúc đó mới biết là số điện thoại mời mua hàng.
Một thống kê của Bộ TT-TT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 số lượng phản ánh của người dùng về “tin nhắn rác” quấy nhiễu, gây phiền hà là 21.888 lượt. Cơ quan này cũng thống kê, “tin nhắc rác” quảng cáo cho SIM số đẹp đang gia tăng, gây phiền nhiễu cho khách hàng, với 472 lượt phản ánh, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, “cuộc chiến” với tin nhắn “rác” vẫn còn tiếp diễn.