Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường

Lê Na Ảnh: Quang Vinh 14/10/2019 08:51

Sáng ngày 14/10, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) đồng tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham dự Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Dự Hội nghị còn có ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình; ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thừa Thiên - Huế và lãnh đạo các tôn giáo.

Cùng dự hội nghị có các đại biểu là khách quốc tế: bà Grethe Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; bà Margrethe Volden, Giám đốc NCA khu vực châu Á và Trung Đông; ông Knut Christiansen, Giám đốc Tổ chức NCA Việt Nam.

1.014 mô hình bảo vệ môi trường

Năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức tại thành phố Huế, đại diện lãnh đạo của 14 tôn giáo đã trình bày bản Thông điệp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020) với 5 nội dung và 7 mục tiêu, giải pháp.

Sau khi Chương trình phối hợp được ký kết, Ban Chỉ đạo Chương trình đã được thành lập với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo. 63 tỉnh, thành phố đã tiến hành ký kết Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo ở cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, qua 4 năm triển khai thực hiện, với sự tham gia tích cực và hiệu quả của các tôn giáo, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, ngành tài nguyên và môi trường, các tôn giáo đã xây dựng được hơn 1.014 mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng.

Nhiều nội dung của Chương trình phối hợp đã được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường" nên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ngành và các đoàn thể; sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân cũng như các cộng đồng tôn giáo. Qua đó hình thành cơ chế hỗ trợ hiệu quả, phát huy nội lực, tự quản trong nhân dân kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn lực xã hội, quốc tế trong sự nghiệp xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 1

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị.

Một số mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như tỉnh Bình Thuận với mô hình "Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu" vùng đồng bào theo đạo Bàlamôn giáo; tỉnh Quảng Nam với mô hình tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ sở thờ tự trên địa bàn xã, phường; Thành phố Cần Thơ với mô hình“Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt; Tỉnh Lâm Đồng với mô hình "Giáo xứ An toàn – sáng – xanh – sạch – đẹp" của Giáo xứ Thánh Mẫu, phường 7; mô hình "Khu dân cư An toàn, Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp" của thôn R'Chai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng; Thành phố Hà Nội có nhiều mô hình của các tôn giáo: " Chùa Xanh" bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại chùa Xuân Trạch, Đông Anh; mô hình xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự trên địa bàn quân Hai Bà Trưng và huyện Sóc Sơn; mô hình tác hại của việc đốt rơm rạ và các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ bằng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất đai tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện Đông Anh, huyện Đan Phượng. Tỉnh Đồng Tháp với mô hình "Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đinh, xây dựng tuyến đường hoa gắn với đèn đường, cột cờ” của Cao Đài Ban chỉnh đạo; mô hình "Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tham gia thực hiện thu gom rác thải, không vứt rác bừa bãi, không vứt xác động vật xuống sông, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường"…

“Thông qua thực hiện Chương trình đã khẳng định đường hướng sống “Tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể là đúng đắn, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội; tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 2

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tăng trưởng theo hướng phát triển xanh

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính chất toàn cầu được cả thế giới quan tâm. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã đưa ra đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới.

Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc cùng hành động vì khí hậu ngày 23/9/2019, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông António Guterres đã nêu bật yêu cầu cần cắt giảm phát thải khí nhà kính 45% vào năm 2030; kêu gọi tăng nguồn tài chính chi cho khí hậu, bao gồm việc thực hiện cam kết đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm của các nước phát triển cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển vào năm 2020 và củng cố Quỹ Khí hậu Xanh; cũng tại Hội nghị, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ, đại diện các nước đã đưa ra những tuyên bố, cam kết mạnh mẽ. Giáo hoàng Phan-xi-cô đã gửi thông điệp kêu gọi loài người sống trung thực hơn, có trách nhiệm hơn và khuyến khích hành động vì khí hậu.

Nhấn mạnh, tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, người dân Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững.

Bên cạnh đó, các chuyên gia môi trường thế giới đã nhận định, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tính trung bình GDP cứ tăng thêm 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP.

Xuất phát từ thực tế đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ, đây là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với Việt Nam khi vừa phải tập trung phát triển kinh tế vừa bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngắn hạn và dài hạn, Việt Nam luôn nhất quán mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh và hướng tới người dân - phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe, thể chất của nhân dân.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, lãnh đạo của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam sẽ cùng các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và cam kết tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp cùng nhau thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình trong những năm tới, góp phần tích cực phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tăng cường đoàn kết, sự gắn bó, đồng hành của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 3

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Nhấn mạnh nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, ông Trần Hồng Hà, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, vấn đề chất thải rắn, rác thải nhựa đại dương, khí thải, nước thải đang ngày càng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái; suy giảm các nguồn tài nguyên: nước, đất, biển, đại dương, chất lượng không khí; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững; đồng thời, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, sóng nhiệt tăng cường, mưa bão, hạn hán, thiên tai, ngập lụt diễn ra ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người và các hệ sinh thái.

Đặc biệt ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường, suy thoái và suy giảm tài nguyên, biến đổi khí hậu nhanh và phức tạp đã và đang là những rào cản to lớn đối với quá trình phát triển bền vững đất nước; ô nhiễm nguồn nước nhất là nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, các lưu vực sông chưa được khắc phục; ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn khó kiểm soát, xử lý, có nơi ngày càng trở nên trầm trọng; Lượng phát thải đặc biệt là rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy sử dụng một lần tiếp tục gia tăng; biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp và ngày càng khó lường. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu…

Theo ông Trần Hồng Hà, trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chủ trương nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; kinh tế, xã hội và môi trường là trung tâm để Việt Nam phát triển bền vững và đồng hành với nỗ lực của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong những năm qua, các tôn giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, có nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước.

“Những phong trào nêu trên đã tạo sức lan toả lớn trong xã hội, góp phần vào nỗ lực quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị trong việc chặn đà suy giảm, dần cải thiện, phục hồi các chỉ số thành phần chất lượng môi trường; chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu”, ông Trần Hồng Hà nói.

Khẳng định ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH), chủ động, tích cực bảo vệ môi trường là những vấn đề quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định sự phát triển của đất nước, cũng như tương lai phồn thịnh và hạnh phúc của các thế hệ người Việt Nam, ông Trần Hồng Hà cho rằng đây là việc làm hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà tất cả các tôn giáo ở Việt Nam cùng với toàn dân tộc đang hướng tới.

Đề giải quyết được những vấn đề cấp bách này, ông Trần Hồng Hà cho rằng các tôn giáo cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về BVMT, ứng phó với BĐKH trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo; trang bị kiến thức, tri thức, kinh nghiệm; tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền. Trong đó, cần chú trọng phát hiện và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phục vụ tái chế, tái sử dụng; hạn chế tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.

Bên cạnh đó, cần lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống, văn hoá bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT và ứng phó BĐKH.

“Cần đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự”, ông Trần Hồng Hà nêu rõ.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 4

Bà Margrethe Volden - Giám đốc Tổ chức Bắc Âu (NCA) khu vực Châu Á và Trung Đông phát biểu tại Hội nghị.

Theo bà Margrethe Volden - Giám đốc NCA khu vực châu Á và Trung Đông, biến đổi khí hậu là một thách thức về mặt chính trị đối với nhân loại trong giai đoạn hiện nay, chính vì vậy, để giải quyết được những điều này cần sự tham gia của các nhà lãnh đạo, các tổ chức tôn giáo để tạo sự chuyển biến và sự thay đổi về tư duy, nhận thức của người dân.

Khẳng định sự chung tay của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng và hoàn toàn có thể đóng góp sức mình vào việc giải quyết những vấn đề trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới, bà Margrethe Volden mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay của MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo trong việc vận động thêm nhiều người dân, nhiều nhóm thiện nguyện tham gia tuyên truyền, phổ biến hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó chính quyền các cấp cần tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc hội thảo, các chương trình phối hợp và huy động thêm nhiều nguồn lực để giúp đỡ người dân phòng chống thiên tai, khắc phục những hậu quả khôn lường do thiên tai gây ra.

“Người dân Việt Nam không thể tự mãn với những kết quả bước đầu đạt được trong bảo vệ môi trường mà phải coi đây là động lực để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới”, bà Margrethe Volden bày tỏ.

Tại hội nghị, 39 tập thể, 20 cá nhân và 9 mô hình đã được vinh danh và nhận Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 5

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 6

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại Hội nghị.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 7

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ban trị sự GHPGVN Thừa Thiên - Huế phát biểu tại Hội nghị.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 8

Bà Grethe Lochen - Đại Sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 9

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 10

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 11

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 12

Quang cảnh Hội nghị.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 13

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 14

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 15

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể xuất sắc.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 16

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 17

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm.

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 18

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 14 - 15/10. Hội nghị và hội trại toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2019 được thiết kế trên nền tảng ý tưởng “Quay về với tự nhiên”. Ý tưởng này được tạo hứng khởi từ bài viết “Trở về tự nhiên - Một sự phản ứng của nền văn minh”. “Trở về với tự nhiên” là xu hướng chung của con người trong các nền văn minh. Sống hòa mình vào thiên nhiên là mong muốn ngàn năm của con người, là hiện tượng đặc trưng của nền văn minh xanh.

Lê Na Ảnh: Quang Vinh