Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng: Không biết đến thị trường nghệ thuật
“Tôi nghĩ rằng bất kỳ người nào khi quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật đều mong muốn tạo cho mình được một tiếng nói riêng, một lối đi riêng, tôi cũng như vậy, luôn muốn nghiên cứu, tìm tòi và phát triển cho mình dấu ấn riêng biệt”.
1. “Tôi có một giai đoạn gắn bó sâu sắc với nghệ thuật sắp đặt và trình diễn, chủ yếu lúc còn đang là sinh viên, say mê thử nghiệm và khám phá ngôn ngữ biểu đạt mới mẻ của nghệ thuật. Tôi rất thích sắp đặt và nghệ thuật đương đại, trước đây, bây giờ và sau này cũng thế, nếu có điều kiện và cơ hội, tôi sẵn sàng tham gia và làm tác phẩm. Trình diễn và sắp đặt không dễ tiếp cận công chúng nhưng ấn tượng thị giác để biểu đạt nội tâm tác phẩm của nó thì thật sự rất mãnh liệt. Mỗi tác phẩm tôi làm đều hằn sâu những cảm xúc và ký ức, kỷ niệm cũng như tình cảm của mình chắt chiu trong một thời gian rất dài. Để tìm kiếm được cách thể hiện ra với từng tác phẩm, quả thật là một quá trình tìm tòi, khám phá, thử nghiệm và thử nghiệm không ngừng nghỉ. Sức sống cũng như sự phát triển trong tác phẩm của tôi vì thế mà có thể tiếp tục và lớn lên từng ngày.
Xuất phát điểm của tôi khi đến với nghệ thuật thể nghiệm là vì tò mò, vì muốn khám phá, muốn thử sức, sau đó càng ngày càng yêu thích, say mê và không ngừng thử nghiệm. Sự sáng tạo hình thành trong quá trình không ngừng thử nghiệm và tìm tòi phương thức biểu đạt ấy.
Ấn tượng và cảm xúc phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, điều kiện không gian, thời gian và ngoài ra cũng có rất nhiều yếu tố khác tác động lên tác phẩm nữa. Tiếp cận tác phẩm ấn tượng ban đầu so với những lần sau sẽ có sự biến đổi, tốt lên hay tệ đi, quyến rũ hơn, thu hút hơn hay trở nên nhàm chán không chỉ phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm mà còn một phần phụ thuộc vào trình độ, sự hiểu biết và tâm lý của khán giả nữa. Trong sáng tác nghệ thuật, “khoảnh khắc thăng hoa” là những trạng thái mà tác giả và khán giả nào cũng sẽ tìm kiếm, nhưng để thấu hiểu và đồng cảm thì cần cả một quá trình cảm nhận nữa.
Vì không dễ tiếp cận khán giả nên việc trưng bày, sáng tác và mua bán tác phẩm trình diễn, sắp đặt gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà cả ngoài thế giới cũng vậy. Vì vậy, rất nhiều nghệ sĩ sẽ tìm kiếm những quỹ, những nguồn bảo trợ hoặc được những nhà tài trợ hỗ trợ cho tác phẩm của mình, ở Việt Nam cũng có những người như vậy nhưng chỉ là một con số còn rất khiêm tốn.
2. Sau một thời gian theo đuổi sắp đặt và trình diễn, tôi thấy được những ưu điểm cũng như hạn chế của loại hình nghệ thuật này trong việc biểu đạt cảm xúc và tiếp cận khán giả. Tôi dành thời gian cho nghệ thuật giá vẽ nhiều hơn, chất liệu dân gian để tìm về cái bản nguyên của chính mình. Tôi vẽ rất nhiều trên giấy dó, sử dụng mực tàu, rồi màu nước, rồi cắt dán, tổng hợp. Sau đó tôi thử nghiệm giấy dó bồi trên canvas, rồi chuyển dần sang sơn mài trên canvas với chất sơn, lá vàng, lá bạc, các màu nguyên chất từ bột thiên nhiên… Càng làm lại càng say mê, càng muốn tìm kiếm và thử nghiệm nhiều hơn nữa.
Tôi đã lựa chọn được cho mình một con đường, một lối đi và các bước để phát triển, tìm tòi, khám phá, thử nghiệm cho bản thân. Đây là một quá trình làm việc nghiêm túc và chuyên tâm mà thành quả mà tôi đạt được có lẽ là tạo được dấu ấn riêng cho bản thân mình.
3. “Tôi nghĩ rằng mỗi người hoạ sĩ có cách thức làm việc và tiếp cận riêng với những nhóm khán giả của mình. Và, không biết về thị hiếu công chúng, tôi không giỏi trong việc phân tích và phán đoán xem người khác thích gì, vì thế, tôi vẽ những gì tôi thích, nó là nội tâm của tôi, suy nghĩ và thế giới của tôi. Tôi cứ vẽ như vậy, là một phần bản năng, một phần cuộc sống và ý nghĩa cuộc sống của tôi vậy thôi. Được nhiều người yêu thích và đón nhận thì thật tuyệt, nhưng dù chỉ một số ít người yêu thích và đón nhận nó với tôi cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao rồi.
Thành thật mà nói tôi không biết đến cái gọi là thị trường nghệ thuật, công việc này tôi hoàn toàn ủy thác cho gallery, curatot và art dealer; tôi chỉ tập trung vào tác phẩm của mình thôi. Cũng có lúc thăng, lúc trầm, cũng có serie được đón nhận và bán rất tốt, cũng có serie thì không, tôi cũng suy nghĩ về việc ấy, nhưng tôi nghĩ rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng lên tác phẩm nghệ thuật chứ không chỉ riêng chất lượng tác phẩm, vì thế cứ kiên trì theo đuổi và tiếp tục làm việc thôi, câu trả lời ở phía trước.
Từ xưa đến nay, người ta đã tranh luận rất nhiều giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Biết điều ấy, hiểu điều ấy là một chuyện, còn làm được hay không lại là một việc hoàn toàn khác. Tôi thấy mình chưa có hiểu biết, cũng chưa nghiên cứu và tìm tòi về vấn đề này nên tôi không biết làm thế nào để cân bằng giữa nghệ thuật của bản thân và thị hiếu của khán giả. Tôi cho rằng, một tác phẩm chạm được đến cảm xúc của khán giả là thành công rồi. Muốn chạm đến cảm xúc ấy, chỉ có thể từ những tình cảm chân tình và nguyên sơ nhất cùng với thái độ làm việc nghiêm túc nhất mới có được mà thôi. Còn bán được hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Cảm thụ nghệ thuật của công chúng vô cùng đa dạng và phong phú, cùng một tác phẩm, nhưng ngay cả trong giới nghệ thuật việc khen/chê, thích/không thích đã có rất nhiều chiều rồi, nên để định hướng hay dẫn dắt công chúng chắc chắn không thể dễ dàng. Tác phẩm, tác giả làm được điều ấy vô cùng hiếm và tác phẩm ấy chắc chắn là một kiệt tác.
Tôi nghĩ là mỗi người mỗi việc, có người làm việc này cũng có người làm việc khác. Người họa sĩ/nghệ sĩ chạy theo phục vụ đám đông vì đấy là công việc của họ, là một công việc lương thiện thì không có gì xấu cả.
Tôi nghĩ là mình may mắn có được những người hiểu, yêu mến và mua tranh của mình. Điều này đã giúp tôi tiếp tục vững bước, củng cố con đường mà tôi đã theo đuổi”.