Họa sĩ Nguyễn Đức Hùng: Nghệ thuật rất cần tiếng nói cá nhân

Việt Quỳnh 14/10/2019 16:17

“Ngay từ khi theo đuổi con đường nghệ thuật, bản thân tôi cũng chưa thể xác định được con đường đi cho chính mình. Lúc ấy cũng là quãng thời gian tôi đang trau dồi, tìm hiểu và thử nghiệm các phương pháp, phong cách vẽ khác nhau với mục đích đi tìm xem sở trường, sở thích của mình phù hợp với loại hình nghệ thuật gì”.

Họa sĩ Nguyễn Đức Hùng: Nghệ thuật rất cần tiếng nói cá nhân

1.“Tôi đã từng vẽ nhiều thể loại, nhiều chất liệu. Có những thể loại lúc đầu thích nhưng về sau lại bế tắc, hoặc có thể loại đã đạt được thành công nhất định nhưng càng làm thì tôi thấy không đi sâu và xa được. Khi tham gia triển lãm “Đồ họa” tôi đã sử dụng chất liệu bút sắt, bút kim. Sau đó tôi cũng bắt đầu vẽ thêm một số tác phẩm khác nữa và càng ngày tôi càng thấy nó phù hợp với mình. Chất liệu bút kim để diễn tả sâu thì nó đòi hỏi phải có tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, cần nhiều thời gian. Tôi cũng cảm thấy mình thích thú với những tiêu chí đó, nên dần dần thấy rằng ở đó nó tồn tại sở thích của mình. Tôi càng vẽ càng định hình dần phong cách sau một thời gian nhìn lại thì nó đã trở thành một con đường đi cho chính mình.

Mỗi người nghệ sĩ đều có cơ duyên đi đến những con đường, có những con đường đến từ sự ngẫu nhiên hoặc khó khăn gian khổ tìm tòi thể nghiệm theo năm tháng mà hình thành.

2. Hiện nay tôi đang vẽ về đề tài tâm linh, tôn giáo. Đề tài này cũng kén người xem, kén người sưu tập, kén nơi trưng bày, đó cũng là một khó khăn và thử thách khi đưa tranh của tôi ra với thị trường nghệ thuật. Khi đi theo con đường này, tôi cũng biết nó chưa phải là hợp với thị hiếu chung của công chúng, nhưng tôi vẫn quyết định đi, bởi vì khi sáng tác theo phong cách này, đi theo con đường này thì tôi mới thực sự say mê sáng tác. Có thể bỏ ra rất nhiều thời gian cho một tác phẩm với mong muốn sao cho trong tranh có ý nghĩa, mang thông điệp, có chiều sâu - điều này làm cho tôi cảm thấy rất thích thú. Về thị hiếu của công chúng, mỗi người sẽ có những gu thẩm mỹ khác nhau, sẽ lựa chọn tranh theo quan điểm và thẩm mỹ riêng. Nếu tôi chạy theo thị hiếu của công chúng, vẽ tranh không theo cảm xúc của mình mà lại đi lùa theo cảm xúc của người khác, sở thích của người khác thì thực sự là tôi chỉ làm để chiều theo ý thích của họ mà thôi.
Tôi muốn vẽ theo những cảm xúc sâu thẳm, chân thành mà tôi cảm nhận được để sáng tác ra những tác phẩm mà tôi yêu thích nhất, mình tận tâm với nó nhất. Mà nghệ thuật thì rất cần tiếng nói cá nhân.

Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là đi tìm những ngôn ngữ tạo hình độc đáo, khai thác được những yếu tố của cuộc sống, đưa vào trong tác phẩm để công chúng cảm nhận được các giá trị đó, đấy chính là điều mà tôi cần phải vươn tới nhất.

3.Trong những giai đoạn tranh của mình chưa có thị trường, tôi cũng đã có những phương án khác để củng cố nuôi dưỡng được tình yêu của mình dành cho nghệ thuật. Bên cạnh đó tôi thường xuyên tham gia các triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu tác phẩm của mình với công chúng, kết nối với gallery, các nhà sưu tập với mong muốn các tác phẩm của mình có sự lan tỏa nhiều hơn nữa với các thị trường nghệ thuật.

Nếu như một nghệ sĩ hội tụ đầy đủ những phẩm chất, có tâm, có tầm, có trình độ, có tri thức, có khả năng thì tôi nghĩ để trở thành một nhà tư tưởng cũng rất cần thiết. Khi những người nghệ sĩ công bố tác phẩm của mình là họ đang chia sẻ những câu chuyện đằng sau tác phẩm đó. Nhiều nhà sưu tập hay công chúng sẽ yêu tác phẩm hơn khi mà họ biết được những câu chuyện đằng sau tác phẩm ấy. Khi giao tiếp với nghệ sĩ thì bản thân người nghệ sĩ ấy cũng là một tác phẩm, mọi người sẽ thú vị hơn khi hiểu được cuộc sống của tác giả và con đường hình thành tác phẩm cùng câu chuyện đằng sau tác phẩm. Đấy là điều thích thú. Người ta sở hữu không chỉ một tác phẩm hiện hữu mà còn quý hơn vì nó tồn tại dưới dạng tinh thần.

Tác phẩm sống mãi với thời gian là tác phẩm ngoài giá trị nghệ thuật còn giàu về giá trị nội dung tư tưởng. Khi một tác phẩm có giá trị nghệ thuật và giàu về giá trị nội dung tư tưởng thì bản thân tác phẩm ấy có sức lan tỏa để dẫn dắt công chúng trong việc thưởng thức giá trị nghệ thuật. Khi nghệ sĩ chạy theo phục vụ đám đông thì bản thân không còn giữ được tình cảm và phong cách sáng tác của riêng mình, con đường mà mình đang đi không thể tiếp tục được nữa. Dòng tranh của mình phải dừng lại để làm chiều lòng thị hiếu.

Đi theo con đường riêng biệt, dòng tranh của tôi hiện nay so với 6 năm trước cũng đã có những nhà sưu tập bắt đầu để ý đến. Bên cạnh đó một số lượng công chúng đồng cảm với các tác phẩm của tôi - họ là những người có trải nghiệm về tâm linh, về đời sống văn hóa hay có sở thích, quan điểm giống tôi. Về thị trường quốc tế, tranh của tôi cũng được triển lãm ở một số nước như Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Indonesia. Ở đấy tôi thấy các họa sĩ nước ngoài cũng tán đồng, tỏ thiện chí ủng hộ chất liệu mà tôi đang theo đuổi. Thông qua tác phẩm của tôi, họ đều cảm thán rằng tôi là một người yêu nghệ thuật, tận tâm với nghề, say mê sáng tác và họ rất trân trọng. Họ động viên tôi đi tiếp con đường ấy và hy vọng thời gian tới với sự trau dồi và quyết tâm thì dòng tranh của tôi sẽ được đón nhận nồng nhiệt hơn và phát triển nhiều hơn nữa ở thị trường trong nước và quốc tế.

Con đường nào cũng sẽ có người đi, có người đồng cảm chia sẻ và đón nhận. Vì vậy tôi vẫn cố gắng trên con đường mà mình đang đi để tiến tới hay hơn, độc đáo hơn. Đó cũng là phần nào đóng góp và cống hiến của tôi dành cho nghệ thuật”.

Việt Quỳnh