Tiền mất, tật mang vì tin 'lang băm'
Việc đặt niềm tin và sử dụng những loại thuốc Đông y do “lang băm” không được cấp phép hành nghề đã khiến cho không ít người rơi vào hoàn cảnh “tiền mất tật mang”, có nhiều trường hợp còn nguy hiểm tới tính mạng.
Minh họa: gettyimages
Nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc
Ngày 20/9, BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang thông tin về trường hợp anh Nguyễn Văn T. (34 tuổi, trú tại Đội Cấn, huyện Yên Sơn), nhập viện trong tình trạng cẳng chân 2 bên sưng tấy, phỏng nước, có phần trợt da, có phần hoại tử đen, kèm theo chảy mủ hôi… Anh được chẩn đoán bỏng độ II, III (diện tích khoảng 16%), một số vị trí bỏng độ IV (diện tích 3%). Khi nhập viện, bệnh nhân (BN) đã được các BS, Điều dưỡng khoa Chấn thương chỉnh hình (CTCH) làm sạch dịch mủ và vệ sinh sạch sẽ tại vị trí bỏng, đồng thời điều trị toàn thân, truyền kháng sinh, truyền dịch, dùng thuốc giảm đau, thay băng và theo dõi đánh giá tổn thương bỏng hàng ngày.
Gia đình BN cho biết: Trước khi nhập viện 4 ngày, anh T. đang sử dụng bếp ga công nghiệp, bất ngờ dây ga tuột bắn ra khỏi bếp, bén lửa và gây bỏng nặng. Gia đình nghe người quen giới thiệu lấy “thuốc nam” của 1 “bà lang” về để đắp, nhưng không đỡ, càng ngày càng sưng to và đau rát, nên đã đưa T. đến khám bệnh và điều trị.
Ngày 16-17/9, BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang liên tục tiếp nhận thêm 2 trường hợp bệnh nhi: Nguyễn Bảo T. (8 tuổi), trú tại Công Đa và Lý Thị H. (5 tuổi), trú tại Phúc Ninh (Yên Sơn) đều bị bỏng nước sôi độ II và độ III. Gia đình cũng đã đi lấy thuốc nam về đắp cho trẻ, nhưng sau 1 ngày không đỡ, thấy vị trí bỏng sưng, tấy đỏ, nên mới đưa trẻ đến BV, đang được điều trị tích cực tại khoa CTCH.
BS Chuyên khoa II Ngọc Đại Cương - Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thời gian qua đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc. Có những BN vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và tốn rất nhiều chi phí.
Hoại tử do dùng “thần dược gia truyền”
BN Nguyễn Văn Long, 65 tuổi, ở Quảng Ninh cho biết: “Bị bệnh trĩ hành hạ đến mất ăn mất ngủ đã rất lâu rồi, đã chữa thuốc nam, thuốc bắc, thuốc quảng cáo trên tivi, rồi tây y… mất khoảng 500 triệu đồng nhưng chỉ cầm cự được một thời gian. Tôi nghe mách có phương thuốc gia truyền của ông Quốc (người Việt gốc Hoa) tại phường Hà Khẩu, Hạ Long đã tiêm cho nhiều người trĩ nặng đều khỏi. Đặc biệt, khi “thầy thuốc” cho xem clip có được “thần dược gia truyền” phải kỳ công vào rừng đào rễ cây thuốc như thế nào, bào chế chiết xuất ra sao; rồi cam kết rằng thuốc này tiêm đến đâu, búi trĩ sẽ teo mà không đau đớn. Khi “thầy thuốc” bảo năm ngoái có bệnh nhân bị trĩ độ 4 kèm bệnh tiểu đường, sau khi tiêm 14-15 mũi chỉ mất 18-20 triệu đồng đã khỏi, và còn hứa khi nào khỏi mới lấy tiền nên tôi mừng lắm. Sau 2-3 mũi tiêm thấy đỡ đau, nhưng đến mũi tiêm thứ 5 thì thấy người như sốt, hậu môn đỏ rộp, vón cục. 11 ngày sau, búi trĩ lở loét, không đại tiện được nên tôi không dám ăn uống gì, người gầy rộc từ 80 kg còn 71 kg trong vòng nửa tháng. Sau khi lên Hà Nội thăm khám, mới biết, vết thương của mình đã hoại tử do nhiễm trùng, nếu không mổ nhanh, thuốc đọng vón cục sẽ ăn vào trực tràng, nguy hiểm đến tính mạng”.
TS-BSCC Lê Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Hội Đại trực tràng học Việt Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, phụ trách Bệnh trĩ Hà Nội 1 - cho biết: Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, trong tháng 8 vừa qua, riêng cơ sở này đã mổ cho 5 trường hợp biến chứng nặng do dùng thuốc tự chế. Nắm bắt tâm lý của người bệnh trĩ sợ mổ, các “thầy thuốc dạo” đã dùng chiêu thức quảng cáo “có cánh” về các loại thuốc được gắn mác “gia truyền” và cam kết “đảm bảo 100% không tái phát, không khỏi không lấy tiền”… Thực ra, thế giới hiện chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh trĩ, và các nhà khoa học giỏi nhất chuyên ngành hậu môn trực tràng đều không dám cam kết sau khi điều trị trĩ sẽ không tái phát, bởi việc tát phát bệnh trĩ có liên quan tới rất nhiều nguyên nhân như sinh hoạt hằng ngày, chế độ ăn uống... “Trong quá trình điều trị, tôi thấy đáng tiếc cho nhiều BN. Do dùng thuốc không có nguồn gốc như bôi, uống, ngâm, tiêm hay điều trị theo cách dân gian, từ cơ sở có yếu tố nước ngoài… đã để lại những biến chứng nặng nề như: hẹp hậu môn, loét và hoại tử vùng hậu môn, đại tiện không tự chủ. BN phải trả giá quá đắt khi phải khắc phục bằng cách cắt bỏ vùng hoại tử, đồng thời bảo tồn tối đa phần lành, nhưng sợ nhất là BN không còn tổ chức lành nữa, khi đó chỉ còn cách tạo hình lại” - BS Cường cho hay.
Nghe lời “thầy lang” chữa ung thư vú, người phụ nữ trẻ bị hoại tử bên vú phải
Ngày 6/9, BN A. nhập BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng suy kiệt toàn thân, thiếu máu, nhiễm trùng, nhiễm độc do khối u vú phải vỡ loét hoại tử. Qua tìm hiểu thông tin, được biết: Chị A phát hiện bị mắc ung thư vú phải giai đoạn III từ năm 2017, khi đó BS khuyên chị nên mổ, sau đó là hóa trị, xạ trị. Nhưng phần vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, phần vì chưa có niềm tin vào y học hiện đại, nên chị quyết định không điều trị tại BV mà trở về nhà điều trị bằng thuốc nam.
Trao đổi với chúng tôi, ThS-BS Trần Xuân Vĩnh -Trưởng đơn vị Hóa trị & Chăm sóc giảm nhẹ, Trung tâm Ung bướu, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, BS điều trị chính - cho biết: “Ung thư vú là một bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi khi được phát hiện sớm. Đối với trường hợp được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn III cách đây 2 năm, nếu được tiếp cận với phương pháp điều trị khoa học, bài bản thì cơ hội chữa khỏi bệnh vẫn rất cao. Rất tiếc là BN này đã bỏ qua cơ hội điều trị bệnh của mình, tìm đến phương pháp điều trị không chính thống, làm cho bệnh tiến triển xấu đi. Hiện tại người bệnh đến BV ở giai đoạn muộn, với thể trạng rất suy kiệt, thiếu máu nặng, nhiễm trùng từ khối u vú phải hoại tử, vỡ loét. Các xét nghiệm lúc mới vào thể hiện một tình trạng bệnh rất nguy kịch: huyết sắc tố chỉ còn 3g/dl (người bình thường 12-13g/dl), albumin huyết 22g/l (người bình thường >35g/l,), bạch cầu tăng rất cao > 50.000G/l. Sau 10 ngày điều trị tích cực tình trạng BN cải thiện khá tốt, khối u bớt hoại tử, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, chúng tôi đang hội chẩn để tìm hướng điều trị tiếp theo, tuy nhiên khả năng điều trị cũng rất hạn chế”.
Trung tâm Ung bướu BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Nơi đây cũng từng tiếp nhận nhiều ca như vậy, người bệnh chủ quan với sức khỏe của mình, buông bỏ sớm, không dám đấu tranh với bệnh tật, hoặc tin lời của những lang băm không có chuyên môn, để rồi sức khỏe ngày càng kiệt quệ, không thể cứu vãn được mới lo chạy chữa y học hiện đại.
Cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng
Có những người bán thuốc đã tự phong cho mình là các “ông lang”, “bà lang” nhưng đa số lại không có hiểu biết gì về tác dụng cũng như các độc tính của loại thuốc mà mình bán ra, chính họ cũng không ý thức được các nguy cơ mà các loại thuốc này mang lại cho những người sử dụng. Trong quá trình dùng thuốc nếu xảy ra tai biến, họ thường giải thích là “do các chất độc đang đào thải ra bên ngoài” (?).
Thuốc tự chế được sản xuất và phân phối ở những cơ sở y tế tư nhân không có giấy phép hoặc chưa được đào tạo chuyên môn y dược. Cũng đã có nhiều lời cảnh báo trên các phương tiện thông đại chúng về nguy cơ tiềm ẩn của loại thuốc này, nhưng nhiều người vẫn sử dụng vì tin vào lời quảng cáo rằng có khả năng chữa bệnh nan y… Tuy nhiên, hiệu quả của những loại thuốc này đối với các bệnh thì chưa được khoa học kiểm chứng, thành phần và nguồn gốc đều không rõ ràng. Một số loại thuốc còn có chứa hàm lượng rất cao các thuốc tây y, nếu như sử dụng sẽ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm độc và có nhiều tác dụng phụ khác nữa.
Việc các “lang băm” núp bóng “thầy thuốc đông y”, bốc thuốc, chữa trị bằng các bài “gia truyền” đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các lương y chân chính và mục tiêu phát triển của ngành Y học cổ truyền Việt Nam. Để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, rất cần đến sự quản lý, đánh giá và phân luồng chặt chẽ, kịp thời từ các đơn vị quản lý, ngành chức năng. Ngoài ra chính quyền địa phương, cơ quan y tế cần vào cuộc tích cực, xử lý những đối tượng hành nghề trái phép, giúp người dân nhận ra bản chất vấn đề và có ứng xử phù hợp. Người dân cần tỉnh táo, không nên đánh cược sức khỏe bản thân trước các bài thuốc “truyền miệng”, không nên mù quáng tin tưởng vào những phương pháp chữa bệnh phản khoa học có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc.