Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm

Đức Trân 15/10/2019 07:00

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, cộng dồn từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 5.993 ca mắc SXH Dengue, không có trường hợp tử vong.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tại một số quận, huyện có số ca mắc SXH Dengue cộng dồn cao như Hà Đông (597 ca), Cầu Giấy (457 ca), Nam Từ Liêm (435), Thanh Trì (425), Đống Đa (424), Thường Tín (417), Hoàng Mai (412), Thanh Oai (367), Hoài Đức (365), Bắc Từ Liêm (236).

Theo BS Khổng Minh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội, SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của bệnh. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc do giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn là giai đoạn sốt - giai đoạn nguy hiểm - giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn sốt, người bệnh xuất hiện sốt cao đột ngột, liên tục, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết ở dưới da; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Ngoài ra có thể chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi. Khi có sốt cao đột ngột, kèm theo một trong các dấu hiện trên, người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, xác định mức độ bệnh. Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển rất nhanh từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng. Vì vậy người bệnh cần được điều trị đúng, kịp thời để tránh nguy cơ tử vong.

Tới giai đoạn nguy hiểm - thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là lý do làm cho người bệnh chủ quan, nghĩ rằng bệnh đã đỡ, không tiếp tục điều trị hoặc tái khám, dẫn tới bệnh nặng, có thể tử vong... Cuối cùng là giai đoạn hồi phục, thường vào ngày thứ 7 - 10 của bệnh: Lúc này, người bệnh hết sốt, thể trạng tốt lên, tim mạch dần ổn định.

BS Khổng Minh Tuấn cho rằng, để hạn chế chi phí cho người bệnh và giảm quá tải bệnh viện, các trường hợp bệnh nhẹ, được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Tuy nhiên cần phải theo dõi chặt chẽ và phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo (sốc) xảy ra để xử trí kịp thời. Các trường hợp sau, cần xem xét và cho nhập viện ngay kể cả khi chưa có dấu hiệu cảnh báo. Đó là các trường hợp sống một mình, nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng, gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; người có thể tạng thừa cân, béo phì; phụ nữ có thai; người trên 60 tuổi; người có bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu, tan máu).

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội khuyến cáo người dân, nếu sốt cao ≥ 38,5 độ C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ. Không dùng aspirin (acetylsalicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Bù dịch sớm bằng đường uống: khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh...) hoặc nước cháo loãng với muối. Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ để tránh nhầm lẫn với xuất huyết đường tiêu hóa. Nếu được chỉ định điều trị ngoại trú, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ...

Đức Trân