Vụ gian lận thi cử Hà Giang: Nhắn tin Phó Chủ tịch tỉnh vì bị 'gây khó khăn'

Theo dantri 15/10/2019 13:57

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận có nhắn tin cho ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang do bị gây khó khăn trong quá trình chấm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở địa phương này.

Sáng nay (15/10), tại TAND tỉnh Hà Giang, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang tiếp tục.

Vụ gian lận thi cử Hà Giang: Nhắn tin Phó Chủ tịch tỉnh vì bị 'gây khó khăn'

Vụ gian lận thi cử Hà Giang: Nhắn tin Phó Chủ tịch tỉnh vì bị 'gây khó khăn' - 1

Bị cáo Lương (ảnh trên) và Hoài đến tòa sáng nay, 15/10.

Nội dung nhắn tin "mách" Phó chủ tịch

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) tiếp tục bị yêu cầu lên bục khai báo để HĐXX xét hỏi.

Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính) hỏi bị cáo Hoài: Trong tài liệu điều tra, thu thập tài liệu tin nhắn của bị cáo vào ngày 10/7/2018 có ký hiệu “Q”, đề nghị bị cáo Hoài giải thích rõ ký hiệu “Q” là ai. Liệu có phải là viết tắt tên ông Quý (Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang)? Bị cáo Hoài đáp "không nhớ".

Sau đó, ông Hướng công bố nội dung tin nhắn bị cáo gửi người tên Q: “Em báo cáo anh hai việc, em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong, kết quả giữ liệu trên phần mềm quản lý thi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD gửi anh Sử giữ. Hai, việc Lương chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị chấm bài thi về sở theo điều 26 của quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ là phó chủ tịch hội đồng thi và trưởng ban thư ký, xong thầy Trình, thầy Bình, thầy Sử, cô Chính đang nâng cao quan điểm, có gì anh xem giúp em. Và người tên Q nhắn lại Ok”.

Đến đây, bị cáo thừa nhận người tên Q trong tin nhắn là ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Luật sư tiếp tục hỏi, việc chị Chính, ông Sử gây khó khăn được hiểu như thế nào? bị cáo Hoài trả lời, theo điều 26 của quy chế thi, bài thi thi môn trắc nghiệm sau khi chấm xong phải chuyển về Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Đến ngày 7/7/2018, bị cáo đưa chìa khóa cho bị cáo Lương mở phòng chứa bài thi môn trắc nghiệm để chuyển về Sở GD&ĐT, thầy Sử (Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang – PV), cô Chính nói chúng tôi là vi phạm quy chế thi.

Tiếp tục làm rõ nội dung này, HĐXX hỏi bị cáo Hoài: "Thầy Sử, cô Chính gây khó khăn như thế nào, thời điểm nào và cách thức ra sao?" Bị cáo này đáp, tại các cuộc họp từ ngày 8-10/7/2018, thầy Sử, cô Chính đều "ép chúng tôi vi phạm quy chế thi" vì chuyển bài thi trắc nghiệm hôm 7/7/2018 về Sở GD&ĐT.

HĐXX nói sẽ tiếp tục đánh giá chứng cứ này và luật sư cũng sẽ làm rõ ở phần tranh tụng.

Vụ gian lận thi cử Hà Giang: Nhắn tin Phó Chủ tịch tỉnh vì bị 'gây khó khăn' - 2

Quang cảnh phiên tòa.

Môn thi tự luận không nâng được điểm

Trong phần đầu xét hỏi, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Hoài để làm rõ động cơ đưa cho bị cáo Lương danh sách 93 thí sinh nhờ can thiệp nâng điểm thi môn trắc nghiệm.

Cũng giống phiên xử ngày 14/10, bị cáo Hoài khẳng định việc nhờ nâng điểm trên hoàn toàn do tình cảm đồng nghiệp, thân quen chứ không có động cơ vụ lợi.

Một lần nữa HĐXX muốn làm rõ nội dung tối 17/8/2018, Lương có đến nhà Hoài và Hoài đã nói với Lương "cứ lôi chị Chính vào cuộc". Bị cáo Hoài thừa nhận có nói với Lương như vậy với 2 ý là: Bị cáo Triệu Thị Chính với tư cách là thanh tra giám sát quá trình chấm thi môn tự luận để xảy ra sửa điểm thì phải chịu trách nhiệm một phần; bị cáo Chính cũng đưa cho bị cáo 13 danh sách thí sinh (12 thí sinh nhờ nâng điểm môn tự luận, 1 thí sinh nhờ xem điểm) thì cùng giống như bị cáo đưa danh sách 93 thí sinh cho bị cáo Lương nhờ nâng điểm môn trắc nghiệm nên cũng phải "chịu tội" như bị cáo.

Hỏi đến đây, HĐXX dành cho các luật sư tham gia xét hỏi thêm bị cáo Hoài, Luật sư Hoàng Văn Doãn -Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính) hỏi: Bị cáo có khẳng định sửa, nâng điểm bài thi môn tự luận không?

Bị cáo Hoài khai: "Trong quá trình chấm thi môn tự luận, theo quy chế phải chấm chung ít nhất 10 bài thi, chúng tôi tổ chức chấm chung 30 bài thi để thống nhất cách chấm theo hướng dẫn chấm và biểu điểm. Trong 30 bài thi này thì 38 người trong hội đồng chấm thi đều chấm và đều xác nhận trên bài thi, sau đó có biên bản thống nhất cách chấm và biểu điểm. Những bài chấm chung không nâng điểm được".

Vụ gian lận thi cử Hà Giang: Nhắn tin Phó Chủ tịch tỉnh vì bị 'gây khó khăn' - 3

Bị cáo Lương (trái) và Hoài tại tòa.

"Như bị cáo khai, chấm chung thì không thể nâng điểm được, vậy bị cáo làm được gì mà nhận lời nâng điểm cho 12 thí sinh như bị cáo khai?" - Luật sư Doãn hỏi tiếp. Bị cáo Hoài trả lời: Khi nhận danh sách 12 thí sinh nhờ nâng điểm môn tự luận từ bị cáo Chính, bị cáo nghĩ đến các phương án có thể như sau, trong đó loại trừ các phương án: Thứ nhất thí sinh bỏ giấy trắng thì không nâng điểm được, vì nếu nâng điểm thì nâng theo từng ý trong bài; bài thi chấm chung thì không nâng được; điểm bài thi của thí sinh đạt điểm theo yêu cầu thì cũng không tiến hành can thiệp nâng điểm.

Luật sư Doãn tiếp tục xét hỏi, vậy bị cáo có thể nâng điểm môn tự luận trong trường hợp nào?.

"Chỉ nâng được điểm thi môn tự luận nếu bài thi của thí sinh đó không nằm trong số bài chấm thi chung. Hoặc sau khi ghép phách mới biết môn thi tự luận của thí sinh được bao nhiêu điểm mới tiến hành nâng, nhưng trên thực tế chưa nâng bài thi nào" - bị cáo Hoài khai.

Cũng trong phần xét hỏi của luật sư Doãn, bị cáo Hoài khẳng định trước HĐXX chưa từng nâng điểm môn thi tự luận ở bất cứ kỳ thi nào trước đó.

Theo dantri