Chuyện ít biết về chị Quyên
Ngày 15/10/1965, trường Văn hóa Quân đội được vinh dự mang tên Anh Nguyễn Văn Trỗi, vì thế “học sinh Trường Trỗi” thân tình với “bà chị” Phan Thị Quyên, vợ Anh.Bắt đầu từ câu chuyện gia đình
Nhân Ngày Nhà giáo 20/11/2005, học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi đã đón chị ra Hà Nội thăm Võ Đại tướng.
Ai cũng nghĩ chị Quyên là người Sài Gòn vì giọng đặc sệt Nam Bộ; vậy mà quê nội chị ở thôn Văn Giáp (xã Bạch Đằng, huyện Thường Tín, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội). Từ năm 1951, có đến nửa thôn Văn Giáp vào mưu sinh ở Sài Gòn, họ cùng nhau mua mảnh đất gần ngã tư Phú Nhuận, xây ngôi chùa lấy tên Pháp Vân – thờ 2 bà Pháp Vân, Pháp Lôi (cùng là dân Văn Giáp). Năm 1937, bố mẹ chị Quyên cũng “vô Nam”, vì tham gia hoạt động yêu nước nên cụ ông bị lùng bắt, phải trốn về Sài Gòn năm 1956.
Chị Quyên sinh năm 1944. Tròn tuổi 16, chị đi làm cho Hãng bông Bạch Tuyết. Tới năm 1963, gặp Anh Trỗi, 2 người yêu nhau và đám cưới được tổ chức vào ngày 21/4/1964 (ngày 10 tháng 3 âm lịch). Sống với Anh nhưng chị không hề biết Anh là chiến sĩ biệt động Thành.
Đúng 6 tháng sau ngày cưới, ngày 15/10/1964 (10/9 âm), Anh Trỗi bị Tòa án quân sự Sài Gòn hành quyết.
Ba lần gặp Bác
Sau ngày Anh mất, dịp Tết 1965, chị Quyên được tổ chức đón ra Long An, sau đó theo đường giao liên tới “Y Tư” ở Củ Chi (Y4 – T4, căn cứ tiền duyên của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định) rồi lên R (căn cứ của Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh, sát biên giới Campuchia). Chị có gần 4 năm sống ở đây, được đi học lớp y tá và phục vụ tại R.
Chiều ngày 13/5/1969, chị Quyên cùng chị Nguyễn Thị Châu (nhân vật X trong tác phẩm “Sống như Anh”, vợ tử tù Lê Hồng Tư đang bị giam ngoài Côn Đảo) được đón sang Phnôm Pênh. Sáng 16/5, 2 chị cùng các chị Tư Thảo, Mười Mẫn và cô Ba Thanh Loan từ sân bay Pô-chen-tông bay ra Hà Nội. Các chị được đón về Nhà khách Ban Thống nhất ở 103 Quán Thánh.
Sáng 19/5, chị Quyên và chị Châu được đưa đến nhà chú Lê Toàn Thư (Phó ban Thống Nhất Trung ương) rồi có xe Volga đưa 2 chị vào Phủ Chủ tịch. Chú Vũ Kỳ, thư kí riêng của Bác, dặn: “Hôm nay là sinh nhật Bác. Biết các cháu mới từ trong Nam ra nên Bác mời vào thăm. Nhưng các cháu không được khóc khi gặp Bác. Nếu khóc sẽ làm Bác xúc động, không có lợi cho sức khỏe vì dạo này Bác yếu”.
Đang ngồi ở phòng khách nhỏ ven ao cá, thấy Bác đi bộ từ phía nhà sàn, định chạy ra đón thì chú Vũ Kỳ ngăn lại. Khi Bác vào phòng, 2 chị mới ra chào… Được ngồi bên Bác, 2 chị thấy gần gũi như cha con xa nhau lâu ngày nay mới gặp lại. Bác hỏi thăm đi đường thế nào, ra Bắc nóng quá có ngủ được không; tình hình trong Nam, ở R có thiếu thốn không; cha mẹ, gia đình ra sao… Trò chuyện một lúc, Bác nói: “Đến bữa trưa rồi, 2 cháu ở lại ăn cơm với Bác”. Bữa cơm trưa có cả bác Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) và chú Vũ Kỳ. Hai chị được ưu tiên ngồi sát bên Bác. Bữa cơm có thịt gà kho, cà muối và rau muống luộc cùng bát nước rau đánh dấm sấu. Bữa cơm thanh đạm nhưng ngon miệng. Khi ra về, Bác còn lấy bông lay-ơn đỏ trong bình hoa ra tặng. Về nhà, chị đã cho vào sách ép khô và sau này tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Bến Nhà Rồng.
Sau lần đó, chị Quyên còn được gặp Bác 2 lần nữa, khi chuẩn bị cùng đoàn đại biểu Phụ nữ Giải phóng sang thăm Cuba. Bác dặn dò mang trang phục cho phù hợp: phải có quần áo Giải phóng và mũ tai bèo, có khăn rằn Nam Bộ và áo bà ba, có áo dài truyền thống. Bác còn gửi đôi dép râu và chân dung Fidel Castro khảm ốc xà cừ, nhờ chị Quyên chuyển cho Thủ tướng.
Khi từ Cuba về tới Moskva, cả đoàn nghe tin Bác mất. Chị lặng người đi, khóc suốt và tiếc rằng không có bức ảnh nào chụp với Bác. Chị xúc động nhớ lại: “Lần đầu chú Vũ Kỳ nhắc Bác thì Bác bảo: chờ 2 cháu đi Cuba về chụp; lần sau thì Bác lại bảo phải giữ bí mật để 2 cháu còn quay trở về Nam hoạt động. Cũng may, đoàn chỉ dừng ở Moskva vài ngày, kịp về Hà Nội viếng Bác”.
Chuyện về nơi yên nghỉ của Anh Trỗi
Chị Quyên nhớ: “Sáng đó, vào thăm nuôi thì bị giám thị từ chối nhưng không cho biết chúng vừa xử bắn Anh ngay trường bắn Chí Hòa. Sau khi bắn, chúng đưa xác về nghĩa trang dành cho lính Cộng hòa ở Gò Vấp. Nhưng vì Anh là “Việt Cộng” nên chúng lại đưa về nghĩa trang Đô Thành (nay là Công viên Lê Thị Riêng).
Cả ngày 15/10, chị chạy đôn đáo khắp nơi mà không tìm được nơi anh an nghỉ. Hôm sau đọc báo mới hay chỗ chôn Anh. Đến nơi thấy có đến 3 ngôi mộ đất mới. Sớm 17/10 mới xác định được mộ Anh nhờ tục “mở cửa mả”; khi thấy 2 ngôi mộ kia đã được “mở”.
Gia đình đã chọn chùa Pháp Vân để cầu siêu cho anh. Vì chị phải đưa ba Anh về quê ở Quảng Nam nên bà con, cô bác đồng hương Văn Giáp đã cầu siêu cho anh suốt 7 tuần chay. Đến năm 1967, gia đình dời hài cốt anh về nghĩa trang Văn Giáp…
Ngày chú Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) còn sống, biết Anh đang an nghỉ ở nghĩa trang Văn Giáp, chú đã bàn: “Hay là đưa Trỗi về phần đất của tổ chức dành cho chú ở nghĩa trang thành phố?”. Chị đã cảm ơn: “Thành phố cũng đã dành cho Anh chỗ trên nghĩa trang Liệt sĩ, phòng khi nghĩa trang Văn Giáp phải di dời do quy hoạch đô thị”. Nghe nói thế, chú Sáu mới yên tâm.
Và ngày 15/4/2018, chị đã cùng tổ chức và gia đình đưa hài cốt Anh về an táng ở nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM.
Đám cưới “không giấy giá thú”
Những năm cuối của thập niên 1960, nhà văn Trần Đình Vân cùng cuốn “Sống như Anh” trên tay, đi đến các đơn vị bộ đội, trường học nói chuyện về tấm gương hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi. Cùng đi còn có chị Phan Thị Quyên, vợ Anh. Sau này, được nghe Hà Chí Thành (con trai cụ Hà Huy Giáp, người gần gũi với Bác Hồ) kể lại câu chuyện cảm động: Thấy chị Quyên đi nói chuyện nhiều cơ quan, đơn vị, Bác đã nói với anh em cán bộ Tuyên huấn: “Các chú cũng phải kheo khéo vì Quyên nó còn trẻ, còn phải đi lấy chồng nữa chứ”.
Lần đầu tiên gặp Bác, Bác có hỏi, biết chị khi ở R mới học bổ túc đến hết lớp 5, Bác dặn: “Ra Bắc, 2 cháu có điều kiện trị bệnh, bồi dưỡng sức khỏe rồi Quyên phải đi học, để sau này về phục vụ đồng bào miền Nam”. Đầu năm 1970, chị đổi tên thành Nguyễn Thị Tâm và vào học Trường Bổ túc Công Nông. Ngày đó trường sơ tán về Từ Hồ, Hưng Yên, có nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra học, tại đây, chị quý rồi đem lòng yêu thương anh Lê Trung Thiện, 1 cán bộ cơ yếu của Trung ương Cục cử ra học. Tháng 4/1973, nghe tin chị Châu và chị Duy Liên chuẩn bị về Nam, chị Quyên và anh Thiện tới nhà khách chia tay. Có chú Mười Cúc (sau này là TBT Nguyễn Văn Linh) và chú Sáu Dân ra họp. Chú Sáu nói: “Nghe Châu nói có quen thằng Thiện cơ yếu T4 mà chú nghĩ hoài không ra, té ra là mày – Tư Dũng!”. Nghe anh Tư Dũng giải thích, sau Mậu Thân, khi về Trung ương Cục đã đổi tên Lê Trung Thiện nên ra Bắc dùng luôn tên này thì chú Sáu cười khà:
- Mà chúng mày yêu nhau mấy năm rồi, tiện có chúng tao ra thì làm đám cưới luôn đi.
- Dạ thôi, tổ chức ngoài này phải đăng ký kết hôn, cháu không muốn. – chị Quyên nói.
- Thế 2 đứa ra đây thuộc quân số miền Nam hay miền Bắc? – chú hỏi.
- Dạ, miền Nam, nên mấy lần bầu cử đâu có được đi bỏ phiếu.
Thế là chú Sáu quay sang chú Thư: “Ở trong Nam đâu có đăng ký kết hôn. Chúng nó vẫn quân số miền Nam thì không cần đăng ký kết hôn, chỉ cần báo cáo tổ chức rồi làm lễ tuyên bố là được”. Chú Thư nhất trí và chọn ngày 29/4/1973 tổ chức lễ cưới.
Và “đám cưới không giấy đăng kí kết hôn” của anh Tư Dũng và chị Quyên đã được tổ chức tại sân nhà cô chú Lê Toàn Thư ở 57 Phan Đình Phùng với sự chứng kiến của đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung ương Đoàn, Công đoàn, cô chú ở Ban Thống nhất… Anh chị em dưới Từ Hồ cũng lên dự cùng bà con thân thuộc ở Văn Giáp. Trong Nam ra có chú Sáu Dân, chú Tô Lâm... Bác Ba Nghĩa (luật sư Nguyễn Hữu Thọ) không đến được đã gửi thư và quà.
Vĩ thanh
Tháng 5/1974, anh Tư Dũng nhận nhiệm vụ đi công tác ở CHDC Đức. Tháng 7 năm đó, chị Quyên thi vào Bách khoa Hà Nội, học Khoa Kinh tế Điện.
30/4/1975, đất nước thống nhất. 24/6/1975, chị theo đoàn Kinh tài về Nam, thăm gia đình. 15/9/1975, anh Tư Dũng về nước. Thu 1976, chị chuyển hẳn vào TPHCM, tiếp tục học đại học. Năm 1979, chị sinh cháu Việt. Năm 1987, chị sinh cháu Nga. Giờ, ông bà đã có 4 cháu nội, ngoại.
Năm 2016, biết mình bị trọng bệnh, chị tranh thủ hoàn tất 3 việc lớn: Viết xong và cho in tự truyện “Cuộc đời tôi”; chuyển hài cốt các cụ thân sinh từ nghĩa trang Văn Giáp lên chùa; và cùng tổ chức, gia đình đưa Anh Trỗi về an nghỉ tại nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM.
Sáng 4/7/2019, lúc 4 giờ 41 phút, chị đã trút hơi thở cuối cùng. Sau lễ viếng, chị đã được gia đình và người thân đưa về an táng tại xã
Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre – quê hương anh Tư Dũng.
Bài viết như 1 nén tâm nhang tưởng nhớ “người chị cả thân thương”!