Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Đặt bài toán chất lượng lên hàng đầu
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, đảm bảo chất lượng là một quá trình và chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học (ĐH) mới là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải nhãn mác đạt hay không đạt 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí của kiểm định chất lượng. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục ĐH hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng tầm giáo dục ĐH Việt Nam.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tín hiệu vui
Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT vừa thông báo danh sách 158 chương trình đào tạo được đánh giá/công nhận. Trong đó, bao gồm: 19 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 139 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Có 7 đơn vị được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế là những tín hiệu vui cho thấy việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong đã được các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) quan tâm thực hiện.
Theo Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025, trong đó phấn đấu đến năm 2025 đạt một số mục tiêu cụ thể liên quan đến bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục như sau: Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ĐH (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín; Có ít nhất 2 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 100 trường ĐH tốt nhất Châu Á, 10 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 400 trường ĐH tốt nhất châu Á, 4 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
Như vậy, tại thời điểm hiện nay, giáo dục ĐH Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Thống kê của Cục Quản lý chất lượng cho thấy, hiện đã có 251 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 218 cơ sở giáo dục ĐH và 33 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm); 133 cơ sở giáo dục ĐH và 7 trường CĐ sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá ngoài, trong đó 123 cơ sở giáo dục ĐH và 5 trường CĐ sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Có 72 chương trình đào tạo hoàn thành tự đánh giá, trong đó có 64 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và 19 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Về đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 7 trường ĐH được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP Hồ Chí Minh được cả 2 tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tới nay đã có 7 cơ sở giáo dục ĐH lọt top 500 trường hàng đầu châu Á, 4 cơ sở giáo dục ĐH nước ta có tên trong danh sách 1.000 trường tốt nhất thế giới của các bảng xếp hạng uy tín…
Chú trọng đào tạo kiểm định viên đạt chuẩn
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), từ tháng 3/2014 đến nay, cả nước đã đào tạo được hơn 1.700 kiểm định viên. Trong đó, 3 cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo kiểm định viên (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng) đã đào tạo được 48 khóa, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo cho 1.436 người. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng) cũng đã tổ chức tuyển chọn và cấp thẻ cho 346 kiểm định viên; trong đó có 9 người được đặc cách và 337 người đạt yêu cầu qua các kỳ tuyển chọn.
Bên cạnh việc nâng số lượng kiểm định viên, vấn đề được quan tâm hơn là chất lượng của các kiểm định viên này đến đâu. Nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức bàn về vấn đề này với đa số ý kiến đồng tình cần tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của các kiểm định viên.
Riêng đối với 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đã được thành lập và cấp phép hoạt động, PGS Nguyễn Thị Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng: Bộ GDĐT cần có quy định cụ thể về thành phần và năng lực chuyên môn của các cán bộ thực hiện kiểm tra giám sát các hoạt động kiểm định chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Khi Bộ cần đánh giá chất lượng của các báo cáo đánh giá ngoài, Bộ cần thành lập một hội đồng/ tổ chuyên gia có năng lực chuyên sâu về kiểm định chất lượng và có học hàm học vị tối thiểu tương đương với các đoàn đánh giá ngoài của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục…
Hiện nay, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục ĐH bao gồm 4 bước: Tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận kết quả đánh giá. Sau khi hoàn thành tự đánh giá, nhà trường gửi báo cáo tự đánh giá cho cơ quan chủ quản và Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) để báo cáo.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, đảm bảo chất lượng là một quá trình và chất lượng bên trong cơ sở giáo dục ĐH mới là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải nhãn mác đạt hay không đạt 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí của kiểm định chất lượng. Đặc biệt, muốn cải thiện được thứ tự xếp hạng ĐH như mục tiêu đặt ra thì bản thân mỗi nhà trường phải hướng đến chất lượng thực sự chứ không phải hình thức.