Cân nhắc khi đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

H.Vũ 17/10/2019 08:00

Ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Một số đại biểu đã bày tỏ quan điểm không tán thành với việc đưa hộ kinh doanh vào trong luật vì vấn đề này chưa được đánh giá tác động.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp (DN) quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN, quy định về nhóm công ty.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, kinh doanh là quyền của công dân được pháp luật quy định cho nên người dân có quyền kinh doanh các ngành nghề cảm thấy phù hợp. Còn Nhà nước quản lý bằng hệ thống pháp luật để quản lý DN và hộ kinh doanh. “Bây giờ phải đặt ra câu hỏi tại sao người dân không thích chuyển thành DN”- ông Phúc nêu vấn đề, và theo ông họ không thích vì thuế phức tạp. “1 ông thuế khoán hàng tháng, còn 1 ông lại thuế VAT. Nhà con con vài chục m2 nên người dân muốn kinh doanh đơn giản. Còn khi đã thành DN lại phải chịu sự thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Tận dụng lợi thế của gia đình để kinh doanh, bây giờ bắt chuyển thành DN thì họ không thích vì kê khai, báo cáo hàng tháng. Luật ra đời phải tính đến hàng triệu hộ gia đình sẽ tồn tại và phát triển thế nào”- ông Phúc nói đồng thời đề nghị cần đánh giá kỹ, thận trọng, không nên vội vàng vì chưa đánh giá tác động.

Cùng chung quan điểm cân nhắc khi đưa hộ kinh doanh vào trong luật, theo ông Trần Văn Túy-Trưởng ban Công tác đại biểu, luật chưa có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển. Luật phải hướng đến tháo gỡ khó khăn cho DN, còn vấn đề thu thuế chỉ là một phần. Ông Túy nói: “Có mấy triệu hộ kinh doanh phát triển thì mừng quá. Mỗi nước có mức thu thuế khác nhau, có nước dựa trên hóa đơn để quản lý thuế, còn chúng ta là khoán thu nhưng bám sát vẫn thu được thuế, không phải có hóa đơn mới thu được thuế. Cho nên cần thận trọng và đánh giá kỹ tác động, tránh gây tâm lý hoang mang cho mấy triệu hộ kinh doanh”.

Nói như lời ông Nguyễn Đức Hải- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thì nước ta đang phát triển theo nền kinh tế thị trường. Hiện có hàng trăm ngàn hộ nông dân đang sinh sống ở nông thôn nên cần thận trọng, có cơ chế thoáng để phát triển sản xuất kinh doanh. Còn muốn quản lý thuế đã có chính quyền địa phương vì trong quản lý thuế quan trọng là có bám sát hay không, chứ không phải họ đưa lên thành DN mới quản lý được. Chúng ta đang thực hiện chương trình nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, người dân mở tiệm sửa xe, bán bún để sinh sống mà đưa vào quản lý theo cách hiện đại là không đúng thực tế. Cho nên cần xử lý cho mềm hơn, để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đa dạng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, đây là vấn đề lớn trong khi chưa đánh giá tác động. Cái nào đánh giá tác động kỹ, chín muồi mới bổ sung, còn lại phải tạo điều kiện kinh doanh cho họ phát triển, không nên đặt ra vấn đề khi chưa được đánh giá tác động.

Cùng ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Điểm mới của luật lần này theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Đồng thời bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư…

H.Vũ