Vẫn căng thẳng cuộc đua lãi suất

Thúy Hằng 17/10/2019 08:00

Cuối năm, các ngân hàng đang tiếp tục điều chỉnh mạnh lãi suất tiền gửi. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, mặt bằng lãi suất huy động từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 0,2 – 1,5%.

Sau đợt tăng lãi suất huy động trong quý III, một số ngân hàng tiếp tục đẩy lãi suất ngay trong những ngày đầu quý IV/2019 nhằm chuẩn bị vốn đáp ứng nhu cầu mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp (DN) vào cuối năm.

Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) vừa thông báo mức lãi suất ưu đãi lên đến 8,9%/năm, áp dụng trong khoảng thời gian từ 14 đến 18/10 đối với khoản tiền gửi trên 100 triệu đồng. Cụ thể, đối với các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng, số tiền gửi trên 100 triệu đồng, mức lãi suất tương ứng sẽ là 8,5%, 8,7% và 8,9%/năm.

Còn với SHB, từ ngày 4/10, ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất tăng ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tối đa SHB áp dụng là 8,1% cho kỳ hạn 6 tháng, 8,2% kỳ hạn 9 tháng; 8,3% kỳ hạn 12 tháng và 8,4% cho kỳ hạn 13 tháng.

Nam A Bank hiện vẫn trả lãi 8,5% cuối kỳ với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng; Eximbank áp dụng mức 8,4% với các khoản tiền lớn hơn 100 tỷ đồng.

Theo các ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất thời gian gần đây nhằm thu hút nguồn tiền gửi dân cư, nhất là tiền gửi trung và dài hạn để gia tăng nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp thời điểm cuối năm. Ngoài ra, việc gia tăng lợi ích cho khách hàng gửi tiền trung và dài hạn cũng nhằm củng cố nguồn vốn, đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, trên thị trường đang điều chỉnh tăng lãi suất huy động cục bộ ở các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, nhưng mặt bằng lãi suất huy động cũng đẩy tăng 0,2 – 1,5% so với cuối năm 2018.

Thông tin cập nhật từ NHNN cho thấy, đến ngày 4/10/2019, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95% so với cuối năm 2018. Trong khi đó nhu cầu cần vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao. Dự báo cho biết nhu cầu vay vốn tiếp tục được nhận định ở mức cao hơn nhu cầu thanh toán, thẻ và nhu cầu gửi tiền.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng nhận định mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ ổn định, nhờ 3 lý do chính: NHNN đã giảm lãi suất điều hành hỗ trợ cho thanh khoản; hệ thống các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo chung của cơ quan quản lý về ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; đồng thời tín dụng từ đầu năm đến nay đã tăng trên 9%.

“Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng muốn đẩy mạnh hơn tín dụng từ nay đến cuối năm để đạt chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận. Do đó, các ngân hàng cũng không thể tăng lãi suất vì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu thực của DN”, ông Lực nói.

Thúy Hằng