Thanh Hóa: Giảm nghèo bền vững

Nguyễn Nam 20/10/2019 08:00

Từ khi có nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, nhiều người dân sống tại huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, năm 2016 số hộ nghèo là 4.285 thì đến năm 2019 trên địa bàn huyện đã giảm còn 1.895 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/người/năm. Cuộc sống của người dân ngày ổn định hơn.

Thanh Hóa: Giảm nghèo bền vững

Nhiều hộ dân thoát nghèo, nâng cao đời sống.

Giai đoạn 2016-2019, huyện Lang Chánh được Nhà nước hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án, trong đó có 10,5 tỷ đồng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Ngoài giống gia súc, huyện Lang Chánh còn được hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp nhân dân phát triển sản xuất nhằm tiến tới thoát nghèo.

Để thực hiện Nghị quyết 30a, huyện Lang Chánh đã chỉ đạo các xã xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gồm: Dự án hỗ trợ chăn nuôi dê, trâu, bò cái sinh sản; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi; hỗ trợ trồng bí đỏ thương phẩm, dự án hỗ trợ giống cỏ, phân bón và dự án hỗ trợ sản xuất rau an toàn trái vụ. Huyện cũng chỉ đạo tổ chức đoàn thể thường xuyên phối hợp với các xã quản lý, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tại xã Quang Hiến, giai đoạn 2016-2019, xã được hỗ trợ khoảng 1,3 tỷ đồng để thực hiện các dự án chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo quy hoạch và chuyển đổi giống vật nuôi, xây dựng các mô hình giúp người dân phát triển sản xuất. Sau khi tiếp nhận nguồn vốn, xã đã thực hiện dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân phát triển kinh tế, nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Chị Lê Thị Sơn, thôn Ảng, xã Quang Hiến cho biết, năm 2015, chị được dự án hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi thuộc Nghị quyết 30a hỗ trợ 2 con dê sinh sản trị giá 10 triệu. Sau đó, chị đã phát triển đàn dê thành 20 con. Sau khi bán lứa dê đầu tiên, chị quyết định mở rộng sản xuất, trồng thêm các loại cây ăn quả, nuôi lợn, gà. Nhờ chịu khó trong công việc, đến nay, trang trại của gia đình chị đã được mở rộng lên 7 ha, thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/năm.

Theo ông Vi Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Quan Hiến, nhờ thực hiện tốt các dự án phát triển sản xuất của Nghị quyết 30a, từ chỗ số hộ nghèo năm 2016 của xã là hơn 200 hộ, đến nay đã giảm xuống còn 74 hộ. Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. Những năm tới, xã tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất của chương trình 30a, phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại và thí điểm việc tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng do tập quán sản xuất, chăn nuôi của các hộ người dân tộc thiểu số còn lạc hậu, diện tích đất sản xuất manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ quảng canh nên không hình thành được vùng sản xuất quy mô hàng hóa, khó kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Trong khi, các đối tượng hỗ trợ phát triển sản xuất là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nên thiếu về tư duy phát triển sản xuất, khoa học kỹ thuật...

Ông Lương Văn Phúc - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lang Chánh cho biết, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đang góp phần thay đổi dần tập quán sản xuất, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát huy lợi thế, thế mạnh của từng xã về cây trồng, vật nuôi theo định hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Nhờ đó, giá trị các sản phẩm cây trồng ngày một được nâng cao, chất lượng và tầm vóc đàn trâu, bò đã được cải thiện.

Nguyễn Nam