Nhân rộng mô hình nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao
Với điều kiện khí hậu khô nóng đặc trưng, Ninh Thuận là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi một số gia súc đặc trưng như dê, cừu. Trong đó, dê là loài có những ưu thế khác biệt, được nuôi khá phổ biến tại Ninh Thuận trong những năm gần đây mang lại giá trị kinh tế cao.
Chăn thả dê ngoài đồng giúp dê sinh trưởng và phát triển nhanh.
Hiện bên cạnh phương thức chăn thả dê ngoài tự nhiên, các hộ nuôi áp dụng mô hình nuôi dê vỗ béo nhốt chuồng nhằm rút ngắn thời gian xuất bán xuống còn 5 - 6 tháng nuôi. Theo các hộ nuôi dê tại địa phương, để có đàn dê khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt thì khâu lựa chọn giống dê để vỗ béo rất quan trọng. Đối với dê cái nên lựa con có thân hình nở nang, cân đối, bộ lông bóng mượt, ngực sâu. Đối với dê đực chọn những con khỏe mạnh, cổ to, tứ chi nhanh nhẹn và hai tinh hoàn to đều.
Cùng với lựa chọn giống dê, người nuôi cần chú ý làm sàn cho dê ở cách mặt đất từ 0,7 - 1 mét đảm bảo độ khô ráo, thoáng mát. Vật liệu làm sàn có thể ghép bằng các cây tre, nứa hoặc thanh gỗ chắc chắn; giữa các thanh ghép phải có khe hở để chất thải từ dê lọt xuống dễ dàng, vệ sinh chuồng trại định kỳ, tẩy uế bằng vôi bột. Chuồng trại phải có ngăn nhốt riêng dê đực giống với các dê chửa gần đẻ, dê mẹ và dê con để tránh bị ảnh hưởng do dê đực giống vốn có nhu cầu sinh lý cao.
Dê là loài động vật dễ nuôi, ăn tạp nên người nuôi có thể tận dụng những thức ăn có sẵn quanh nhà như rau, cỏ, lá nho, táo, mít, chuối, dâm bụt làm thức ăn cho dê. Người nuôi lưu ý không chăn thả dê khi trời mưa, thời tiết quá nắng, mỗi ngày chỉ cần cho dê ra ngoài kiếm ăn 5 đến 6 tiếng. Để dê mau lớn đỡ bệnh tật, ngoài việc phải cho ăn thức ăn sạch, khô nước, cần phòng dịch cho dê một số bệnh chính như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm phổi, tiêu chảy và chướng bụng đầy hơi.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, tổng đàn dê của tỉnh hiện khoảng 138.000 con, các giống dê được nuôi nhiều gồm dê cỏ địa phương, dê Bách thảo, dê Saanen, dê Alpine, dê Boer. Ninh Thuận có khí hậu khô nóng quanh năm rất phù hợp với đặc tính sinh học của dê, giúp dê sinh trưởng và phát triển nhanh. Hiện việc chăn nuôi dê ở Ninh Thuận chủ yếu theo hình thức chăn thả tự do, kết hợp nuôi nhốt cho ăn thức ăn tự nhiên nên cho chất lượng thịt tốt, an toàn.
Đặc biệt, Ninh Thuận có nhiều núi đá vôi với các loại cây đặc trưng như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, dướng, bầu trích, mộc sông; trong đó, có nhiều loại là cây lá thuốc quý, nhờ ăn những loại lá trên, thịt dê núi Ninh Thuận luôn có màu đỏ tươi, khi ăn thơm và rất ngọt. So sánh với những nơi khác nếu cho ăn ngô, cám nhiều thì dê nhiều lông, mỡ dày, thịt thường có màu đỏ nhạt và nhão; hay ở những nơi có 2 mùa mưa và khô thì dê thường có màu lông vàng, da dày để chống nóng, thịt có màu đỏ nhạt, mùi nồng hơn.
Sản phẩm dê Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận” vào năm 2017; được công nhận là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh. Trong tình hình dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến phức tạp, nuôi dê đang là một trong những hướng phát triển kinh tế phù hợp điều kiện của Ninh Thuận.