Làm giàu từ cây sả chanh
Có dịp tới bản Hang Chuồn - Nà Lâm và thôn Trường Nam - Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), người ta sẽ có dịp chứng kiến nhiều hộ nông dân vươn lên từ việc trồng sả chanh, để bán cho cơ sở chiết xuất tinh dầu sả chanh.
Thu hoạch sả ở thị trấn Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Gialai Online.
Trước, người dân cũng trồng loại cây này trong vườn nhà, chỉ để thu hoạch củ đem ra chợ bán làm gia vị, phục vụ nhu cầu ẩm thực. Còn lại toàn bộ phần lá sau khi thu hoạch chưa được tận dụng, nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng từ năm 2018, việc trồng sả chanh ở đây đã khác hẳn khi có công ty hợp đồng thu mua nguyên liệu để chưng cất tinh dầu. Từ đó nhiều gia đình đã đầu tư trồng sả chanh, có gia đình trồng tới 3 hec-ta, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/lứa.
Trường Xuân là vùng đất gò đồi với nhiều thung lũng nên rất phù hợp cho cây sả chanh phát triển. Mỗi năm cây sả chanh cho thu hoạch từ 3-4 lứa, mỗi lứa thu hoạch khoảng 0,7 đến 1 tấn nguyên liệu/sào.
Còn tại một số xã vùng biên giới tỉnh Lào Cai, người dân cũng tìm ra hướng thoát nghèo bền vững, qua việc trồng cây sả đỏ. Cây sả đỏ đã góp phần đổi thay vùng đất cằn, đất dốc, chúng dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, giá trị kinh tế lại cao gấp từ 3 - 4 lần so với trồng ngô, trồng sắn.
Trên những ngọn đồi, triền dốc của thôn Cốc Sâm (xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), thoang thoảng hương sả trong gió. Với đức tính cần cù lao động, vượt khó, dám nghĩ dám làm, người dân nơi đây đã phủ xanh những mảnh đồi đất dốc, đất bạc màu bằng nhiều loại cây trồng, trong đó có cây sả đỏ.
Sả đỏ là loại sả chuyên lấy lá để chưng cất tinh dầu. Nhận thấy những ưu điểm vượt trội và lợi ích kinh tế của giống cây này nên kể từ giữa năm 2018, Hợp tác xã Minh Ngọc bắt đầu mở rộng diện tích trồng sả lên 25 hec-ta. Cuối năm, Hợp tác xã thu hoạch lứa lá đầu tiên. Lá sả sau khi thu hái được chưng cất thành tinh dầu thô để bán cho đối tác theo hợp đồng đã ký kết, chủ yếu là các Công ty dược phẩm Hà Nội và Thái Nguyên. Trung bình cứ 1 tấn lá sả sẽ chưng cất được 20 lít tinh dầu. Một người trồng sả đỏ ở Phìn Giàng, xã Phong Niên cho biết, trước kia một số người trong thôn sang bên kia biên giới làm thuê. Nhưng giờ không đi nữa mà ở nhà trồng sả. Bởi cây sả này dễ trồng, dễ bán và lợi nhuận cao hơn so với cây ngô. Cây Sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 5 đến 6 năm liền, mỗi năm cho thu hoạch lá từ 5 đến 6 lần. Giá bán lá sả tươi là 2.000 đồng/kg và 450-500 nghìn đồng/lít tinh dầu sả. Mỗi hec-ta sả cho năng suất bình quân khoảng 30 tấn lá mỗi năm, chưng cất ra khoảng 500 - 600 lít tinh dầu, thu về gần 300 triệu đồng/năm.
Được biết, năm 2019 xã sẽ phấn đấu mở rộng diện tích trồng cây sả thêm 20 đến 30 hec-ta. Từ năm 2020 trở đi, xã sẽ tham mưu với cấp trên đưa mô hình này vào Chương trình 135 để bà con người Mông thực hiện. Tuy nhiên, bà con rất cần được vay vốn ưu đãi để có thêm nguồn lực mở rộng diện tích trồng sả đỏ.
Tại huyện Bát Xát, một số xã cũng đã đưa mô hình trồng sả trên đồi dốc bạc màu và thu được hiệu quả cao. Điển hình như xã Cốc Mỳ đã chuyển đổi trên 10 hec-ta đất nương trồng sắn tại các thôn Minh Trang, Minh Tân, Ná Lùng và Tân Hào sang trồng cây sả đỏ. Thời gian tới, xã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng sả lên tới 22-25 hec-ta ở các thôn, tạo công ăn việc làm cho người nông dân.