Cát cứ thiên nhiên

Dương Thanh Tùng 18/10/2019 07:00

TP Đà Nẵng đang triển khai cấm xe máy tay ga di chuyển trên các tuyến đường của khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà sau 12 vụ tai nạn giao thông xảy ra từ đầu năm đến nay, làm chết 4 người. Đây là việc làm cần thiết của chính quyền TP nhằm ngăn chặn hậu quả đau lòng ở khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp căn cơ, bền vững.

Cát cứ thiên nhiên

Một dãy quán hải sản chiếm dụng không gian công cộng trên tuyến đường Hoàng Sa (Đà Nẵng), được tháo dỡ trong ngày 17/10. Ảnh: Thanh Tùng.

Lý do bởi Sơn Trà cần một quy chế quản lý, bảo vệ chặt chẽ của một KBTTN được Bộ Lâm nghiệp ra quyết định công nhận từ năm 1992. Là KBTTN với hệ sinh thái - động, thực vật đặc hữu có giá trị cao, không nơi nào trên thế giới có được (đơn cử là nơi quần cư của Voọc chà vá chân nâu) nhưng trong nhiều thập kỷ qua, Sơn Trà không ngừng bị xâm hại, cát cứ. Người và phương tiện tự do ra vào KBTTN mà không có sự giám sát, quản lý của cơ quan có trách nhiệm.

Trước khi được Bộ Lâm nghiệp công nhận là KBTTN với tổng diện tích 4.400 ha; năm 1977 Sơn Trà đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định (số 41 – TTg), quy định bảo vệ theo chế độ rừng cấm với các quy định nghiêm ngặt (cho toàn bộ bán đảo Sơn Trà và vùng quanh chân núi kéo dài ra mặt biển 500 m), có tổng diện tích lên đến 4.439 ha. Quá trình xâm hại, cát cứ Sơn Trà sau hàng chục năm đã khiến diện tích của KBTTN giảm rõ rệt.

Theo một báo cáo được công bố năm 2016, Sơn Trà bị mất đi 1/4 diện tích so với thời điểm được công nhận là KBTTN. Sơn Trà hiện đang có 11 dự án ở sườn Đông – Nam bị bỏ hoang và cũng đang bị tổn thương sâu sắc bởi dự án dang dở, nhiều tai tiếng ở sườn Tây Nam.

Ngoài các công trình, dự án lớn đang được thanh tra; dọc các tuyến đường ở KBTTN Sơn Trà còn bị cát cứ bởi các lều, quán. Những người buôn bán thường chọn vị trí có tầm nhìn đẹp rồi san đất, dựng lều, đặt bàn ghế để đón khách. Cùng với cát cứ, chiếm dụng không gian công cộng, KBTTN Sơn Trà cũng đang gánh chịu vấn nạn người, xe máy tự do ra vào những tuyến đường, khu vực không phải dành cho du lịch. Những ngày cuối tuần, tuyến đường quốc phòng Yết Kiêu – Hố Sâu tấp nập nam nữ thanh niên phóng xe máy bạt mạng. Họ đem theo bia, rượu, loa thùng công suất lớn, đốt lửa ở lại qua đêm trong khu BTTN và coi đây là việc hết sức bình thường.

Từ Sơn Trà nhìn xuống sẽ gặp tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp, Trường Sa dài hàng chục cây số, nối với Quảng Nam. Bãi biển dọc trục đường này có những đoạn bị chặn lại bởi lều, quán thiếu thẩm mỹ. Chủ các lều quán tạm bợ cũng nói rằng họ được TP cho phép theo tinh thần “xã hội hóa”. Những ngày này, hàng loạt nhà hàng hải sản trong đó có nhiều nổi tiếng trên trục đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp của Đà Nẵng đang được tháo dỡ theo chủ trương của TP. Việc tháo dỡ, nhà hàng, quán hải sản nhằm trả lại không gian và mỹ quan cho trục đường du lịch ven biển của TP Đà Nẵng được dư luận đồng tình, ủng hộ, coi đây là khởi đầu của quá trình ngăn chặn tình trạng cát cứ, chiếm dụng không gian công cộng làm nơi buôn bán, kinh doanh. Có thể nói rằng, Đà Nẵng là một trong những địa phương nở rộ tình trạng cát cứ không gian công cộng làm nơi buôn bán. Rõ nét nhất là ở đỉnh đèo và một số vị trí đắc địa của QL 1A phía Nam đèo Hải Vân. Sau hàng chục năm tồn tại, những lều quán dựng tạm ban đầu ở đỉnh đèo và một số vị trí trên đường đèo phía Nam đã gần như được “hợp thức hóa”, khó giải tỏa tháo dỡ.

Người dân Đà Nẵng lâu nay cũng không đồng tình với việc chủ đầu tư lập barie ở đầu cầu An Lợi, ngăn con đường được TP mở bằng ngân sách từ cuối những năm 1990, dẫn lên đỉnh Bà Nà. Mọi lý do ngăn con đường thuộc quyền thụ hưởng của cộng đồng mà phía chủ đầu tư đưa ra đều khó thuyết phục được người dân. Việc chiếm dụng 16 km đường từ cầu An Lợi lên đỉnh núi Bà Nà có thể coi là sai lầm lớn của chủ đầu tư bởi tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích với cộng đồng dân cư. Cũng như Sơn Trà, Bà Nà là một phần của KBTTN Bà Nà – Núi Chúa với hệ sinh thái động – thực vật đặc hữu.

Cùng với các giá trị thiên nhiên phong phú, KBTTN Bà Nà – Núi Chúa cần có quy chế quản lý, bảo vệ phù hợp. Người dân và giới chuyên môn ủng hộ việc thu hút nhà đầu tư có tầm cỡ, xây dựng khu vui chơi, giải trí ở Bà Nà trên tinh thần tôn trọng tài nguyên thiên nhiên, san sẻ lợi ích. Không thể phủ nhận những gì mà chủ đầu tư đã đem đến cho TP Đà Nẵng – đặc biệt là việc thu hút khách du lịch đến từ khắp nơi nhưng người dân và cộng đồng cũng khó đồng tình với việc con đường từ cầu An Lợi lên đỉnh núi Bà Nà bị chặn lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì từ năm 2017, TP Đà Nẵng đã có quyết định điều chỉnh, tăng diện tích giao đất cho chủ đầu tư ở Bà Nà. Tuy nhiên việc điều chỉnh tăng diện tích đất này không đồng nghĩa với việc chủ đầu tư tự định đoạt số phận 16 km đường mà TP mở từ năm 1998.

Cũng như các TP khác trong quá trình phát triển, Đà Nẵng không tránh khỏi những mặt trái và những đánh đổi về tài nguyên, thiên nhiên nhưng cũng không vì thế mà để những mặt trái này trở thành gánh nặng của tương lai.

Dương Thanh Tùng