10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới: Định kiến giới vẫn nặng nề
Chiều ngày 17/10 Bộ LĐTB&XH đã tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới.
Vẫn còn nhiều cản đối với phụ nữ
Báo cáo kết quả triển khai Luật Bình đẳng giới, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, để triển khai Luật Bình đẳng giới đạt hiệu quả, Chính phủ đã ban hành 04 Nghị định hướng dẫn và nhiều nghị định, nghị quyết, quyết định triển khai thực hiện Luật.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và nhiều chương trình, đề án liên quan nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực như: Đề án dạy nghề cho phụ nữ, Đề án phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030,...
Nhờ đó tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH Trung ương Đảng tăng trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 – 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á. Tính đến năm 2017 có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt. Cùng với đó tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ 48% đến 48,5%. Từ năm 2011, có khoảng 80 – 100 nghìn lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài hằng năm, trong đó 60-65% là nam giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó vẫn còn nhiều rào cản đối với lao động nữ đó là vẫn còn có sự khác biệt trong chất lượng việc làm và thu nhập bình quân của lao động nam và nữ (nữ khoảng 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng). Khác biệt về tuổi nghỉ hưu cũng dẫn đến các hạn chế về tiêu chuẩn, độ tuổi đề bạt, bổ nhiệm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội của lao động nam và nữ. Đáng chú ý dù tỷ lệ lao động nữ tham gia chính trị đã gia tăng nhưng tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực này.
Loại bỏ những định kiến giới
Cũng theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, việc thực hiện còn hình thức, chất lượng chưa cao, thiếu các thông tin, số liệu cần thiết để phân tách giới, gây khó khăn cho quá trình thẩm tra của Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và Hội LHPN, chuyên gia giới vào quá trình soạn thảo, xây dựng VBQPPL cũng rất ít, thậm chí không rõ và không được mời tham gia... Bên cạnh đó công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới còn thiếu kịp thời, độ chính xác chưa cao. Một số chỉ tiêu mang tính định tính, khó thu thập. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giới cũng chưa được thống kê đầy đủ, đặc biệt là chưa có cơ sở dữ liệu phân tách giới dẫn đến việc xác định vấn đề giới, nhận diện giới gặp nhiều khó khăn. Một số chỉ tiêu mang tính định tính, khó định lượng và chưa đưa vào các chỉ tiêu điều tra thống kê hàng năm, chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc triển khai các chỉ tiêu, mục tiêu bình đẳng giới.
Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực, Bộ LĐTB&XH cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân tại cộng đồng. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thường xuyên và trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm tạo nên đợt cao trào về truyền thông bình đẳng giới trong phạm vi cả nước.