Kiểm duyệt điện ảnh: Còn nhiều bất cập
Sau bộ phim “Biệt đội biển Đỏ” và mới đây là bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” đã lộ ra sự yếu kém, bất cập của Hội đồng thẩm định và đặt ra dấu hỏi về có hay không sự “độc quyền” trong kiểm duyệt và phát hành phim ở Việt Nam hiện nay.
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản gửi Cục Điện ảnh góp ý đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) thẳng thắn chỉ ra bất cập này. VCCI phân tích, việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định quốc gia tiến hành. Từ năm 2010 đã cho phép một số địa phương thẩm định và phổ biến phim, nhưng đây chỉ là sự phân cấp quản lý, chứ chưa phải là sự cạnh tranh, nhà làm phim vẫn chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt phim của mình. So sánh với một số lĩnh vực khác cũng cần kiểm duyệt nội dung thì sẽ thấy cơ chế kiểm duyệt của điện ảnh hiện nay rất bất cập. Hơn nữa, về lâu dài, việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả.
VCCI cũng đặt giả thuyết, nếu một Hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim. Tất nhiên thực tế khó thực hiện. Kể cả khi thành lập thêm các hội đồng ở Hà Nội và TP HCM thì cũng chỉ lên đến 2.160 phim mỗi năm. Đây sẽ là những con số hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới.
Trước đó, tại Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) rất nhiều đơn vị phát hành phim tỏ ra băn khoăn về khái niệm “thuần phong, mỹ tục” trong một tác phẩm điện ảnh. Đây là một “chiếc vòng kim cô” khi bị Hội đồng duyệt cật vấn, muốn ra rạp phải cắt bỏ.
Theo VCCI: Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim. Bên cạnh đó, Luật Điện ảnh giao cho Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để kiểm duyệt phim. Bộ VHTTDL tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim. Phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận. Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép. Với một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế.