Đề nghị không họp Đoàn ĐBQH đối với dự kiến nhân sự bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

H.Vũ 18/10/2019 07:00

Ngày 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 27 ngày, khai mạc vào ngày 21/10, bế mạc vào ngày 27/11.

Lý do được ông Phúc cho biết kỳ họp lần này sẽ kéo dài thêm 1 tuần so với trước đây là bởi trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị của Chính phủ và căn cứ tình hình thực tế nên sẽ dự kiến bổ sung một số nội dung. Theo đó bổ sung việc: Xem xét, thông qua: dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội; cho ý kiến 2 dự án: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) (thay cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp).

Bên cạnh đó tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; xem xét, quyết định nhân sự cơ quan của Quốc hội và thành viên Chính phủ; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Trà Vinh; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (gửi đại biểu tự nghiên cứu).

Ngoài ra, kỳ họp lần này sẽ rút Báo cáo về kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017 do Chính phủ không kịp chuẩn bị.

Đáng chú ý, liên quan đến việc bố trí xem xét, quyết định công tác nhân sự vào cuối kỳ họp, ông Phúc đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép không bố trí họp Đoàn ĐBQH đối với dự kiến nhân sự bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nếu nhân sự đó đã được bầu giữ chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, huyện Hàm Thuận Nam là huyện khô hạn thường xuyên của tỉnh Bình Thuận. Việc xây dựng hệ thống các hồ chứa nước là vấn đề cần được quan tâm nhằm điều tiết nguồn nước, đáp ứng nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt. Do vậy, nếu được đầu tư xây dựng, hồ chứa nước Ka Pét sẽ là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, để phát triển kinh tế - xã hội.

Thẩm tra nội dung trên, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, thường trực Ủy ban này nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án Hồ chứa nước Kapet với dung tích chứa 51,21 triệu m3 nước tại huyện Hàm Thuận Nam như ý kiến của Hội đồng thẩm định, và Tờ trình của Chính phủ.

H.Vũ