Những điều lầm tưởng
Xã hội loài người cho tới hôm nay vẫn tiếp tục duy trì rất nhiều định kiến lầm lẫn trong lịch sử văn minh và văn hóa. Nhiều điều mà chúng ta vẫn ngỡ như là đúng rồi vĩnh viễn, thì khi xem xét kỹ lưỡng lại hóa ra không phải như vậy.
Adam và Eva. Tranh của họa sĩ Jan Gossaert.
Trái cấm Eva có phải là quả táo?
Trong rất nhiều bức tranh cổ điển vẽ Adam và Eva, người đàn bà đầu tiên của nhân loại đã cầm trên tay quả táo. Không rõ vì lý do gì mà rất nhiều người ta đã cho là Eva đã cầm chính quả táo đó khi quyến rũ Adam để cả hai người đều bị đuổi khỏi thiên đàng. Tuy nhiên, tất cả những ai đọc Kinh Thánh một cách chăm chú đều có thể nhận thấy, trong cuốn sách này không hề có chỗ nào gọi thứ trái cấm mà Eva cầm là “quả táo”. Của đáng tội, một số văn bản như “Sách Diễm ca” (Song of Solomon) có nhắc đến, nhưng không hề đề cập đến chuyện thứ quả này có trong Vườn Địa đàng (Garden of Eden), và càng không phải là thứ quả mọc trên Cây Hiểu biết về tốt và xấu (Tree of the Knowledge of Good and Evil).
Tất nhiên, thứ trái cấm đó có thể đã là quả táo, nhưng cũng hoàn toàn có thể là quả xoài hay quả mơ, hay bất cứ một thứ quả nào khác. Vậy mà chẳng hiểu tại sao cho đến nay chúng ta vẫn cứ nghĩ rằng Eva đã cầm quả táo trên tay?
Bạo chúa Nero đốt thành Rome
Theo sách sử, bạo chúa Nero vào năm 64 trước CN đã cho phóng hỏa thành Rome để lấy chỗ xây cung điện hoành tráng Domus Aurea. Người ta cũng cho là, khi xảy ra cuộc đại hỏa hoạn này, Nero đã điềm nhiên kéo đàn violon giữa mịt mù khói lửa. Tuy nhiên, xét trên góc độ khoa học thì việc này không thể xảy ra được. Đơn giản chỉ vì cây đàn violon chỉ được sáng chế ra sau đó 1.600 năm. Và ngay cả nếu khi ấy đã có đàn violon rồi thì Nero cũng không thể vừa kéo đàn vừa ngắm thành Rome cháy. Bởi lẽ, khi xảy ra đám cháy thành Rome năm 64 trước CN thì Nero đang ở trong cung điện ngoại ô cách thành Rome tới 30 dặm.
Columbo chứng minh trái đất hình tròn
Theo cuốn sách của nhà văn Mỹ Irving Washington, nhà thám hiểm vĩ đại Christophen Columbus (1451-1506) đã chứng minh rằng trái đất hình tròn. Trong khi tất cả đều nghĩ rằng trái đất chỉ là một mặt phẳng thì nhà thám hiểm này thuyết phục được mọi người tin vào điều ngược lại. Thực ra, từ thế kỷ IV trước CN, đã không ai nghĩ rằng trái đất bẹt như cái bánh xèo. Bản thân Columbus cũng không tìm ra được cách chứng minh rằng trái đất hình cầu. Chính ông cũng đã không tin vào điều này. Columbus đã nghĩ là trái đất hình quả lê. Ông chưa bao giờ đặt chân lên được lục địa châu Mỹ mà chỉ tới được quần đảo Bahamas. Quần đảo này quả thực đã có hình quả lê!
Magellan đi vòng quanh thế giới
Hầu như tất cả những ai đã tốt nghiệp trung học trên thế giới đều biết rõ hai chuyện về nhà thám hiểm đại dương người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan (1440-1521): ông đã đi vòng quanh thế giới và đã bị giết chết trên đảo Mactan, Sebu, Philippines. Sự thật không phải như vậy vì điều thứ hai đã loại bỏ điều thứ nhất: Magellan chỉ thực hiện được nửa chuyến đi, phần còn lại của hành trình do cấp phó của ông là nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Juan Sebastián Elcano (1476-1526) thực hiện.
William Shakespeare.
Shakespeare nghĩ ra Hamlet
Tất cả chúng ta đều công nhận William Shakespeare (1564-1616) là đại văn hào của “hòn đảo sương mù”. Tuy nhiên, tuyệt đại bộ phận các kịch bản của ông hoàn toàn không phải là những sáng tác độc lập mà lại là những kiệt tác được phát triển, cải biên từ những câu chuyện hay huyền tích đã có sẵn. “Hamlet” chẳng hạn, đã được soạn thành kịch trên cơ sở một truyền thuyết cổ của vùng Scadinavia.
Quả táo rơi xuống đầu Newton
Lại là quả táo đã trở thành nguyên nhân giúp nhà bác học vĩ đại người Anh Isaac Newton (1643-1727) phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn. Người ta kể là ông đã nghĩ ra chân lý vĩ đại này khi bị hai quả táo rơi liên tiếp xuống đầu. Có điều, đó chỉ là sự tưởng tượng. Người đầu tiên công khai nói tới chuyện đó là nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp Voltaire (1694-1778) trong một tiểu luận về Newton.
Người ta bảo rằng, theo đà này, nếu rơi xuống đầu Newton là một viên gạch thì có lẽ ông đã nghĩ ra mũ bảo hiểm từ thế kỷ XVII?
Napolèon lùn
Nhiều người cho rằng các tham vọng to lớn của Napolèon (1769-1821) nảy sinh từ mặc cảm về chiều cao hạn chế của ông vua Pháp này. Thực ra “anh chàng lùn đảo Corse’ (biệt danh của Napolèon thời trẻ) cao 1,68 m, tức là hơn chiều cao trung bình của người Pháp đương thời. Tại sao Napolèon lại bị gọi là “anh chàng lùn”? Đơn giản là vì sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan Hoàng gia ở Paris, Napolèon chỉ được mang cấp hàm thấp bé nên đã bị đặt cho biệt danh như vậy. Sau này ông đã trở thành vị hoàng đế lừng lẫy, quyền uy nghiêng cả châu Âu. Thế nhưng, biệt danh cũ mấy trăm năm sau “vẫn còn trơ trơ”.
Nước Mỹ giành được độc lập ngày 4/7
Vào ngày 4/7/1776, Mỹ chưa hề được độc lập. Đúng là vào ngày đó, các trưởng lão của quốc gia này ký Tuyên ngôn độc lập, nhưng cuộc chiến tranh để giành lại độc lập cho nước Mỹ còn tiếp diễn suốt 7 năm sau đó và chỉ tới ngày 3/9/1783, giữa Mỹ với vua Anh quốc Goerge Đệ tam (1738-1820) mới ký được hòa ước.
George Washington là vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ
Chính sử nước Mỹ ghi rõ ràng rằng, vị Tổng thống đầu tiên trong số 43 đời Tổng thống của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ là George Washington. Thực ra thì lại không phải như vậy. Người đầu tiên giữ cương vị nguyên thủ quốc gia Mỹ là ông Peyton Randolph (1721-1775) - ông này được Hội nghị Continental bầu lên làm Tổng thống ngày 5/9/1774. Quyết định đầu tiên của Tổng thống Randolph trên cương vị lãnh đạo là thành lập Quân đội Continental và cử tướng George Washington làm Tổng tư lệnh... Năm 1781, người lên thay ông Randolph là ông John Hancock (1737-1793) đã gửi một lá thư mừng cho Tổng tư lệnh George Washington sau khi binh lính dưới sự lãnh đạo của vị tướng này giành được chiến thắng gần Yorktown. Cuối lá thư, ông Hancock ký: “John Hancock, Tổng thống Mỹ”... Đã có 14 người ngồi ở trên ghế Tổng thống Mỹ như thế trước George Washington, người đầu tiên trở thành Tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ năm 1789 theo con đường bầu cử. Ông cũng là vị Tổng thống Mỹ giành được 100% số phiếu bầu.
Van Gogh cắt tai
Danh họa vĩ đại người Hà Lan Van Gogh (1853-1890) cả đời phải sống trong cảnh bần hàn vì chỉ bán được duy nhất một bức họa. Hiện giờ tranh của ông đều có giá nhiều triệu USD. Trước khi tự sát không lâu, do cãi nhau với bạn, cũng là một danh họa nhưng là người Pháp, Paul Gauguin (1848-1903), bán tranh chạy hơn ông rất nhiều, Van Gogh đã phẫn chí đã đưa dao lên tai làm một nhát. Tuy nhiên, ông đã không cắt hết cả tai mà chỉ cắt một mẩu dái tai trái thôi. Tất nhiên là có đau, nhưng không khủng khiếp như nếu cắt toàn bộ tai!
Bộ phim truyện đầu tiên
Người ta vẫn cho rằng bộ phim truyện đầu tiên trên thế giới là “Vụ cướp tàu hoa vĩ đại”, làm năm 1903. Bộ phim này chỉ dài có 10 phút. Tuy nhiên, những bộ phim tương tự như thế từng được làm khá nhiều từ cuối những năm 1890. Thực ra, bộ phim truyện theo đúng nghĩa của nó được quay sau đó 3 năm. Đó là phim “The Story of the Kelly Gang”, dài 100 phút, được thực hiện ở Australia.
Thomas Edison.
Edison phát minh ra bóng điện
Người ta nói rằng trong số 1.093 bằng sáng chế của Thomas Edison (1847-1931) có bằng sáng chế bóng điện. Tuy nhiên, không ít những sáng chế mang tên Edison lại do những cộng sự vô danh trong phòng thí nghiệm của ông thực hiện. Thêm vào đó, khoảng 40 năm trước khi Edison cất tiếng khóc chào đời, bóng đèn điện đã được Sir Davy Humphry (1778-1829) sáng chế. Bóng đèn điện của nhà sáng chế này chỉ có thể cháy liên tục trong vòng 12 giờ. Việc mà Edison làm là tìm ra được chất liệu thích hợp để bóng đèn điện có thể sáng liên tục. Tất nhiên, thành tựu của Edison là lớn nhưng rõ ràng bóng đèn điện không phải là phát minh độc quyền của ông.
Walt Disney vẽ mèo Mickey
Đó là thông tin phổ biến cho tới hôm nay. Tuy nhiên, sự thực thì không phải ông chủ hãng phim hoạt hình lừng danh Walt Disney (1901-1966) đã vẽ nhân vật cũng lừng danh không kém của mình. Chú mèo Mickey là sáng tạo của họa sĩ số 1 trong hãng Walt Disney, ông Ub Iwerks. Ông này nổi tiếng về khả năng vẽ nhanh như chớp! Bộ phim hoạt hình đầu tiên về chuột Mickey (để xây dựng nên nó cần vẽ tới 700 hình một ngày) được hoàn thành trong vòng 2 tuần.