Khi Trăng - Thơ - Thi sĩ là một
Chắc chắn, không phải đợi đến thời điểm Xuân Diệu tuyên bố “Trăng, vú mộng của muôn đời thi sĩ” (Ca tụng) thì các nhà thơ trong khoảng muôn đời nọ mới biết đến điều ấy. Hơn nữa, cũng chắc chắn, với “muôn đời thi sĩ” thì trăng không chỉ có chức năng duy nhất là làm “vú mộng”.
Vì rằng, thi sĩ ắt hẳn có “dăm bảy đường”, không phải bất kỳ người nào cũng có nhu cầu ngước mặt lên trời để say đắm trong những đêm trăng, và không phải bất kỳ lúc nào trong những dịp ấy (giả như có thế) cũng là lúc nhà thơ buộc phải nhìn trăng như là đối tượng của sự thèm muốn ve vuốt đê mê. Rất nhiều khi, với thi sĩ, trăng chỉ là... trăng, trăng xuất hiện trong bài thơ chỉ đơn giản là vật thông báo thời gian: Đêm rồi, cái thời khắc mà sự kiện của thực tế khách quan ấy, hoặc sự kiện của thực tế tâm hồn ấy, diễn ra.
Ấy là trăng trong bài tuyệt thi Phong Kiều dạ bạc nổi tiếng của Trương Kế thời Đường: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên” (Tản Đà dịch: Trăng tà chiếc quạ kêu sương/ Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ). Ấy là trăng trong phần mở đầu của Chinh phụ ngâm: “Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt/ Khói cam tuyền mờ mịt thức mây/ Chín lần gươm báu trao tay/ Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh”. Ấy cũng là trăng trong bài thơ thất tình uất trào máu hận của Vũ Hoàng Chương, bài Mười hai tháng sáu: “Trăng của nhà ai trăng một phương/ Nơi đây rượu đắng mưa canh trường/ Ồ, đêm tháng sáu mười hai nhỉ?/ Tố của Hoàng ơi! Hỡi nhớ thương”. Còn trăng trong những câu như: “Hội làng mở giữa mùa thu/ Giời cao gió cả giăng như ban ngày” (Đêm cuối cùng) của Nguyễn Bính, thì… khỏi phải nói, nó ắt phải là như thế.
Lẽ dĩ nhiên, ở một thể loại văn chương từ lâu đã được định tính là “vương quốc của trí tưởng tượng” như thơ, nơi mà, không hồ nghi gì nữa, tác giả thực sự có quyền năng của Chúa trời - anh ta tùy ý phóng to, thu nhỏ, xáo trộn, cắt ghép, nhào nặn thế giới khách quan trong thế giới nghệ thuật của mình, theo mô hình mình thích - thì trăng, cũng như mọi thực thể nói chung, có thể là bất kỳ thứ gì đối với nhà thơ. Nhưng không vì thế mà trăng cứ phải là vú mộng. Ngay ở việc biến trăng trở thành vật của sự thèm muốn, thèm được chiếm hữu, thèm được hưởng thụ, thì “vú mộng” cũng không phải cách nói duy nhất. Bà chúa thơ Nôm - chính Xuân Diệu là người đã tấn phong Hồ Xuân Hương bằng cụm từ này - từng viết: “Một trái trăng thu chín mõm mòm/ Nảy vừng quế đỏ, đỏ lòm lom” (Trăng thu). “Một trái”, và “chín mõm mòm”, trăng trong cái nhìn thơ của Hồ Xuân Hương chẳng có vẻ gì là mộng cả, trái lại, trăng được vật thể hóa một cách trần trụi, nó phơi ra đấy, khiêu khích, thách thức và đầy cám dỗ. Nói chung, trong thi giới lãng mạn (và chớm sang tượng trưng) của Xuân Diệu, trăng thường đẹp, đẹp trong sự hài hòa viên mãn, đẹp kiêu hãnh và lạnh lùng, đẹp trong cô độc và trong xa cách vời vợi (có lẽ bởi thế mà Xuân Diệu đã gắn trăng với mộng?). Cảm nhận về trăng theo cách này, ông có những câu thơ thật hay: “Gió sáng bay về, thi sĩ nhớ/ Thương ai không biết, đứng buồn trăng/ Huy hoàng trăng rộng nguy nga gió/ Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng” (Buồn trăng). Rồi: “Trăng từ viễn xứ/ Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn/ Gió theo trăng từ biển thổi qua non/ Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn” (Lời kỹ nữ). Và đây nữa, trăng trong tuyệt phẩm Nguyệt cầm: “Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh/ Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần/ Đàn buồn, đàn lạnh, ôi đàn chậm/ Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân… Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời/ Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi/ Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”...
Bước vào thế giới thơ Máu cuồng và hồn điên của Hàn Mặc Tử - người cùng thời với Xuân Diệu, sống ngắn hơn Xuân Diệu nhưng lại đi xa hơn trên lộ trình lịch sử của thơ Việt Nam hiện đại - trăng đã trở nên khác hoàn toàn. Nếu thi nhân điên, thì trăng loạn: “Xác ta sẽ hút bao nguồn trăng loạn/ Ngấm vào trong cơ thể những hoa hương” (Hồn lìa khỏi xác). Sự điên của người và sự loạn của trăng xuyên thấm vào nhau, ở trong nhau. Nếu muốn diễn đạt theo cách khác, có thể nói rằng trăng loạn là một phân thân của người điên. Một cái tôi khác được tách ra từ một cái tôi tuyệt đối khác thường, đầy kinh dị. Nó tồn tại như một ảo - ảnh - thân - thiết, một viễn - tượng - gần - gũi. Trăng là trăng, mà trăng cũng là máu huyết, thịt xương, gân tủy của con người, là chính con người. Đã có người nói tới mối liên hệ giữa trăng trong thơ Hàn Mặc Tử với bệnh phong mà ông mắc phải. Không quá nghiêng theo hướng từ bệnh suy ra thơ như thế, song điều ấy không phải không có cơ sở khi thật khó để tìm thấy ở thơ Việt Nam một thi sĩ viết nhiều về trăng, và viết với một cảm hứng cực kỳ quái đản, như Hàn. Ông hay dùng những từ như “mùi trăng”, “hương trăng”, “vũng trăng”, đi cùng với những từ “máu”, “hồn”, “não cân”, những động tác “uống”, “nhai”, “mửa”, “dìm”, những từ chỉ cảm giác và trạng thái “tê điếng”, “kinh động”, “mê dại”, “chết giấc”, “rởn ốc”, v.v… Cái vi khí hậu ngôn ngữ ấy tạo nên, không gì khác, một khí quyển trăng mê sảng. Ta hãy đọc: “Tôi chết giả và no nê vô vạn/ Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng/ Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng/ Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến/ Thịt da tôi sượng sần và tê điếng/ Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên/ Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm/ Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực” (Hồn là ai). Đọc: “Say, say lảo đảo cả trời thơ/ Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa/ Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô/ Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (Say trăng). Và đọc: “Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng/ Cho ngây người mê dại đến tâm can/ Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng/ Mà muôn năm rướm máu trong không gian” (Rướm máu).
Thực ra, trong lịch sử trải suốt từ trung đại đến hiện đại của thi ca Việt Nam, khi trăng vào thơ, nó chủ yếu giữ vai chứng nhân hoặc người đối thoại với/ của nhà thơ. Con người đặt mình vào trong trời đất, trên là trăng, dưới là người, ngoài ra không còn gì khác. Và khi ấy, trăng, với phẩm tính là nguồn ánh sáng lạnh, trong trẻo, tinh sạch, một vật thể chuyển dịch chậm rãi trên bầu trời, sẽ mất đi khả năng tồn tại như một “vật tự nó”. Hoặc trăng sẽ trở thành người quan sát, do đó cũng “bị nhuộm mùi” biểu tượng, cho sự cô đơn kiêu hãnh của nhà thơ. Hoặc trăng phải là đối tượng để nhà thơ dồn trút những tâm sự sâu kín, những nỗi u uẩn không thể gỡ và cũng không biết ngỏ cùng ai, nói cách khác, trăng và người là bầu bạn. Thơ quốc âm (thơ Nôm) của Nguyễn Trãi, làm khi ở Côn Sơn, có câu: “Rượu với cầm đâm thơ một thủ/ Ta cùng bóng mấy nguyệt ba người”, và còn rất nhiều câu tương tự. Nói chung, trăng trong thơ của các nhà thơ - nhà Nho - ông quan ngày xưa, những người bất đắc chí hoặc những người đã rút chân khỏi chốn quan trường để về ở ẩn mà vẫn nặng lòng với thế sự, thì phần lớn đều thế cả. Lịch sử nối dài: Đến thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, vầng trăng ấy xuất hiện trở lại trong tập Mời trăng của Hoàng Trung Thông, in năm 1992, một năm trước khi nhà thơ qua đời (phải nói thêm rằng Hoàng Trung Thông là người rất giỏi chữ Hán, tinh thông Hán học, ngay từ nhỏ đã nổi danh thần đồng, xứng đáng được xem như một Nho gia thời hiện đại). Bài thơ được lấy tên chung cho cả tập vẫn thường được nhiều người dẫn ra: “Đã đến lung linh một ánh trăng rằm/ Thu thực thu, trăng thực trăng, trăng nguyệt cầm còn đó/ Bạn sẽ cứ sống thêm, cứ làm việc thêm, dù thêm được một năm/ Nâng chén thưởng trăng, trăng tỏ…/ Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm/ Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta thế đó/ Thế rồi ta cất chén cùng tri âm/ Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm/ Một mình ta mời trăng mời bạn/ Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm”. Chẳng khó để nhận thấy, với nhà thơ, trăng thực sự là bạn, là tri âm tri kỷ, là người “vẫn soi lòng ta thế đó”, và do đó, là đối tượng đáng để đối ẩm đặng sẻ chia. Mà điều được sẻ chia ở đây, là “lòng ta lệ đầm”. Điều gì còn vướng mắc trong tâm hồn con người đã từng giữ những chức vụ khá quan trọng như Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương, rồi Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam? Điều gì khiến cho ông “quan văn nghệ” đã yên ổn hưu trí phải day dứt đến âm thầm rơi lệ? Nhà thơ không nói, và người đọc cẩn trọng chắc sẽ không dám đoán bừa, đoán ẩu. Chỉ biết rằng, nếu đặt những câu thơ từ tốn chậm rãi trên cạnh những những câu thơ chắc khỏe, đầy nhiệt tình, hăng hái thời Bài ca vỡ đất, nếu chú ý tới sự hướng nội của nhà thơ (lòng ta), mà người quan sát là trăng, thì quả là ông cô đơn đến cùng cực, nỗi cô đơn của người càng uống càng tỉnh, càng tỉnh càng thấu hiểu cái cảm giác tàn canh. Và, nếu đọc theo cách như thế, có lẽ phải xem những câu thơ trong bài Bài thơ về biển của Hoàng Trung Thông như một di – ngôn – mơ - ước cả đời của ông: “Trăng ơi trăng ta ngắm trăng trên biển/ Ánh lăn tăn như lòng ta xao xuyến/ Biển ơi biển ta ngồi ngắm trăng/ Trên trăng dưới biển cá tung tăng… Ta vốn là người thơ/ Thấy nước triều dâng ta dẫm chân xuống nước/ Ta với trăng quen nhau nào ngờ/ Đứng trước biển ta nhìn trăng mơ ước”. Trăng, cùng với biển và người, hài hòa trong giao tiếp, không chế định cũng không phán đoán phân biệt, tự nhiên nhi nhiên, tam vị tạo thành nhất thể. Như mơ và cũng rất thơ (xin phép được dẫn lại một ý bình luận của nhà thơ Vũ Quần Phương về bài thơ này). Cái “nhìn trăng” ấy là cái nhìn đạt đạo, và vì thế, trăng ắt cũng đã không còn là ánh trăng bình thường.
Một bình luận tạt ngang để khép lại bài viết tản mạn: Xét cho cùng, nếu chỉ bàn ở phương diện hẹp này, thì xứng danh thi sĩ nhất phải là những người biết tìm thấy ánh trăng không bình thường. Và biết rung cảm trước sự không bình thường ấy. Và biết nâng nó lên thành thơ.