Hành cung Lỗ Giang: Khám phá từ lòng đất

Ngữ Thiên 18/10/2019 17:19

Mùa đông năm 2014, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã phát hiện tại khu vực đền Thái ở ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý (thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) những dấu tích của một công trình kiến trúc lớn. Những lần khai quật sau đó cùng với các tư liệu lịch sử đã khẳng định đây là Hành cung Lỗ Giang, một hành cung lớn và quan trọng thời Trần tại vùng đất Long Hưng xưa.

Hành cung Lỗ Giang: Khám phá từ lòng đất

Hố khai quật khảo cổ học Hành cung Lỗ Giang được bảo tồn dưới mái che.

Hành cung là hệ thống cung điện được triều đình xây dựng bên ngoài kinh thành Thăng Long làm nơi để nhà vua nghỉ ngơi mỗi khi xa giá tuần du. Thời Trần, triều đình đã cho xây dựng khá nhiều hành cung, nhưng qua những biến cố thăng trầm lịch sử, các hành cung xưa đến nay đều không còn hiện tồn. Không như các hành cung có nhiều tư liệu và đã được nghiên cứu nhiều như Thiên Trường (Nam Định) hay Vũ Lâm (Ninh Bình), hành cung Lỗ Giang chứa nhiều bí ẩn đang được các nhà khảo cổ học làm rõ qua những lớp đất.

Lần đầu thấy móng trụ kép quy mô lớn

Kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học năm 2014 và sau đó tiếp tục mở rộng khai quật đợt 2 (2015) và đợt 3 (2017) tại xã Hồng Minh, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phát hiện được rất nhiều di vật vật liệu kiến trúc, các loại đồ dùng sinh hoạt, nhưng đặc biệt nhất là đã phát lộ một số dấu tích móng trụ sỏi kê chân tảng đá đỡ cột của công trình kiến trúc gỗ trong khu vực đền Thái. Đây là một phát hiện quan trọng, bởi lần đầu tiên tại nơi này đã phát lộ dấu tích một công trình kiến trúc gỗ thời Trần có kỹ thuật xây dựng bằng hệ móng trụ kép, cột đôi và cột ba - loại móng trụ có hình chữ nhật lớn gấp đôi và gấp ba móng trụ hình vuông thông thường. Móng trụ kép ở đây có kích thước rất lớn. Móng trụ lớn thì chân tảng lớn, chân tảng lớn sẽ dựng các cột lớn. Điều đó đưa các nhà nghiên cứu đến giả thuyết rằng, kiến trúc này có quy mô lớn, rất có thể có nhiều tầng mái. PSG Bùi Minh Trí -Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành - tỏ ra rất thú vị với phát hiện này. Ông cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học đã phát hiện được một tổ hợp công trình kiến trúc có kỹ thuật xây dựng bằng hệ thống móng trụ kép đôi và móng trụ kép ba tại khu di tích Hành cung Lỗ Giang. Đây là loại móng trụ có hình chữ nhật lớn gấp đôi hoặc gấp ba móng trụ vuông thông thường. Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng đã tìm thấy loại móng trụ kép tương tự, nhưng là kiến trúc của thời Lý và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với kiến trúc ở Hành cung Lỗ Giang”.

Những móng trụ sỏi kép lớn, độc đáo, lần đầu được phát hiện của kiến trúc thời Trần ở Hành cung Lỗ Giang đã mang lại nhiều giá trị khoa học trong việc nghiên cứu so sánh, đánh giá những giá trị về trình độ kỹ thuật xây dựng cũng như quy mô, hình thái kiến trúc thời Trần. Phát hiện này cũng mang những giá trị lịch sử, có thể làm rõ hơn mối quan hệ của triều đình với các địa phương trong thời Trần, qua đó hiểu hơn được diện mạo của các hành cung thời Trần. Từ kết quả ban đầu nói trên, suy đoán về lịch sử của Hành cung Lỗ Giang xưa ở khu vực đền Trần (Thái Lăng) đã bước đầu có cơ sở để khẳng định rằng địa điểm này mang nhiều khả năng là Hành cung dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, là Hành cung Kiến Xương vào thời vua Trần Hiến Tông như sử cũ đã đôi lần nhắc đến.

Hành cung Lỗ Giang: Khám phá từ lòng đất - 1

Hành cung Lỗ Giang: Khám phá từ lòng đất - 2

Một số hiện vật gốm thời Trần được phát hiện tại Hành cung Lỗ Giang.

Thêm những khẳng định mới nhưng lại thêm nhiều dấu hỏi

Tiếp tục khai quật mở rộng, các nhà khảo cổ học đã thu được nhiều tư liệu khẳng định rõ tính chất, quy mô của Hành cung Lỗ Giang xưa và nhận thấy: đây là một công trình kiến trúc có mặt bằng hình chữ Công, gồm 3 bộ phận cấu thành, có diện tích lớn (trên 554 mét vuông). Đặc biệt, tính vương quyền của công trình không những được nhận biết qua các vật liệu trang trí hình rồng mà còn tìm thấy viên ngói úp đầu bờ dải ở đầu trang trí mặt sư tử trán khắc chữ Vương. Tư liệu này góp phần khẳng định rõ tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của công trình kiến trúc liên quan đến nơi ở và làm việc của nhà vua. Một điều đáng lưu ý khác, cho thấy trình độ xây dựng khá cao, là kiến trúc ở Hành cung Lỗ Giang được xây dựng khá qui chuẩn về phương vị và số đo (cùng phương vị Bắc lệch Đông 7 độ và bước gian, bước cột đều chia hết cho 3).

Bên cạnh kết quả nêu trên, tại một phần dấu vết móng tường bao được gia cố bằng sỏi rất kiên cố giống như kỹ thuật xây dựng tường bao thời Lý ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long được tìm thấy ở hố khai quật thăm dò khu vực Lăng Sa trong. Phát hiện này rất quan trọng để khẳng định rõ: Hành cung Lỗ Giang - Kiến Xương xưa rất rộng lớn, được qui hoạch qui chuẩn như kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long với một phức hợp nhiều công trình kiến trúc được xây dựng trong một khuôn viên rộng lớn. Việc phát hiện thềm bậc của công trình ở đây đã không chỉ xác định được hướng chính của công trình, mà còn cung cấp tư liệu về cách thức đặt thềm bậc ra vào công trình của thời Trần. Đây cũng là tư liệu rất mới, lần đầu tiên được phát hiện.

Khi khai quật khu vực Lăng Sa ngoài, phía ngoài đê sông Trà Lý, cách đền Thái khoảng hơn 120 m về phía Nam, xuất lộ các kết cấu phủ kín sỏi và sét. Phần sỏi xuất lộ hình gò đống, có dạng hình nón. Việc tìm thấy gò sỏi có qui mô to lớn như vậy là một hiện tượng lạ, rất hiếm gặp, đang đặt ra nhiều giả thuyết: Đây là dấu vết nền móng của một tòa tháp lớn? Là gò mộ cổ thời Trần? và có thể liên quan đến tên địa danh ở đây như Lăng Sa trong, Lăng Sa ngoài hay Lăng Ngói, gợi suy đoán về một khu lăng mộ của các vua Trần? Đây là điều bí ẩn thú vị của Hành cung Lỗ Giang còn đang chờ các nhà khoa học giải đáp.

Bước đầu được khẳng định giá trị và hướng mở để phát huy trong tương lai

Các hành cung thời Trần có những vai trò và chức năng riêng. Hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) gắn với sự xuất gia tu hành của vua Trần Nhân Tông và là căn cứ quân sự của nhà Trần. Vua Trần “nâng cấp” hương Tức Mặc (Nam Định) lên thành phủ Thiên Trường (năm 1262) đã xác lập vai trò và vị thế của vùng đất này. Trong suốt hai thế kỷ XIII và XIV, Thiên Trường trở thành kinh đô thứ hai của nước Đại Việt với đầy đủ chức năng là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và là căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Hành cung Lỗ Giang là nơi gắn với hai sự kiện được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: Năm 1293, Khâm từ Bảo thánh Hoàng thái hậu “băng hà ở cung Lỗ Giang, phủ Long Hưng, tạm quàn ở cung Long Hưng; năm 1341, vua Trần Hiến Tông “băng ở chính tẩm, tạm quàn ở cung Kiến Xương”. Như vậy, Hành cung Lỗ Giang là nơi ở hay nghỉ dưỡng của các vị vương phi và đế vương.

Dù vẫn còn nhiều điều bí ẩn cần nghiên cứu làm rõ: nhưng những giá trị văn hóa của vùng đất Long Hưng xưa đã có thêm nhiều bằng chứng mới để khẳng định. Giá trị đó chính là di sản văn hóa thời Trần có mật độ rất “đậm đặc” tại vùng đất địa linh Hưng Hà, nơi gắn bó mật thiết với triều đại nhà Trần.

Bà Nguyễn Thị Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - cho biết: “Từ những phát hiện của các nhà khảo cổ học, Thái Bình sẽ sớm có định hướng xây dựng đề án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hành cung Lỗ Giang và kết nối vào tổng thể di sản văn hóa của huyện Hưng Hà, của tỉnh Thái Bình, đưa giá trị di sản văn hóa đó phục vụ công chúng vì mục tiêu phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của huyện Hưng Hà nói riêng, của tỉnh Thái Bình nói chung”.

Ngữ Thiên