Nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang: Viết là tìm câu trả lời

Hồng Thanh Quang (thực hiện) 20/10/2019 09:15

"Thời trẻ, tôi thấy việc viết dễ lắm. Nhưng qua năm tháng, tôi hiểu được nghệ thuật là khó, thi ca là khó. Việc viết một cái gì đấy để cho người ta nhớ, người ta chia sẻ được khó vô cùng. Một chút năng khiếu hay tài năng nó chỉ tạo lên những bông hoa đầu mùa thôi, còn để có một mùa hoa thì phải là lao động, trải nghiệm", nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang.

Nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang: Viết là tìm câu trả lời

Hồng Thanh Quang: Ngày 6/10 vừa rồi, nhân ngày sinh lần thứ 77 của Xuân Quỳnh, Google thay đổi logo trang chủ với biểu tượng Google Doodle, thể hiện hình ảnh nữ sĩ cùng những tác phẩm nổi tiếng của chị. Thực sự trong số các nhà thơ nữ Việt Nam hiện đại, hiếm ai có được sự lan tỏa rộng rãi như Xuân Quỳnh. Cá nhân nhà thơ Bình Nguyên Trang cảm nhận thế nào về chị Xuân Quỳnh? Như một nhà thơ và như một phụ nữ?

Bình Nguyên Trang: Tôi đọc thơ Xuân Quỳnh từ rất sớm, khi còn ngồi ghế trường phổ thông, và trót phải lòng với thơ của chị. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ luôn sẵn đấy một tình yêu dành cho cuộc đời. Chị là người đàn bà kể chuyện đời bằng thơ. Những gì chị nói trong thơ rất dễ đồng cảm, chia sẻ với phụ nữ thế hệ chị, thế hệ tôi, và thế hệ sau này nữa. Khi tôi bắt đầu làm thơ, Xuân Quỳnh là nhà thơ mà tôi thần tượng, ngưỡng mộ. Suốt thời sinh viên, những năm tháng bắt đầu biết yêu tôi đọc thơ tình của Xuân Quỳnh và nghe kể về tình yêu Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Sau này, được gặp và nghe nhiều bậc tiền bối trong làng văn kể chuyện về Xuân Quỳnh, tôi cảm nhận thêm được những nét đặc biệt trong đời thường của nữ thi sĩ. Không chỉ làm thơ, Xuân Quỳnh còn là một người đàn bà của cơm áo chợ đời, tần tảo lo toan sớm hôm cho gia đình, chồng con, chăm chút tổ ấm của mình như bao người phụ nữ bình thường khác, tôi rất kính phục.

Vì mê thơ Xuân Quỳnh nên những năm tuổi 20 tôi từng viết một bài thơ có tên “Gửi chị Xuân Quỳnh” ở đó thể hiện những chia sẻ, đồng cảm của tôi về số phận người đàn bà làm thơ.

Tôi tò mò muốn nghe bài thơ đó rồi đấy…

- Thế thì anh cho phép tôi đọc nhé!

Xin được chân thành thú nhận: tôi xúc động khi nghe chị đọc thơ… Và cũng phải thú thật là hồi trẻ, tôi cũng từng làm một bài thơ tặng chị Xuân Quỳnh… Tiếc rằng bây giờ tôi đã không giữ lại được bản thảo đó… Trong thế hệ cùng thời với chị Xuân Quỳnh còn có những nhà thơ nữ ấn tượng như chị Ý Nhi hay các chị Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Hồng Ngát... Chị có cảm nhận thế nào về những nhà thơ nữ này?

- Tôi là một người cầm bút thế hệ giao thời 7X, lớn lên trong thời điểm xã hội bắt đầu đổi mới nhưng công nghệ chưa phát triển, chưa có nhiều loại hình giải trí để lựa chọn và đọc vẫn là kênh quan trọng nhất để mở mang thế giới của mình. Ngoài Xuân Quỳnh, tôi đọc gần như phần lớn thơ của các nhà thơ anh vừa kể tên, và ít nhiều trong tâm trí đều mang một sự ngưỡng vọng đối với các chị. Họ là những nhà thơ nữ trưởng thành trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, là những gương mặt tiêu biểu của thời đại mình. Đến giờ trong đầu tôi vẫn còn thuộc những câu thơ như. “Em là con chim khuyên/ Nép mình trên cỏ rối/ Mà tiếng hót đã ở lại trong bài ca của anh/ Em là que diêm/ nằm lặng/ trong chiếc gạt tàn sứ/ mà ngọn lửa đã cháy sáng nơi đầu ngón tay anh” (Ý Nhi) hay: “Làm sao có một cuộc đời/ Để cho tôi ném đời mình vào đó/ Mà không hề cân nhắc, đắn đo/ Rằng: cuộc đời ấy còn chưa đủ…” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Tôi nhận ra, dù trong hoàn cảnh xã hội như thế nào thì đề tài mà các nhà thơ nữ quan tâm nhất vẫn là tình yêu. Ngay cả khi họ làm thơ nói về thời cuộc đi nữa thì cái đích họ hướng đến vẫn là tình yêu. Thơ tình của họ nhiều khắc khoải. Họ cũng có những nỗi tuyệt vọng, nhưng tuyệt vọng của họ khác với tuyệt vọng của thế hệ trẻ sau này.

Theo chị, chúng ta có thể nói gì về dòng thơ nữ trong nền văn học Việt đương đại?

- Thực sự thì đây là một câu hỏi quá lớn mà tôi nghĩ mình khó có thể trả lời thỏa đáng. Bởi vì tôi cũng làm báo, chủ yếu theo dõi đời sống văn học nghệ thuật, có quan sát, có đọc, xem, nghe và đồng thời cũng là một người sáng tác, thì tôi thấy thơ nữ vẫn luôn giữ được một vị trí quan trọng của nó trong toàn bộ nền văn học. Mỗi thế hệ đều có những gương mặt tiếp nối nổi bật, họ sống và viết theo những suy cảm riêng của thời đại mình. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy sự chuyển động của từng thế hệ thơ nữ qua cách họ đưa các vấn đề của đời sống vào tác phẩm. Những mối bận tâm của người viết nữ thế hệ trẻ hôm nay có khác nhiều với thế hệ đi trước. Chẳng hạn trong thơ nữ hôm nay vấn đề nữ quyền, bình đẳng giới được đặt ra mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên tôi có một cảm nhận trung thực là, tìm kiếm những bài thơ hay, rung động lòng người thực sự trong lớp nhà thơ trẻ sau này khó hơn ở các thế hệ đi trước.

Thực sự có nên phân tách văn học theo giới tính người viết hay không?

- Tôi nghĩ việc tách văn học theo giới tính người viết có hay không đều không quan trọng. Trong trường hợp để phục vụ cho nghiên cứu khoa học hay lý luận phê bình người ta có thể chia câu chuyện giới tính người viết ra để đánh giá các vấn đề cũng là bình thường. Nhưng ở góc độ người sáng tác thì tôi nghĩ khi ngồi trước bàn viết, không mấy ai bận tâm mình giới tính nào và phải viết ra sao. Vì bạn đọc khi thưởng thức tác phẩm họ chỉ quan trọng việc nó hay hay không hay, hấp dẫn hay không hấp dẫn, chẳng hề có “điểm cộng” hay “điểm trừ” nào cho vấn đề giới tính nhà văn cả. Đấy là chưa kể sáng tạo còn cho phép người giới tính này có thể thử nghiệm viết như một người thuộc giới tính kia, thì sao chứ? Mọi người viết đều bình đẳng trước trang giấy. Họ cần phải xóa hết mọi cái barie để tự do nhất có thể. Dĩ nhiên, giới tính một người viết chắc chắn sẽ để lại dấu vết trên các trang viết của chính họ, điều này tự nhiên như thở vậy.

Chị có cảm thấy tự ái không khi ai đó lúc giới thiệu chị lại nhấn mạnh rằng đây là một nhà thơ nữ chứ không chỉ đơn giản nói: đây là nhà thơ Bình Nguyên Trang?

- Tôi hiểu ý của anh đang nói về vấn đề bình đẳng giới trong sáng tạo. Bình đẳng là cần thiết chứ, nhất là chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng hôm nay. Gọi tôi là nhà thơ nữ, có lẽ tôi cũng chẳng cần phải tự ái, vì tôi đúng là một người nữ làm thơ. Nhưng tôi sẽ phản ứng nếu sự giới thiệu ấy trong khung cảnh hàm chứa một sự xem thường, một sự coi nhẹ, kiểu như phụ nữ thì ngồi “chiếu dưới”.

Tôi biết chị trưởng thành từ đội ngũ những cây bút xuất hiện trên tờ Hoa học trò ngày xưa. Chị cảm nhận thế nào về việc này?

- Riêng điều này tôi thấy may mắn vì mình đã lớn lên trong một thời điểm mà phong trào viết văn làm thơ trong học sinh sinh viên phát triển rất mạnh. Các bút nhóm, hội bút là nơi gặp gỡ, sinh hoạt của những người viết trẻ đã nuôi dưỡng một tình cảm đặc biệt cho cả một thế hệ người đọc cũng như người sáng tác. Thời đó có nhiều tờ báo để chúng tôi viết, gửi gắm những trang viết đầu đời vụng dại của mình. Thời đó cũng có những nhà báo, nhà văn vô cùng tâm huyết với văn học trẻ như nhà báo Nguyễn Như Mai, hai nhà thơ Định Hải, Bế Kiến Quốc, nhà văn Đoàn Thạch Biền. Họ thực sự rất quan tâm đến đội ngũ tác giả ngồi đang ngồi trên ghế nhà trường, sẵn sàng làm “bà đỡ” cho những trang viết mới, động viên và khích lệ các bạn trẻ.

Chị còn nhớ những bạn viết nào từ thời Hoa học trò không? Những thành viên hội bút ngày đó còn nhiều người theo đuổi văn chương đến hôm nay như chị không?

- Hội bút “Hương Đầu Mùa” của báo Hoa học trò ngày đó đông lắm, hàng trăm người trên khắp cả nước. Rất nhiều người sớm bộc lộ sự tài hoa ngay trong những trang viết đầu tiên. Tuy nhiên cùng với thời gian, phần nhiều đã dừng lại, đi con đường khác mà không theo đuổi văn chương nữa. Những người còn tiếp tục đến hôm nay họ đều là những gương mặt có dấu ấn như Nguyễn Vĩnh Tiến, Phong Điệp, Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên, Trang Hạ, Hoàng Anh Tú…

Thế còn nhà thơ nào đã gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho chị thời thơ ấu? Trần Đăng Khoa chăng?

- Tôi nhớ hồi nhỏ tôi chơi thân với một người bạn cùng quê là Nguyệt Ánh. Bố mẹ bạn ấy làm nghề giáo và trong nhà có rất nhiều sách. Tôi được bạn cho mượn cuốn thơ “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa và tôi đọc ngấu nghiến. Vì sách mượn phải trả bạn chứ không được giữ nên tôi “tranh thủ” thuộc luôn cả tập thơ trong mấy ngày. Giờ thì có nhiều bài trong tập thơ tôi quên, chứ hồi là sinh viên, tôi có khả năng đọc thuộc không sót bài thơ nào trong tập thơ đó.

Trong việc làm thơ thì tài năng bẩm sinh rất quan trọng nhưng để thành công thì người làm thơ cần phải có được một “số phận thi ca”, tức là những trải nghiệm đời sống lắm khi không ai muốn cầu được ước thấy cả nhưng lại có thể tạo nên những rung động cảm xúc và dư chấn tư duy để viết. Chị nghĩ sao về nhận định này?

- Thời trẻ, tôi thấy việc viết dễ lắm. Nhưng qua năm tháng, tôi hiểu được nghệ thuật là khó, thi ca là khó. Việc viết một cái gì đấy để cho người ta nhớ, người ta chia sẻ được khó vô cùng. Một chút năng khiếu hay tài năng nó chỉ tạo lên những bông hoa đầu mùa thôi, còn để có một mùa hoa thì phải là lao động, trải nghiệm. Dĩ nhiên việc mình sống ra sao, lựa chọn những gì nó sẽ ít nhiều tạo lên số phận mình, và nó cũng sẽ ảnh hưởng cả tới những trang viết của mình nữa. Cuộc sống về cơ bản với phần lớn chúng ta là không mấy khi được như ý nguyện, không phải lúc nào cũng là “cầu được ước thấy” như anh nói, và tâm thế của tôi là đối mặt, sống cùng, có lúc đi xuyên qua mọi cảm xúc của mình, cho phép nó tác động lên mình một cách trung thực nhất để viết.

Với nhà thơ Bình Nguyên Trang, cuộc sống thực tế đã cho chị những trải nghiệm gì? Chị có thể tự nhận xét về phong cách thơ của mình không?

- Ai đó ví cuộc sống như một cái bánh xe, nó sẽ không ngừng lăn. Mỗi chặng đi, mỗi khoảng thời gian đều ném trả lại cho chúng ta những trải nghiệm riêng quý giá. Thời điểm này tôi thấy mình là người đàn bà bình tâm sống. Nhiều thứ đã chuyển động từ rất quan trọng trở thành không còn quá quan trọng. Tôi nhận ra nhiều lý lẽ cuộc đời để trước mọi vấn đề không còn bị sa vào thái quá. Sống dễ chịu với mình và với người.

Đối với tôi, viết là ngụp lặn vào sâu bên trong mình, thiền về cái bên trong, nhìn ra từ phía “bên trong” chứ không phải từ bên ngoài. Cái đẹp bắt mắt của câu chữ bên ngoài không hấp dẫn tôi bằng cái đẹp từ sâu bên trong nội tâm người viết. Phía bên trong mỗi người luôn có một cái đáy và viết là đi tìm cái đáy.

Có người cho rằng thơ phải bám sát những bề bộn của thực tế đời sống, những thời sự thường niên. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thơ chỉ nên đi sâu vào thế giới cảm xúc của con người. Quan điểm của chị thế nào?

- Tôi cho rằng cái cuối cùng của nghệ thuật là phải làm cho người ta xúc động. Việc chạm được vào trái tim con người là quan trọng nhất, cho dù mỗi người sáng tạo sẽ có một cách thể hiện khác nhau. Đưa cái bề bộn cuộc đời, thậm chí cái thời sự mỗi ngày vào thơ cũng chẳng sao cả, nếu như nhà thơ muốn vậy. Nhưng dù cho nhà thơ viết gì, đưa cái đời thường gì vào thơ, đổi mới cách tân, làm tròn làm méo về hình thức ra sao, gây sốc thế nào đi nữa mà thơ không tạo ra được những xúc cảm thẩm mỹ nơi tâm hồn người đọc thì nó cũng chả có giá trị gì mấy. Phải nhìn nhận cho rõ rằng nếu muốn biết các vấn đề thời sự thường nhật người ta đọc báo chí truyền thông cho nhanh. Nhà thơ là người đưa tin nhưng là đưa tin về mặt xúc cảm. Họ phải viết làm sao để tạo ra những thông tin cảm xúc dư chấn hồn người. Như thế có nghĩa là các câu chuyện đời thường, thời sự phải được thấm qua nhà thơ như một chiếc màng lọc, để trở thành những thông điệp tinh thần cao hơn và sâu hơn. Làm báo bằng thơ thì có lẽ cũng không cần thiết lắm phải không ạ?

Nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang: Viết là tìm câu trả lời - 1

Chị nghĩ sao về nhận xét rằng các nhà thơ quá nhạy cảm trong việc tiếp nhận thực tế đời sống nên dễ trở nên gay gắt thái quá trước thực tế bề bộn và ẩn chứa nhiều mâu thuẫn hiện nay?

- Nhạy cảm hơn người là phẩm tính trời phú cho người làm thơ, nó rất quan trọng. Người làm thơ dễ buồn trước người, cũng dễ vui trước người, vì mọi thứ đập vào giác quan của họ nhanh hơn. Trực giác của người làm thơ rất mạnh, tôi tin vào điều này. Dĩ nhiên những biểu hiện thái quá của người làm thơ trước thực tế cuộc sống ngổn ngang nhiều mâu thuẫn hôm nay tôi nghĩ còn phụ thuộc vào trải nghiệm riêng của từng người, độ sâu trong văn hóa và hiểu biết của họ. Giống như niềm vui, nỗi đau cũng có nhiều tầng bậc, nhiều cung bậc. Nước càng sâu thì dòng chảy càng mạnh. Đôi khi tôi gặp một người im lặng nhưng tôi có thể nhìn ra cuồn cuộn trong lòng họ là thác lũ. Vậy thái độ biểu hiện bên ngoài có quan trọng không, cũng còn tùy. Tôi nghĩ đã là người cầm bút thực sự thì trước các thực tế của đời sống, bạn không thể nào không có thái độ gì. Như thế khác nào vô cảm. Nhưng biểu hiện thái độ như thế nào thì mỗi người sẽ có lựa chọn khác nhau.

Chị có phải là người bi quan trước thực tế không?

- Cũng còn tùy đó là thực tế nào nữa. Có những thực tế tôi bi quan và có những thực tế tôi lạc quan.

Có ý kiến cho rằng đã là nhà thơ thực sự thì rất khó bình ổn trong hôn nhân. Chị nghĩ thế nào?

- Thời tôi còn trẻ, chưa lập gia đình, chẳng vướng bận gì, tôi cũng thường xuyên thấy mình “không bình ổn lắm”. Bản chất cuộc sống là không bình ổn mà. Trong hôn nhân có bão, có sóng gió, có va chạm, có hạnh phúc và cũng có cả mất mát, có rất nhiều cung bậc mà mỗi người sẽ được trải qua dù cấp độ có thể khác nhau. Tôi quan sát thấy cuộc sống nhiều người dù không làm thơ, viết văn mà họ cũng đâu có được tâm thế “bình ổn” trong hôn nhân và vì thế tôi không cá biệt hóa vấn đề của mình. Những hạnh ngộ trong cuộc đời là duyên, có thể bước vào và có thể bước ra tùy duyên, tùy nghiệp. Nếu có thử thách thì mình cũng sẵn sàng cho thử thách. Tôi là người thực sự rất ít đòi hỏi ở người khác nên cũng không bị nặng nề lắm kể cả khi sống một mình hay khi trong hôn nhân. Quan trọng nhất là khả năng của từng người trong việc “tự bình ổn” mình chứ không nên chờ đợi người khác làm cho mình bình ổn. Viết là một thế giới khác, thế giới tự do của riêng mình mà. Khi đối diện với chính mình, với trang viết, có rất nhiều câu hỏi khởi lên, và đôi khi viết đối với tôi là tìm câu trả lời.

Chị có thấy độc giả bây giờ bớt nồng nhiệt với thơ hơn trước không?

- Chúng ta đang sống trong thời đại của nghe và nhìn là chủ yếu. Thơ không còn giữ được vị trí của mình như trước đây trong lựa chọn của người đọc. Điều này thì các nhà thơ phải chấp nhận và đừng ảo tưởng về mình. Mỗi người chỉ có 24h mỗi ngày mà cuộc sống còn quá nhiều thứ thu hút sự quan tâm của họ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người ta không đọc thơ nữa? Tôi nghĩ cũng chẳng có chuyện gì nghiêm trọng cả. Thơ dở tràn lan khắp nơi, đôi khi còn khiến cho người ta sợ. Vậy đừng nhìn độc giả, hãy nhìn nhà thơ. Hãy mang tới cho độc giả những bài thơ hay, lay động lòng người, đừng cẩu thả ném vào khí quyển nghệ thuật những bài thơ nhảm nhí vô giá trị, đừng in thơ dở vô tội vạ để làm phiền bạn đọc. Khi chúng ta có một môi trường đủ thoáng đãng cho cái hay, cái đẹp hiển lộ, thơ sẽ trở về đúng vị trí đúng nghĩa của nó trong lòng bạn đọc.

Ở ta hiếm có nhà thơ nào chỉ làm thơ mà sống được. Thông thường chúng ta đều phải theo đuổi một nghề gì đó khác để “nuôi thơ”. Với chị, đó là nghề làm báo. Chị có cảm nhận thế nào về việc làm nghề của các nhà báo văn nghệ ở ta hiện nay?

- Các nhà văn, nhà thơ đi làm báo, canh giữ mảng văn nghệ trên các tờ báo ở ta thì chỗ nào cũng gặp. Vì đó là nghề gần gũi nhất với họ, để có thể vừa sống được vừa nuôi việc sáng tác được. Nhưng có một điều tôi thấy không hay lắm, là hiện nay không còn phê bình văn nghệ thực sự trên báo chí. Các nhà văn đồng thời là nhà báo dường như không quan tâm vấn đề này nhiều. Đời sống văn chương, thi ca ủ dột một phần là bởi phần nhiều các nhà báo văn nghệ chả mấy quan tâm đến lĩnh vực này, họ đuổi theo các vấn đề bắt mắt khác như đời sống showbiz, ngôi sao này xì-căng-đan kia vì áp lực câu like câu view của một số tờ báo. Đôi khi tôi thấy hơi buồn là rất nhiều nhà văn nhà thơ làm báo nhưng lại không tạo ra được động lực hay sự tiếp lửa để đời sống văn chương đương đại trở nên sôi động hơn.

Thực sự, chị thấy việc làm báo có ảnh hưởng gì tới sáng tạo thi ca không?

- Tôi không rõ mình phải gọi tên việc này thế nào cho chính xác. Gần 20 năm làm báo tôi hiểu rất rõ sự khác nhau trong hai công việc viết văn và làm báo. Có chút gì đó mâu thuẫn trong 2 công việc này. Khi mình làm báo, mọi sự kiện của cuộc sống thường đến với mình sớm nhất, nhanh nhất, nhưng thơ ca thì là cái đọng lại sau cùng. Làm báo là công việc có tính chất bề nổi, sôi động, tiết tấu nhanh, khiến cho người ta luôn có cảm giác bận rộn, còn làm thơ là những phút giây im lặng đối diện với chính mình. Chắc nhiều người cầm bút cũng có cảm giác như tôi, đôi khi thèm được tĩnh lặng, thèm có được quãng thời gian đủ để thấu suốt những cuộc trò chuyện nội tại phía bên trong mình. Chưa kể đời sống ngoài công việc còn rất nhiều thứ chi phối khác nữa. Mỗi người sẽ phải bằng cách này hay cách khác để tự thu xếp mình trong hai công việc đó, để không lẫn lộn giữa làm báo với làm thơ viết văn. Tôi cũng phải tự tìm ra cách của riêng mình để chung sống kiểu “2 trong 1” như vậy. Thực sự mà nói, việc làm báo bận rộn có ít thời gian sẽ trở thành vấn đề nhiều hơn với người viết văn xuôi. Với người làm thơ thì cần nhất là giây phút vụt hiện của cảm xúc. Cái quan trọng nhất nhà thơ cần nuôi dưỡng là làm sao giữ được cặp mắt nhìn luôn mới mẻ, run rẩy trong một đời sống mà thực tế hàng ngày mình tiếp xúc cứ như chực nuốt chửng hết những lãng mạn, tinh tế cần thiết đi.

Xin cảm ơn nhà thơ Bình Nguyên Trang!

Người đàn bà ấy đã ra đi
Chỉ còn biển ở lại
Chỉ còn thơ ở lại

Tôi đọc chị trên sân ga
Trên những toa tàu gió lùa qua cửa sổ

Tôi đọc chị lúc gánh cô đơn trên vai và đi qua phố
Cả những khi tôi một mình giữa chợ
Hát về đôi bàn tay - gia tài nhỏ

Chị Quỳnh ơi vẫn còn những người phụ nữ
Đêm đêm tự hát ru mình
Bằng trái tim không bằng gì ngoài nghĩa trái tim
(Mặc dù đã có quá nhiều trái tim màu kim loại)
Vẫn còn những người đàn bà
thôi không khắc khoải
Những vần thơ giông bão táp lên mặt giấy nhàu
Vẫn còn những người đàn bà
tự hỏi lòng em sẽ về đâu
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

Mỗi ngày đi qua đều mang màu của lửa
Phấp phỏng âu lo mưa gió cuộc đời
Vẫn còn những người đàn bà chị Quỳnh ơi
Lo sợ chia phôi ngay cả lúc người yêu chưa tới
Ngay cả lúc gần nhau đã lo sợ ngày mai xa vời vợi
Không đêm nào tiên cảm nỗi cô đơn

Tôi đọc chị đêm khuya mưa gió ngập hồn
Những chuyện cỏn con không còn nghĩa nữa
Thời tôi sống không có gì mới cũ
Không gì không thể bán mua

Tôi tự hỏi lòng số phận hay thơ, thơ hay là số phận
Chị Quỳnh ơi vẫn còn những người đàn bà
đang sống
Với mệt nhoài câu hỏi sẽ về đâu
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa…

Hồng Thanh Quang (thực hiện)