Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV: Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn

H.Vũ 18/10/2019 23:34

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết:  Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21/10. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày (không kể ngày nghỉ) và phiên bế mạc vào ngày 27/11.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV: Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn

Chủ nhiệm Văn phòng - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo.

Chiều 18/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trả lời báo chí về lý do miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến khi chưa hết nhiệm kỳ cũng như chưa có nhân sự thay thế, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Kỳ họp này Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến vì đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác sang Trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương. Còn ai thay thì dựa trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn. Vừa rồi Bộ Chính trị có phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế.

Đề cập đến việc làm sao để ngăn chặn tình trạng vắng quá nhiều ĐBQH tại kỳ họp, theo ông Phúc, ĐBQH có chuyên trách và ĐBQH kiêm nhiệm. ĐBQH kiêm nhiệm đảm bảo 30% công việc cho Quốc hội, còn 70% là nhiệm vụ hàng ngày. Ông Phúc cũng cho rằng, đây là kỳ họp cuối năm, địa phương nhiều việc phải chuẩn bị cho đại hội Đảng ở cấp cơ sở cho nên rất chia sẻ với các ĐBQH là lãnh đạo các địa phương vì việc vắng mặt tại một số phiên là không tránh khỏi. Tới đây, sẽ có văn bản gửi cho các trưởng đoàn ĐBQH qua đó đề nghị các ĐBQH cố gắng tham dự đầy đủ, trừ trường hợp đi công tác nước ngoài của Chính phủ vì đó là quan hệ đa phương, song phương.

Liên quan đến vụ 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc khi đi chuyên cơ cùng đoàn công tác của Quốc hội, theo ông Phúc, 9 người này đi Hàn Quốc tham dự Diễn đàn kinh tế thương mại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, và Phòng Thương mại Hàn Quốc tổ chức. Bộ này lập danh sách đoàn và gửi cho Công an thẩm tra nhân thân từng người, sau đó gửi sang Văn phòng Quốc hội xin cho đi nhờ chuyên cơ. “Khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã đề nghị Bộ Công an phối hợp với phía Hàn Quốc để trục xuất các đối tượng này vì đây là vấn đề uy tín. Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các cá nhân đi nước ngoài để hợp tác, kinh doanh nhưng việc lợi dụng để vi phạm là không được. Do đó tới đây sẽ không cho đi nhờ chuyên cơ. Đặc biệt visa của 9 người này không phải visa ngoại giao, visa này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với doanh nghiệp du lịch để xin làm visa”-ông Phúc thông tin.

Liên quan đến việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Chính phủ gửi báo cáo đến Quốc hội để thẩm tra Luật Thủ đô, trong đó riêng về vấn đề môi trường có dùng số liệu từ năm 2005, vậy Bộ Tư pháp với tư cách là đầu mối thẩm tra các dự án luật cho Chính phủ nhưng gửi báo cáo như vậy liệu có thể tin các tài liệu khác cũng đủ cơ sở để ĐBQH quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước?

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: Theo quy định, 3 năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Luật Thủ đô. Đây là lần thứ 2, Chính phủ báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Trước khi tài liệu gửi tới Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đủ điều kiện chưa? Và Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tiến hành thẩm tra sơ bộ. “Hiện nay báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký chưa chính thức gửi tới Quốc hội mà đó là báo cáo của tháng 7 trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36”-ông Giang cho biết và cho rằng, cơ quan nào báo cáo thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.

Trả lời về việc không thấy nội dung về Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này, ông Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về nhiệm vụ đối ngoại Nhà nước năm 2019, do đó trong báo cáo này sẽ có đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Liên quan đến trách nhiệm nêu gương của bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng đoàn ĐBQH Sóc Trăng ra sao khi tổ chức đám cưới rình rang cho con? Theo ông Phúc, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tổ chức kiểm điểm sâu sắc và nhắc nhở rút kinh nghiệm đối với bà Đào. Đây cũng là bài học cho các đồng chí khác rút kinh nghiệm khi tổ chức đám cưới cho con em mình, và cũng là bài học cho những người khác không được sử dụng xe công cho việc riêng.

Đề cập đến việc các trường hợp ĐBQH xin nghỉ đều vì lý do sức khỏe trong khi các trường hợp này đều bị kỷ luật về Đảng, ông Phúc cho biết việc miễn nhiệm, cho thôi ĐBQH có 2 lý do, thứ nhất do bị kỷ luật Đảng, thứ hai là sức khỏe. Luật quy định, ĐBQH có đơn xin nghỉ vì lý do sức khỏe thì được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận. “Đối với trường hợp ông Hồ Văn Năm bị kỷ luật về Đảng trong quá trình làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, thời điểm đó ông Năm chưa là ĐBQH. Vừa qua ông Năm suy nghĩ nhiều nên sức khỏe suy yếu, giảm sút nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận cho xin nghỉ.”-ông Phúc cho hay.

Liên quan đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, ông Phúc cho biết theo thông lệ vào kỳ họp cuối năm Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn của các ĐBQH. Đặc biệt lần này phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ kéo dài 3 ngày để các ĐBQH hỏi và Bộ trưởng trả lời.

Làm rõ trách nhiệm dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông

Cùng ngày, dưới sự chủ trì của ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã làm việc với thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Thay mặt cho cử tri và nhân dân Thủ đô, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã kiến nghị Đoàn ĐBQH TP Hà Nội gửi tới Quốc hội về những kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô đến kỳ họp thứ 8. Theo đó cử tri và nhân dân Thủ đô kiến nghị Quốc hội tiếp tục giám sát về công tác giải ngân, nợ đọng thuế, giám sát đối với lĩnh vực xây dựng quy hoạch đô thị, dự án treo nhiều năm không thực hiện, giám sát tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án về giao thông trọng điểm. Đáng chú ý, bà Hương cũng cho biết cử tri đề nghị các cơ quan, ban ngành làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân đối với Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, kiên quyết xử lý nếu phát hiện tập thể, cá nhân có sai phạm. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất các nhà máy gây ô nhiễm môi trường hiện đang nằm trong khu dân cư như nhà máy pin, nhà máy phân lân Văn Điển, bột giặt Net, nghĩa trang Văn Điển.

H.Vũ