Hợp lực xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
“Để TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các bộ ngành nên đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ thành phố”- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị đồng thời cho rằng việc TP HCM hướng đến xây dựng trung tâm tài chính cần tập trung nguồn lực, các tỉnh và cả nước phải chung tay, cùng góp sức để mục tiêu này sớm thành hiện thực.
Mục tiêu xây dựng TP HCM thành trung tâm tái chính khu vực và quốc tế cần sự tập trung nhiều nguồn nhân lực.
Nhận diện khó khăn
Ngày 18/10, UBND TP HCM tổ chức diễn đàn kinh tế TP HCM năm 2019 với chủ đề phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Dự diễn đàn TS. Trần Du Lịch – Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ bày tỏ: Sự phát triển thị trường tài chính của thành phố diễn ra không được như kỳ vọng, việc vươn lên trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn của khu vực ASEAN còn khá xa.
Theo TS Trần Du Lịch, 20 năm qua thành phố luôn chú trọng việc phát triển thị trường tài chính như là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thế nhưng, dù cố gắng rất nhiều nhưng đến nay mọi ý tưởng xây dựng thành phố thành trung tâm tài chính vẫn còn dang dở.
Đơn cử, tổng vốn huy động qua các định chế tài chính – tín dụng tại thành phố so với cả nước giảm khoảng 40% xuống còn khoảng 24% trong năm 2018, xếp sau Hà Nội (Hà Nội 34%). Sự phát triển trung tâm tài chính cả nước nói chung và thành phố nói riêng khá khập khiễng, nhất là mối quan hệ giữa thị trường vốn với thị trường tiền tế. Sự lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại mọi loại vốn của nền kinh tế làm cho cơ cấu thị trường tài chính méo mó.
Hiểu rõ những khó khăn, tồn tại của thành phố, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM mong muốn: “Thành phố không đặt tham vọng trở thành trung tâm tài chính “lớn nhất” khu vực nhưng thành phố muốn là bạn để kết nối với tất cả các trung tâm tài chính trên thế giới”.
Lý giải mong muốn khiêm tốn trên, ông Nguyễn Thành Phong chỉ ra hàng loạt khó khăn mà thành phố đang đối diện. Theo lãnh đạo UBND TP HCM, trong 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành phố đông dân trong khi nhà ở và giao thông không theo kịp. Tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại cũng giảm đáng kể, từ mức 26% xuống còn 18%. Điều này làm giảm động lực phát triển của địa phương…
Ủng hộ sự phát triển
Mặc dù nhận thấy những rào cản trong việc xây dựng TP HCM trở thành trung tâm tài chính, song giới chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định, TP HCM có thể trở thành trung tâm tài chính.
Theo thống kê của Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành phố hiện có 140.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 34,5% số lượng doanh nghiệp cả nước. Đây là cơ sở tạo nên môi trường năng động thích hợp hơn cho sự phát triển của thị trương tài chính – chứng khoán. Các chuyên gia đặt vấn đề, làm thế nào để biến tiềm năng, lợi thế, khát vọng thành hiện thực đang là bài toán lớn không chỉ đối với thành phố mà còn là vấn đề lớn của cả nước?
TS.Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Đại học Fullbright hiến kế, Chính phủ cần có chính sách để thành phố thực hiện. Thành phố phải giải quyết nhiều bài toán, trong đó có hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, trước mắt TP HCM cần là trung tâm tài chính quốc gia, sau đó mới tiến ra khu vực và thế giới bằng cách nương theo biến động và xu thế chung không theo lối mòn truyền thống.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm, phát triển trung tâm tài chính TP HCM cần đồng bộ với chiến lược phát triển chung của ngành Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo thuận lợi góp phần đưa TP HCM nâng tầm khu vực và quốc tế.
Tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, xây dựng trung tâm tài chính TP HCM không chỉ là mong muốn của thành phố mà là nhiệm vụ của cả nước. Phó Thủ tướng chia sẻ: “Hiện nay TP HCM đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam. Thời gian tới, muốn TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các bộ ngành nên đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ thành phố”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thành phố hướng đến trung tâm tài chính cũng cần được tập trung nguồn lực, các tỉnh và cả nước phải chung tay, cùng góp sức để mục tiêu này sớm thành hiện thực.