Trung thực và sự xảo trá
Vụ án nhận tiền để nâng điểm thi tại Hà Giang và Sơn La tiếp tục làm nóng dư luận. Bấy lâu người ta vẫn rì rầm chuyện mua điểm, nhưng không ngờ nó to đến thế với số tiền “giao dịch” hàng tỷ và có hẳn đường dây từ trên xuống dưới, “phân công thực hiện” đâu ra đấy như một tổ chức. Họ, những kẻ phạm tội có cương vị trong tổ chức mình đang làm việc, và họ cũng lại là người đứng trong “một tổ chức khác”: Tổ chức tội phạm. Trong vỏ bọc công chức, viên chức, đặc biệt với những người của ngành Giáo dục, họ đã vấy bẩn cái ngành buộc phải thanh sạch. Đáng trách và đáng khinh bỉ khi đứng trước tòa, đối diện với công lý, với cái lẽ vay - trả ở đời, họ vẫn cố tình đổi trắng thay đen, chối tội.
Tác giả là Trưởng ban Thư ký tòa soạn Báo Đại Đoàn Kết.
Nhận tiền nâng điểm nhưng Phạm Văn Khuông - cựu Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang vẫn trơ trẽn nói: “Việc nhờ vả rất thường tình trong cuộc sống, anh em quan tâm thì giúp thôi”. Bà nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh này, Triệu Thị Chính, thì nói: “Tôi chỉ nhờ bị cáo Hoài xem điểm chứ không nâng điểm. Lỗi của tôi là để tình cảm xen vào công việc”. “Hoài” (tức Nguyễn Thanh Hoài, cựu Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GDĐT tỉnh này), người được cho là chủ mưu vụ án gian lận thi THPT năm 2018 tại Hà Giang.
Một mắt xích quan trọng khác của đường dây chạy điểm, Lê Thị Dung - nguyên Phó đội trưởng đội Giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an Hà Giang thì nói: “Chính bản thân tôi lúc đi nhờ chỉ nghĩ tới việc tạo phúc, chứ không nghĩ anh Hoài nâng tới ngần ấy điểm”.
Tương tự, tại tỉnh Sơn La, vụ án chạy điểm cũng rất gay cấn, khi các bị cáo khăng khăng chỉ nhận lời “xem điểm” chứ không phải là “nâng điểm”. Nhưng, nhờ xem điểm sao lại nhận tới hơn 1 tỷ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh? Ở đời đâu có chuyện trẻ con như thế.
Tội phạm bản chất giống nhau, nên mới cùng khai rằng chỉ vì nể mà “xem điểm” giúp; chỉ là “làm phúc” chứ không làm sai. Và cũng lại rất giống nhau khi đổ tội cho cấp trên với cái lý “nâng, sửa điểm là do nể sếp”. Chúng định kéo người khác vào để “chia tội” hay sao?
Sự gian dối được tính toán kỹ lưỡng. Mà suy cho cùng, tội phạm thì đều có tư chất gian dối. Đồng tiền đã đánh thức con quỷ tham lam vốn sẵn có trong con người họ. Lắm kẻ “làm công ăn lương” nhưng vẫn có nhà to, xe xịn, con cái du học nước này nước khác. Tiền ở đâu ra, hay cũng lại do tích cóp từ việc “làm chổi đót, nuôi lợn”? Hay là những đồng tiền bẩn đến từ việc “làm phúc” khi sửa điểm, nâng điểm cho cả trăm học sinh học lực kém để được vào đại học, mà lại là những đại học quan trọng.
Sự trung thực ở mỗi con người đã không còn khi “nén bạc” đã “đâm toạc tờ giấy”. Thay vào đó là thói lưu manh xảo trá, với những câu trả lời trơ trẽn, ráo hoảnh trước tòa. Xem hộ điểm gì mà lại nhận “cảm ơn” của người khác tới 230 triệu đồng với các trường hợp nâng lên 24 điểm; 350 triệu đồng trường hợp nâng lên 27 điểm? Đây rõ ràng là việc mua điểm, bán điểm làm hư hỏng trường thi, làm vấy bẩn bộ mặt của ngành Giáo dục.
Còn những người dùng tiền “mua tương lai” cho con em mình, thì chính họ đang trao truyền cho thế hệ sau thủ đoạn gian dối để vào đời. Bậc làm cha làm mẹ, bao giờ trước con cái cũng phải trang nghiêm, có thế mới là cha mẹ. Ấy vậy mà họ đã không hề giấu giếm, lại công khai hành động không trung thực ngay với cả con em mình. Những đứa con nhận “ân huệ” kiểu đó từ cha mẹ rồi sẽ ra sao. Chúng ta hay nói đến truyền thống gia đình, thì ở trường hợp này truyền thống ấy là gì?
Hai vụ án nâng điểm thi ở Hà Giang và Sơn La buộc chúng ta phải suy nghĩ về nhiều khía cạnh của cuộc sống, nhất là thái độ trung thực để làm người hay là sự xảo trá.