Họa sĩ Đặng Tú Thư: Những bức tranh đầy thiên tính nữ
Họa sĩ Đặng Tú Thư, với những tác phẩm với gam màu trầm, tái hiện nội tâm người hay nguồn sống ẩn phía sau cảnh vật mang tâm trạng đầy thiên tính nữ, cùng nét vẽ u uẩn dịu dàng, vấn vít qua từng đường cọ. Có phong cách riêng rất tự nhiên mà không cần gắng sức, chọn ẩn mình sau những bức tranh, trong khi mỗi tác phẩm của chị vẫn làm rung động tinh thần người xem, và vẻ đẹp của chị luôn mang sự gợi nhớ.
Họa sĩ Đặng Tú Thư.
Khi nhìn vào bức vẽ của chị trong triển lãm “Chân dung” tại Hà Nội cách đây khoảng 6 năm, tôi nhìn thấy một người phụ nữ tràn đầy đau khổ trước những cơn bão tăm tối… Vì sao chị lại lột tả bản thân mình vậy?
Họa sĩ Đặng Tú Thư: Đó là bức chân dung tự hoạ thứ hai của tôi. Cũng nhiều người xem tranh, cảm nhận như trong câu hỏi của bạn và hỏi lý do, nhưng không hiểu sao, tôi thường bối rối mỗi khi định kể về nỗi buồn thật riêng của mình. Tôi muốn để bức tranh tự “lên tiếng”. Ai cũng có nỗi niềm gì đó, “đời là bể khổ” mà. Vấn đề của mình chìm lẫn trong “bể” thôi, không có gì đặc biệt.
Với chị, việc đọc sách mang lại những gì?
- Sự hiểu biết và dày thêm cảm xúc. Đọc sách giúp tôi lý giải nhiều câu hỏi nhân sinh, về bản chất và ý nghĩa của sự tồn tại. Ngoài ra, tôi được hiểu thêm về cuộc sống và suy nghĩ của lớp người xưa, tiếp cận tư tưởng của những “người khổng lồ” trong một số lĩnh vực mình quan tâm. Nhận thức non nớt ban đầu nhờ thế dần thay đổi và “chín” hơn. Tôi học được cách nhìn nhận đa chiều trước một vấn đề, bớt khuôn mẫu thành kiến, làm sao để cân bằng giữa con người tự nhiên và con người xã hội. Tôi thường đối chiếu những gì mình đọc trong sách với hiện thực, với trải nghiệm, để mình không bị “lý thuyết suông”. Những khi tâm trạng “tuột dốc”, nếu không thể ra thiên nhiên, tôi sẽ ôm sách. Lúc ấy sách như một người bạn thân, chia sẻ được với mình những điều chẳng thể nói cùng ai.
Sách có bổ sung vào cảm hứng cho việc vẽ của chị không?
- Rất nhiều là khác. Tôi may mắn được sống trong môi trường đọc từ nhỏ. Bố tôi là hoạ sĩ, nhưng cũng là một nhà báo mảng văn hoá nghệ thuật nên trong nhà rất nhiều sách báo. Suốt tuổi thơ, ngoài các thể loại tiểu thuyết thì tôi đọc báo “Văn nghệ” và tạp chí “Văn nghệ Quân đội” không thiếu số nào. Có những truyện khiến tôi ám ảnh buồn lây suốt nhiều ngày sau đó. Nhưng nói vậy không có nghĩa là tôi mất đi tuổi thơ trong sáng, vui vẻ. Tôi vẫn đọc những truyện thiếu nhi song song. Khu tập thể tôi ở, gia đình nào cũng có tủ sách, bọn trẻ thường trao đổi sách với nhau nên không cần đến thư viện. May mắn hơn cho chúng tôi, trong khu nhà có một bác chuyên viết cho thiếu nhi - nhà thơ Phạm Hổ. Sách nào của bác mới xuất bản, chúng tôi cũng được tặng đầu tiên. Đứa trẻ nào cần hỏi về văn chương chữ nghĩa, bác Phạm Hổ đều tận tình giảng giải với chất giọng Bình Định ấm áp, kiên nhẫn truyền cho lũ trẻ tình yêu văn học. Tôi chưa thấy ai tôn trọng trẻ con như bác ấy. Nhờ môi trường như thế, tôi hình thành thói quen cảm nhận mọi thứ theo lối “văn”. Sau này khi quan sát những nhân vật mình cần vẽ, tôi có cảm xúc nhạy bén hơn trong việc nắm bắt tinh thần người mẫu, thông qua tác phong cử chỉ và đặc điểm ngoại hình. Ngoài ra còn suy đoán tưởng tượng nhiều thứ bên lề, tìm ẩn ngữ giấu trong lớp vỏ, tự đặt câu hỏi yếu tố nào khiến bức tranh trở nên khác biệt. Điều này tạo thêm chất liệu, cảm hứng cho hoạ sĩ lột tả nhân vật của mình sâu hơn.
Tuổi thơ gắn bó với sách, tác phẩm văn học, vì sao chị lại đến với vẽ?
- Hồi nhỏ, bố mẹ khuyến khích tôi theo ba môn: văn, âm nhạc, và hội hoạ. Tôi từng mơ mộng trở thành nhà văn cơ đấy, tập toẹ viết truyện ngắn từ năm lớp 3, cũng được chọn vào đội tuyển văn của trường đi học bồi dưỡng thi học sinh giỏi. Nhưng không nhớ lý do vì sao, tôi bỏ dở giữa chừng. 10 tuổi, bố dắt tôi đến nhà của bác Đào Vũ, nhà văn, Q. Tổng Biên tập báo “Văn nghệ” (chà, đúng tờ báo tôi hâm mộ). Bố xin cho tôi học piano của vợ bác, là nghệ sĩ piano Hồng Hạnh - thày dạy đàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dưới sự dạy dỗ tận tình của bác Hạnh, tôi yêu thêm cả âm nhạc. 16 tuổi, tôi thi vào trường Nghệ thuật Hà Nội, khoa Mỹ thuật, và đỗ thủ khoa không mấy khó khăn. Thế là tôi chọn hội hoạ cho con đường dài của mình.
Vẽ với chị, có phải là một cách để giải thoát?
- Khi đứng trước toan, tôi hay rơi vào hai trạng thái, động hoặc tĩnh. Động là khi tôi có những cảm xúc mạnh mẽ chi phối, biểu hiện trên toan tất cả sự “điên ngầm” vốn chẳng mấy khi bộc lộ ra ngoài. Còn tĩnh, là trạng thái gạt qua tất cả những u uẩn buồn phiền trĩu nặng, giữ lại sự trong trẻo an tĩnh nhất mình có. Lúc này, không gọi là giải thoát, mà tác phẩm đang “cứu rỗi” ngược lại người sáng tạo.
Có thời gian, chị cùng nhóm “Hà Nội link” làm một số chương trình nghệ thuật?
- Nhóm Hanoilink có khoảng 10 thành viên, đa số là sinh viên Mỹ thuật mới tốt nghiệp như tôi. Ban ngày thì mỗi đứa một việc, chiều tối hẹn gặp nhau tại Campus hoặc cà phê phố cổ, “ủ mưu” cho những hoạt động nghệ thuật đương đại. Chúng tôi triển lãm tranh, làm sắp đặt, video art, performance... khá liên tục. Một vài dự án kết hợp cùng các nghệ sĩ nước ngoài, như Pháp, Mỹ, Canada. Tôi khi ấy đang làm cho Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, có tham gia thêm khoá học video art của giảng viên người Pháp nên mê làm video lắm. Đó là thời kỳ nở rộ của nghệ thuật thị giác tại Hà Nội, rất đáng nhớ. Sau một vài năm, nhóm Hanoilink tan rã, bạn trưởng nhóm là Hoa Nguyễn sang Australia định cư. Tôi quay trở lại với giá vẽ.
Chị khi ấy thường vẽ với tông màu đơn giản trắng đen? Trên nền gỗ, như một khối hình được cắt trong xưởng vẽ hoạt họa?
- Tôi khắc và để nguyên bản mộc không in. Đen trắng không màu để tập trung vào hình, sắc độ. Những nhát dao cày sâu xuống gỗ tạo nên bề mặt ba chiều như bức phù điêu. Cô đọng, biểu cảm, hợp để diễn tả sự cô đơn. Như gợi những hình ảnh thuộc về quá khứ đã bị thời gian làm bay mất màu.
Vì sao chị rất ít khi công bố qua triển lãm các tác phẩm, mà dường như, cũng không quan tâm đến việc bán chúng?
- Quan tâm đấy, nhưng tôi không giỏi trong việc quảng bá để bán tác phẩm của mình. Việc kết nối với những người yêu tranh và nhà sưu tập, tôi được các bạn chuyên về marketing giúp, vì đang là hoạ sĩ đại diện thuộc tổ chức DaugiaVN. Với một hoạ sĩ, tranh của mình có người đồng cảm, và sống được bằng nghề đã là hạnh phúc, không mong cầu sự giàu có từ nghề này. Lối sống của tôi khá giản dị, nên đỡ áp lực về vật chất. Tôi chỉ thích yên tĩnh làm chuyên môn, dành thời gian học để khắc phục những điểm yếu; và sẽ tiếp tục tham gia các triển lãm khi hết muốn “ở ẩn”.
Gần đây chị quay trở lại sơn dầu, vẽ chân dung người thân, các loại hoa, những hình ảnh khung cảnh cũ đã từng gắn bó với chị trên những tấm toan khổ nhỏ?
- Bản năng giới của phụ nữ là hướng nội và ưa quan tâm những gì thuộc con người, tôi không ngoại lệ. Tôi thích vẽ hình thể và tâm trạng con người, nên chọn mảng chân dung. Mẫu của tôi không chỉ người thân mà còn nhiều người mới quen nữa. Có loạt tranh thì tôi vẽ con người trong khung cảnh phi hiện thực, thường chỉ có một đến hai nhân vật. Đông người hơn thì bọn họ đều mang vẻ xa lạ, như không hề có sự kết nối liên quan, và, cứ ngó nghiêng tìm kiếm điều gì.
Một năm tôi có vài bức vẽ hoa, như một dạng “nghỉ não” để luyện bút pháp và kỹ năng cho tốt hơn.
Vì sao chị thường chọn màu tối? Và dù có hoa đỏ hay lá xanh, thì vẫn là một gam màu u uất buồn?
- Danh hoạ Gustave Courbet thuộc phái Hiện thực từng cho rằng “Ánh sáng chỉ tồn tại khi được bóng tối vây quanh”. Có gam màu buồn mới thấy giá trị của niềm vui loé sáng.
Cảm giác của chị khi vẽ, và khi đã hoàn thành chúng?
- Lúc vẽ tôi thấy mình có chút giá trị trong cuộc đời, vẽ hỏng tôi cảm giác mình hơi vô dụng. Khi tác phẩm hoàn thành, nó sẽ có đời sống riêng, tôi quên đi để tập trung cho bức kế tiếp.
Dự định của chị cho hội họa? Chị có tính làm một triển lãm cá nhân thời gian tới không?
- Số lượng tranh chân dung tôi vẽ khá nhiều, đã vừa cho một triển lãm cá nhân, nhưng phần lớn tranh đang nằm trong tay các nhà sưu tập. Nếu trưng bày, tôi sẽ phải mượn từ họ. Tôi đang định vẽ bộ tranh mới, nhưng tất cả đều mới ở “dự định”.
Xin cảm ơn chị và chúc chị luôn hạnh phúc với con đường đã chọn!
Họa sĩ Đặng Tú Thư, sinh năm 1978 tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2003), hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận học bổng của ĐSQ Pháp, tham gia khoá học mùa hè tại trường Nghệ thuật & Thị giác Gobelins, Paris (2007).
Triển lãm tiêu biểu: “Ngày thứ 8”- Sofitel Plaza Hà Nội (2015), “Những khoảnh khắc” – Hội Mỹ thuật Việt Nam, “Điểm đến II” – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (2014), “Họa sĩ trẻ nghĩ gì” - 16 Ngô Quyền, Hà Nội (2013), “Mặt đối mặt” – Mai Gallery (2012); “Le Restes” dự án Video Art giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp, Canada, tại Tarmac, Paris; “5e Biennale de L’ environnement” tại Paris, Pháp (2008). “2112”- Gallery 39 (2006).