Camera thôi, chưa đủ
Hàng loạt đối tượng thuộc băng nhóm móc túi, cướp giật trên xe buýt tại TP Hồ Chí Minh vừa bị lực lượng chức năng bắt giữ. Mấy ngày gần đây, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cũng đã triển khai thêm nhiều biện pháp để ngăn chặn tệ nạn phạm pháp kéo dài gây bất an cho hành khách. Tuy nhiên, theo người dân, việc lắp camera nhận diện khuôn mặt tại trạm xe buýt để xóa bỏ nạn móc túi có lẽ vẫn là chưa đủ.
Ông Trần Quang Lâm- Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, Trung tâm Giao thông công cộng thành phố sẽ lắp đặt hệ thống camera nhận diện khuôn mặt tại trạm xe buýt. Ngoài ra tại các xe có trợ giá cũng có đường dây nóng để những nạn nhân kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng. Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cũng đã chỉ đạo tăng cường phối hợp với lực lượng công an quận huyện nhằm ngăn chặn tình trạng móc túi tiếp diễn.
Tuy nhiên, các biện pháp vừa nêu của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM chưa đủ để ngăn chặn hoặc xoá bỏ tình trạng móc túi trên xe buýt. Thực tế, tệ nạn móc túi hành khách đi xe buýt từng xảy ra nhiều lần, ở nhiều khu vực bến, trạm chờ như khu vực ngã tư An Sương, bến xe miền Đông, bến xe miềnTây, chợ BếnThành hay đặc biệt là khu vực Suối Tiên. Đây đều là khu vực có đông các tuyến xe buýt đi qua cũng như có lượng hành khách di chuyển nhiều. Vì thế, nạn móc túi từng xảy ra trong các năm trước với nhiều đối tượng, băng nhóm bị triệt phá nhưng nạn móc túi trên xe buýt vẫn không thuyên giảm mà vẫn âm ỉ gia tăng phức tạp, các đối tượng phạm pháp vẫn len lỏi hoạt động trên các tuyến, chuyến xe buýt khác nhau. Mới nhất, hơn chục đối tượng móc túi vừa bị lực lượng công an bắt giữ. Băng nhóm này đã hoạt động khá lâu trên địa bàn các tuyến xe buýt trước khi bị phát hiện. Nếu chỉ sử dụng camera để ghi hình ảnh các đối tượng e rằng chưa đủ sức giám sát, răn đe khiến các đối tượng“hành nghề”trộm cắp từ bỏ hẳn hành vi phi pháp. Hầu hết các đối tượng móc túi đều đội mũ, đeo khẩu trang che kín khuôn mặt nên việc nhận diện khuôn mặt bằng lắp camera cố định rất khó khả thi. Ngoài ra, các camera cố định cũng không có khả năng xác định địa điểm mà kẻ gian thực hiện hành vi móc túi. Lấy ví dụ nếu camera lắp đặt tại các trạm, nhà chờ nhưng các đối tượng lại thực hiện hành vi sau khi đã lên xe buýt hay ngược lại thì hệ thống camera cũng mất tác dụng.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc lắp đặt camera tại các trạm xe buýt là cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, coi camera là biện pháp duy nhất ngăn chặn tội phạm móc túi trên xe buýt là điều không khả thi. Không chỉ ở các trạm xe buýt mà ở nhiều nơi khác, camera chỉ có chức năng cảnh báo, là biện pháp gián tiếp chứ không bao giờ là biện pháp trực tiếp để ngăn chặn hành vi tội phạm của con người. Ngay cả những địa điểm có tài sản cố định (như ngân hàng, kho bạc, tiệm vàng bạc…), camera cũng chỉ là biện pháp gián tiếp để đề phòng, ngăn chặn tội phạm. Với đặc thù xe buýt luôn di chuyển, đông người lại, thường xuyên thay đổi qua các trạm, hành trình thì camera cố định sẽ rất khó để ghi lại hành vi móc túi, cướp giật chứ không thể ngăn chặn được hành vi này. TPHCM hiện đã và đang triển khai việc lắp đặt camera phòng chống tội phạm tại nhiều tuyến đường, hẻm, khu phố. Và thực tế chứng minh, việc lắp camera này cũng không ngăn chặn được hành vi phạm tội mà chỉ giúp cơ quan chức năng có thêm bằng chứng về hành vi phạm tội. Camera cũng có thể giúp cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc tìm ra đối tượng phạm tội.
Thế nên, để ngăn chặn và xoá bỏ tình trạng móc túi thì đơn vị quản lý hệ thống xe buýt cần tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, triển khai thêm nhiều biện pháp mạnh mẽ khác, kể cả việc tập huấn các kỹ năng phòng chống đối với chính các tài xế, nhân viên xe buýt. Thực tế, thời gian qua hầu hết các vụ móc túi đều diễn ra với các xe buýt có trợ giá. Đây là xe buýt hoạt động theo mô hình mà tài xế, nhân viên soát vé tương tự như người làm thuê, ăn lương bình thường. Ngược lại, tại các tuyến xe buýt không trợ giá, tình trạng móc túi lại rất hiếm khi xảy ra. Nguyên nhân bởi xe buýt không trợ giá là các xe buýt tư nhân tự đầu tư, khai thác, và những hành khách lên xe buýt trở thành “thượng đế” mà nhà xe cần bảo vệ để duy trì doanh số. Tài xế, nhân viên sẽ nhanh chóng phát hiện ra các nhóm người bất thường lên xe với ý định thực hiện hành vi tội phạm để ngăn chặn nhằm đảm bảo cho chuyến xe của họ được an toàn, giữ được thương hiệu. Nếu các tài xế, nhân viên xe buýt cũng có khả năng phát hiện, ngăn chặn tình trạng móc túi thì tình trạng này mới có thể thuyên giảm.
Có thể nói, cũng như tình trạng rải đinh dọc quốc lộ 1A qua TPHCM nhiều năm qua vẫn dai dẳng,tình trạng móc túi,trộm cắp trên xe buýt rất dễ xảy ra nhưng lại khó ngăn chặn triệt để. Nguyên nhân là vào các khung giờ cao điểm, các điểm chờ xe buýt luôn chật cứng người chen lấn, là mảnh đất màu mỡ để hành vi phạm tội nảy sinh. Vì thế, ngoài các biện pháp mạnh mẽ, đơn vị quản lý xe buýt cần phải tạo một môi trường giao thông văn minh, lịch sự và không có kẽ hở cho tội phạm hoạt động. Cần nhiều biện pháp hơn cũng như phòng ngừa, đấu tranh mạnh mẽ hơn trên nhiều lĩnh vực, để tệ nạn không thể hủy hoại hình ảnh đẹp của TPHCM mà Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố đã dày công xây dựng.