Tạo sinh kế làm điểm tựa pháttriển
Phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ III năm 2019, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đầu tư, tạo sinh kế bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bởi nếu không có giải pháp đột phá, không có quyết tâm chính trị cao thì đến một thời điểm nào đó, có thể hộ nghèo sẽ chỉ còn lại là người DTTS.
Đường tới trường của học trò cùng cao. Ảnh: Đặng Mạnh Dũng.
Trong số 54 dân tộc anh em, nước ta có 16 DTTS có số dân dưới 10.000 người, là những DTTS rất ít người. Đó là các dân tộc Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, BốY, Lô Lô, Cờ Lao,Ngái, Lự, PàThẻn, Chứt, La Ha, La Hủ. Bà con phần lớn sinh sống ở vùng núi cao, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đều rất chú ý hỗ trợ để nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, nhất là với các DTTS rất ít người. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới cũng một lần nữa nêu rõ chủ trương nhất quán đó. Tiếp đó, ngày 31/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo của nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên đối với vùng đồng bào DTTS, nhất là với đồng bào DTTS rất ít người vẫn gặp khó khăn. Vì đó chính là khu vực “lõi” của “lõi nghèo”, các chỉ số phát triển đều thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước.
Nói về khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, với những DTTS rất ít người, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng từng nêu rõ: Chúng ta có nhiều chính sách ưu việt nhưng chính sách còn dàn trải, chồng chéo, nguồn lực không đáp ứng được yêu cầu, chưa khai thác được hết tiềm năng của vùng DTTS và phát huy bản sắc, chưa khuyến khích đồng bào tự vươn lên; sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa đồng bộ; công tác giám sát của cơ quan dân cử còn ít; cán bộ còn thiếu và yếu.Tuy các cuộc giám sát về đất ở, đất sản xuất, tình hình bảo đảm nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất vùng đồng bào DTTS đã được tiến hành, nhưng chưa có giải pháp quyết liệt để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, giúp đỡ đồng bào giảm bớt khó khăn trong những lĩnh vực này.
Với 53 DTTS, hơn 14 triệu người, chiếm khoảng 14,7 % dân số cả nước, sinh sống chủ yếu ở 5.266 xã, 458 huyện, 5 tỉnh,thành phố, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung. Cuộc sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong quá trình tăng tốc phát triển lại gặp nhiều hạn chế.Nơi bà con sinh sống đất đai không màu mỡ, địa hình chia cắt, khó khăn nhiều về giao thông; xuất phát điểm để xây dựng cuộc sống thấp. Nơi đây, cho dù hệ thống trường lớp đã phủ khắp nhưng chất lượng giáo dục chưa cao. Việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cũng hạn chế, ảnh hưởng tới sức khỏe, tuổi thọ. Cũng chính vì thế, dành ưu tiên cho vùng DTTS là điều cần phải làm, không chỉ trước mắt mà là chiến lược lâu dài.Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, hơn lúc nào hết cần phải chung sức xây dựng thôn bản đoàn kết, ấm no, bình yên và phát triển. Trong đó, đặc biệt lưu ý tập trung quan tâm đầu tư, tạo sinh kế bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của đồng bào DTTS, để không rơi vào tình thế đến lúc nào đó hộ nghèo sẽ chỉ còn lại là người DTTS.
Sinh kế là điều thiết yếu trong cuộc sống. Không một sự hỗ trợ vật chất nào dù lớn đến đâu có thể giúp bà con thoát nghèo, vươn lên ấm no nếu sinh kế không có. Thực tế cho thấy, nhiều nơi đã thoát nghèo nhưng lại tái nghèo cũng là do sinh kế của người dân không bảo đảm. Không ít nơi, bà con phải sang bên kia biên giới để làm thuê, hay là phải dời bỏ bản làng đi làm thuê nơi khác, do không thể làm ăn tốt chính nơi làng bản của mình. Như vậy, cuộc sống trước mắt lẫn tương lai vẫn rất bất ổn.
Những năm qua, người ta hay nói đến chuyện“cho con cá hay cho cái cần câu”với các hộ nghèo nói chung, các hộ nghèo vùng đồng bào DTTS nói riêng. Đúng là giúp đỡ vật chất cụ thể có thể làm cho người nghèo chống chọi qua ngày, nhưng nếu mãi như thế sẽ tạo tâm lý ỷ lại và cũng không phải là điểm tựa chắc chắn để người nghèo vươn lên. Giảm cho không, ngân hàng tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện; cùng với đó là tạo sinh kế cho bà con đó sẽ là chiến lược ổn định và pháttriển, để thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững.
Trở lại vấn đề, đã đến lúc việc tạo sinh kế phải được chú trọng. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào sự năng động, ý chí của người nghèo, của bà con DTTS vùng khó khăn, mà còn là nhận thức, là quyếttâm của Đảng, Nhà nước, để“không ai bị bỏ lại phía sau” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh.