Để bán lẻ nội giữ thế làm chủ

Duy Chung 21/10/2019 08:00

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, giới chuyên gia khuyến cáo, chất lượng và thương hiệu chính là những điểm mấu chốt để các nhà bán lẻ nội hút khách hàng về phía mình, cũng chính là“công cụ” quan trọng để các DN bán lẻ giữ vững sân nhà.

Để bán lẻ nội giữ thế làm chủ

Tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức rất cao. Ảnh: Quang Vinh.

Còn rất nhiều tiềm năng

Việt Nam đang là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất châu Á do tăng trưởng kinh tế và chitiêu tiêudùng gia tăng. Tốc độ tăng trưởng thịtrường bán lẻ duy trì ở mức rất cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD vào năm 2017, ước đạt 160 tỷ USD vào 2020.

Không phủ nhận, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ ngoại bằng các mô hình kinh doanh khác nhau và họ đang nỗ lực phát triển hệ thống chuỗi. Tuy nhiên, đối tượng mà các nhà bán lẻ ngoại hướng đến chủ yếu tập trung vào người dân thành thị. Trong khisố dân cư ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn bỏ ngỏ. Đây là cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ nội nắm giữ và mở rộng thị phần, phát triển quy mô trên khắp cả nước,từ đó có thể thu hút khách hàng và giữ vững sân nhà.

Một con số thống kê cho biết, chuỗi bán lẻ hiện đại của các nhà đầu tư nước ngoài hiện ước chỉ chiếm khoảng 16%, trong khi các nhà bán lẻ hiện đại trong nước chiếm đến 84%. Như vậy, kênh bán hàng của DN trong nước vẫn chiếm đến khoảng 3/4 thị phần bán lẻ hiện đại.

Nhận định về thị trường bán lẻ hiện nay, các chuyên gia trong ngành cho rằng, các DN Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển, bởi không chỉ người dân các thành phố lớn , mà người dân ở cả khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng ngày càng gia tăng nhu cầu mua sắm. Do đó, các DN bán lẻ nội cần hướng đến sự đa dạng các đối tượng khách hàng cũng như tâm lý tiêu dùng của các khách hàng.

Bà Đặng Thúy Hà- Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Nielsen Việt Nam nêu quan điểm, người tiêu dùng ở các vùng, miền đều có tâm lý và sở thích tiêu dùng khác nhau, nên cần có các nghiên cứu chuyên sâu về khách hàng từ cách tiếp cận bằng kênh marketing để theo dõi hành vi, hành trình của họ trước khi ra quyết định đến các điểm phân phối hàng hóa.

Nỗ lực hút khách, giữ sân nhà

Nhấn mạnh đến những chuyển động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng tất cả các lĩnh vực, bà Lê Việt Nga Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến cung, cầu cũng như các phương thức kinh doanh.Từ cuộc cách mạng này,ViệtNam sẽ có nguồn cung hàng hóa chất lượng hơn, có nguồn gốc xuất xứ minh bạch hơn, làm thay đổi cơ cấu mặt hàng cũng như cơ cấu thị trường hàng hóa. Các hệ thống phân phối cũng như người tiêu dùng được thu hút nhiều hơn đến hệ thống phân phối có sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của công nghệ chỉ là một phần, điều quan trọng để các DN có thể mở rộng thị phần, thu hút khách hàng chính là yếu tố chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Càng ngày, nhu cầu tiêu dùng của người dân càng cao, đối tượng người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm chất lượng lớn hơn rất nhiều các đối tượng tìm đến sản phẩm giá rẻ. Do đó, yêu cầu về chất lượng và thương hiệu vẫn luôn là yếu tố bắt buộc đối với các DN.

Chúng ta đã thấy một Vingroup, một Saigon Co.op đã và đang ngày càng mở rộng quy mô. Tại các địa phương, Vinmart đã“đóng chân”được ở hầu hết các điểm, kể cả những điểm ngõ ngách, vùng sâu vùng xa…Tương tự, Saigon Co.op cũng miệt mài nâng sức cạnh tranh tạo nên thương hiệu cho riêng mình 3 thập kỷ qua.Như vậy, yếu tố cốt lõi để những tên tuổi thương hiệu bán lẻ của Việt Nam như Saigon Co.op hay Vingroup vẫn trụ vững suốt nhiều năm qua và không ngừng phát triển chính là sự chủ động nắm bắt xu hướng thị trường, đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ở khắp cả nước. Đó cũng là cách để các nhà bán lẻ nội có thể kéo khách hàng về phía mình, từ đó làm chủ sân nhà.

Duy Chung