Quốc hội kỳ họp 8 và những thay đổi nhân sự cuối nhiệm kỳ
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV khai mạc sáng nay, 21/10 , dự kiến kéo dài tới 27/11. Kỳ họp này chứng kiến sự thay đổi 2 lãnh đạo cấp cao, một nhân sự do Quốc hội bầu, một nhân sự do cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước phê chuẩn. Đó là vị trí Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội và “ghế” Bộ trưởng Y tế.
Thông báo về chương trình kỳ họp thứ 8 ít ngày trước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin cụ thể nội dung công tác nhân sự tại kỳ họp này.
Sáng 25/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.
Sau khi thảo luận ở các đoàn đại biểu Quốc hội, chiều cùng ngày Quốc hội nghe kết quả thảo luận và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Cũng diễn ra vào sáng 25/11 là quy trình miễn nhiệm Uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Nội dung này do UB Thường vụ Quốc hội trình. Việc miễn nhiệm chức danh cũng được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau đó, sáng 26/11, Quốc hội sẽ bầu Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Phần nội dung nhân sự này thì có quy trình bầu Chủ nhiệm mới của UB Pháp luật thay ông Định. Nghị quyết bầu Chủ nhiệm UB Pháp luật mới được thông qua chiều cùng ngày.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã được phân công đảm nhiệm những cương vị công tác mới.
Nội dung phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến và miễn nhiệm Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội đối với ông Nguyễn Khắc Định được cho chỉ là vấn đề thủ tục khi thực tế, ông Định đã chính thức nhận nhiệm vụ mới là Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà 2 ngày trước, theo quyết định phân công của Bộ Chính trị, còn bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã khẳng định bà đảm nhiệm vị trí công tác mới là Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương trong chuyến công tác sau cùng trên cương vị Bộ trưởng y tế ít ngày trước.
Trao đổi về lý do Quốc hội tiến hành thủ tục miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế dù vẫn còn hơn một năm nhiệm kỳ công tác nữa, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu 2 thông tin, ngoài việc bà Tiến được điều chuyển đảm nhiệm cương vị mới thì còn yếu tố nữ Bộ trưởng đã đến tuổi nghỉ hưu. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến sinh năm 1959, năm nay tròn 60 tuổi.
Tuy nhiên, bình thường, các cán bộ lãnh đạo khi được quy hoạch, lựa chọn cho một vị trí tầm Bộ trưởng, vấn đề tuổi đảm nhiệm chức vụ đã được xem xét kỹ, đủ tuổi cho 2/3 nhiệm kỳ công tác là đủ điều kiện. Ở đây, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi được gần hết 4/5 nhiệm kỳ (2016-2021), chỉ còn hơn một năm nữa là trọn vẹn 2 khoá trên cương vị Bộ trưởng Y tế.
Điều đặc biệt, trong nhiệm kỳ thứ 2 làm tư lệnh ngành Y tế này, bà Tiến là thành viên nữ duy nhất trong Chính phủ, cũng là người duy nhất không phải Uỷ viên Trung ương. Một Bộ trưởng không phải Uỷ viên Trung ương là chuyện không phổ biến lâu nay.
Việc lựa chọn nhân sự cho chức vụ Bộ trưởng Y tế của bà Nguyễn Thị Kim Tiến chính thức bỏ ngỏ tại kỳ họp lần này của Quốc hội. Tuy nhiên, nội dung này không có trong chương trình nghị sự. Tổng Thư ký Quốc hội đã giải thích, Quốc hội chỉ xem xét nhân sự thay thế vị trí của Bộ trưởng trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến ngày khai mạc kỳ họp, phía Chính phủ chưa thực hiện quy trình này.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc gợi mở, vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phụ trách lĩnh vực văn - xã) kiêm nhiệm Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Bộ Y tế. Như vậy, vị trí lãnh đạo Bộ Y tế sẽ không bị bỏ trống.
Tuy nhiên, Bộ trưởng là chức danh được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm. Vậy nên dù có đảm nhiệm việc phụ trách ban lãnh đạo Bộ Y tế về mặt Đảng, được Chính phủ phân công điều hành Bộ này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng không được xem là tân Bộ trưởng Y tế. “Ghế” Bộ trưởng y tế sẽ trống một thời gian.
Đối với trường hợp Chủ nhiệm UB Pháp luật, chức danh này sẽ được kiện toàn ngay sau khi Quốc hội miễn nhiệm ông Nguyễn Khắc Định. Khác với Bộ Y tế, trước nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV này, UB Pháp luật đã có nhiều đời Chủ nhiệm (chức danh tương đương Bộ trưởng) không phải là uỷ viên Trung ương Đảng. Đến khoá này, ông Nguyễn Khắc Định là một uỷ viên Trung ương lại dời ghế Chủ nhiệm UB khi chưa trọn nhiệm kỳ.
Dự kiến nhân sự kế nhiệm ông Định chưa được tiết lộ nhưng Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng để ngỏ một phương án khi đề nghị không tổ chức họp đoàn đại biểu Quốc hội như quy trình đầy đủ, thông thường đối với nhân sự dự kiến để bầu Chủ nhiệm UB Pháp luật nếu nhân sự đó đã được bầu giữ chức danh ủy viên UB Thường vụ Quốc hội. Còn nguồn nhân sự tại chỗ của UB Pháp luật thì các Phó Chủ nhiệm hiện tại của UB này không ai là uỷ viên Trung ương.
Phiên họp trù bị trước khi chính thức khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe báo cáo về việc UB Thường vụ Quốc hội thống nhất cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Hồ Văn Năm - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, do đã bị thi hành kỷ luật về Đảng và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe, kể từ ngày 18/9/2019. UB Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về chủ trương giao ông Bùi Xuân Thống, Tỉnh ủy viên - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này thay ông Hồ Văn Năm cho đến khi kiện toàn nhân sự Trưởng đoàn mới.
Như vậy, đến thời điểm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIV còn lại 483 đại biểu trên tổng số 994 đại biểu ban đầu. Trong số 11 đại biểu không còn tại vị, 4 người đã từ trần, 1 người ra nước ngoài làm nhiệm vụ đại sứ, 6 người vì những sai phạm bị phát hiện, bị kỷ luật, phải cho thôi khi không còn tín nhiệm với cử tri.