Cử tri kiến nghị khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố
Từ sau Kỳ họp thứ Bảy Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Trong đó, nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Qua Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân được Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày trước Quốc hội sáng ngày 21/10 cho thấy, công tác bảo vệ môi trường trong thời gian vừa qua đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định i.
Tuy nhiên, cử tri, nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân ii. Tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng iii.
Cử tri, nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, xử lý và ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép iv, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Tuy nhiên, cử tri, nhân dân phản ánh về một số quy định về đất đai còn bất cập, thủ tục rườm rà; chậm giải quyết việc chuyển đổi quyền sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, kéo dài; một số cán bộ bao che cho chủ đầu tư thực hiện dự án sai quy định, không bảo đảm chất lượng v, một số “dự án treo” kéo dài nhiều năm. Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép, chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho vi phạm chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng, các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực đất đai; thực hiện công khai, minh bạch các dự án đầu tư bất động sản, kịp thời rà soát, xử lý đối với các dự án đã giao nhưng không thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích; sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật đất đai.
PV
__________________
i Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: rà soát, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm giải thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, ngăn chặn tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng đối với sản phẩm nhựa dùng một lần của các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện môi trường; phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi cả nước, cùng chung tay thành lập Liên minh chống rác thải nhựa (Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
ii Tại Hà Nội, theo số liệu từ 13 trạm quan trắc, trong thời gian từ ngày 12/9 đến ngày 29/9, chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo số liệu từ 30 trạm quan trắc chất lượng không khí từ ngày 3/9/2019 đến 20/9/2019 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... trong các ngày 18 đến 20/9. Cao nhất là ngày 20/9, bụi tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần. Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tăng khoảng 30%. Theo các chuyên gia, bụi mịn PM 2.5 là loại bụi có kích cỡ nhỏ chỉ bằng 1/30 sợi tóc người và có khả năng đi sâu vào các phế nang của phổi, thậm chí là mạch máu, gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp phát hiện ung thư.
iii Vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông sử dụng thủy ngân có độc tính cao hơn so với viên Amalgam. Từ năm 2016, Công ty công bố chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hợp của Hg - Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kilôgram. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019, Công ty thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng. Bên cạnh đó, khối lượng hóa chất còn lại trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy là: hơn 4.5 triệu viên Amalgam với trọng lượng là 41,75 kg; Thủy ngân lỏng là 108,9 kg, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam. Như vậy, lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg.
iv Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, bổ sung hành vi, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép lên 2-3 lần; Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tại một số địa phương. Ban Chỉ đạo 138/CP đã thành lập 03 đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công an chủ trì tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Nai và Tiền Giang. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét để ban hành Nghị định về quản lý cát, sỏi lòng sông, đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và khắc phục các tồn tại, bất cập, ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Đồng thời, Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì việc nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phát triển vật liệu thay thế cát, sỏi lòng sông (Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường).