Thấp thỏm bên mỏ đá

Nguyễn Chung 22/10/2019 08:00

Cuộc sống của nhiều hộ dân thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) luôn trong tình cảnh thấp thỏm lo lắng, bất an vì mỏ đá trên địa bàn nằm ngay sát với khu dân cư. Việc doanh nghiệp nổ mìn khai thác nhưng không có các biện pháp bảo đảm an toàn và báo trước cho người dân để lại nhiều hệ luỵ.

Thấp thỏm bên mỏ đá

Ông Đỗ Văn Thư bức xúc khi mỏ đá nằm gần sát khu dân cư, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Nổ mìn không báo trước!

Chúng tôi tìm tới thôn 1, xã Tân Phúc theo phản ánh của nhiều hộ dân về tình trạng nổ mìn khai thác đá của Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ thương mại Thanh Hưng (Cty Thanh Hưng) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh của người dân đang sinh sống tại đây. Họ cho rằng, do mỏ đá nằm quá sát khu dân cư (trên dưới 100m), nên việc khai thác, nổ mìn không theo quy luật của doanh nghiệp đã khiến người dân vô cùng lo lắng về sự mất an toàn. Trong khi đó, theo quan sát thực tế, khoảng cánh giữa các hộ dân và vị trí mỏ đá là không đảm bảo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Thư - thôn 1, xã Tân Phúc bức xúc cho biết: Tình trạng đơn vị nổ mìn khiến đá văng vào nhà dân nơi đây là chuyện “cơm bữa”. Lần nào gây hư hại lớn, người dân phản đối thì Cty Thanh Hưng cho nhân viên đến thỏa thuận, đền bù, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa. Mới đây, khoảng cuối tháng 8, đơn vị nổ mìn làm rung chuyển nhà cửa, tiếng nổ lớn vang trời, không rõ lượng thuốc mìn là bao nhiêu mà khiến cho khoảng hơn 10 hộ dân bị bao trùm bởi khối bụi, đất đá khổng lồ! Người dân đã quay video, clip ghi lại làm bằng chứng. “Ngày trước, khi người dân chưa có ý kiến nghị lên các cấp về tình trạng mất an toàn của mỏ đá thì Cty Thanh Hưng còn thông báo trước khi đánh mìn. Kể từ khi người dân chúng tôi quay phim, chụp ảnh phản ánh lên cơ quan chức năng, lên mạng xã hội thì họ không thông báo nữa. Phải chăng họ đang cố tình thách thức pháp luật và xem thường tính mạng của người dân?”- ông Thư nói.

Sau khi xem đoạn clip người dân ghi lại cảnh tượng nổ mìn của Cty Thanh Hưng, khiến chúng tôi không khỏi giật mình về tiếng nổ, khối lượng và độ bao phủ của khối bụi đất đá tỏa ra từ mỏ này. Sau những tiếng nổ lớn, nhiều người dân đã nháo nhác chạy ra đường, lo lắng hỏi thăm nhau không biết nhà này, nhà kia có bị sao không. Tìm hiểu thêm từ phía người dân, chúng tôi được biết: Năm 2014, không hiểu căn cứ vào đâu khi khoảng cách giữa mỏ và khu dân cư không đảm bảo nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn cấp phép hoạt động cho Cty Thanh Hưng với thời gian lên tới hơn 29 năm? Từ thời điểm cấp phép đến nay, cuộc sống của người dân luôn trong tình trạng lo lắng. Ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe… Nhiều hộ dân sinh sống tại thôn 1 đã phải bán nhà, đi nơi khác sinh sống.

Quá bức xúc, bà con trong thôn đã làm đơn kiến nghị nhiều lần, thậm chí gửi ra cả Trung ương. Thế nhưng, những trả lời nhận được chỉ là chuyển về tỉnh, tỉnh chuyển cho các sở xử lý… Cứ thế, câu trả lời chìm dần theo thời gian, còn hệ lụy người dân vẫn từng ngày phải gánh chịu. Động thái gần đây nhất của cơ quan hữu trách là vào ngày 6/9/2019, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã về ghi nhận lại thực tế khai thác đá của doanh nghiệp. Trong cuộc kiểm tra này, một đại diện trong Đoàn đã khẳng định với bà con rằng: “Khoảng cách như thế này là quá gần, không đảm bảo an toàn cho người dân!”. Song, dường như đây chỉ là động thái xoa dịu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa.

Chính quyền thiếu trách nhiệm?

Trước những phản ánh của người dân thôn 1, xã Tân Phúc, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tân Phúc. Điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là thái độ thờ ơ của vị Chủ tịch xã này trước bức xúc, lo lắng của người dân. Ông Hùng cho rằng: Vì các hộ dân gửi đơn “vượt cấp” lên tỉnh, trung ương chứ không gửi lên xã, huyện nên phải chờ cấp trên xử lý! Đến khi được hỏi về thực tế khai thác của mỏ đá, ông Hùng mới thủng thẳng nói: “Việc khai thác đá của Cty Thanh Hưng gây bụi bặm như nhân dân phản ánh là đúng. Tuy nhiên, khai thác, nổ mìn thì không thể tránh khỏi bụi bặm!”.

Cũng theo ông Hùng, mỏ đá nói trên hoạt động từ năm 2001. Trước thời điểm mỏ đá hoạt động, người dân đã ra làm nhà ở trái phép. Về sau xã xét lập hồ sơ, xem xét. Tuy nhiên, tồn tại kéo dài đến tận năm 2012 người dân mới được cấp trích lục. So với những năm trước, mỏ đá hoạt động khai thác phía bên kia núi, ít ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, gần đây mỏ hoạt động khai thác phía bên này sát với dân, khối lượng, công suất khai thác cũng lớn hơn nên ảnh hưởng cũng lớn hơn.

Vì sao khi các hộ dân ra ở trái phép không đủ khoảng cách với mỏ, xã vẫn lập hồ sơ để cấp trích lục cho các hộ? Ông Hùng cho rằng, “cái đó phải hỏi lớp lãnh đạo trước đó. Khi tôi lên thì đã thống nhất xét cho các hộ rồi thì cứ thế mà cấp”. Còn về vấn đề không đảm bảo khoảng cách giữa mỏ và khu dân cư, ông Hùng cho rằng: Nếu khoảng cách không đảm bảo thì tỉnh đừng cấp phép. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nói trên tại xã Tân Phúc, ông Lê Thanh Tùng -Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống thì cho rằng: “Các anh đến Sở Tài nguyên- Môi trường mà làm việc, cái này do tỉnh cấp phép!”.

Nguyễn Chung