Chống lạm thu trong trường học: Phải bắt đầu từ hiệu trưởng
Sau mỗi cuộc họp phụ huynh, nơi này nơi kia lại có những bức xúc về số tiền các gia đình phải nộp. Những khoản mang mác tự nguyện chưa từng được thỏa thuận mà thu theo kiểu áp đặt, những khoản không được phép thu nhưng vẫn được thu dưới danh nghĩa xã hội hóa… đang khiến những nỗ lực chống lạm thu của ngành giáo dục trở nên khó khăn.
Ảnh minh họa.
Phụ huynh nói có, trường nói… không
Năm học 2019-2020 đã khai giảng được hơn 1 tháng cũng là thời điểm nhiều trường tổ chức họp phụ huynh. Chuyện không mới, luôn là một phần quan trọng trong mỗi buổi họp là cô giáo chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh thông báo các khoản tiền phải nộp. Mấy chục con người là mấy mươi ý kiến khác nhau nhưng có những khoản thu đa số phụ huynh không đồng tình, thậm chí, chỉ một ý kiến không thống nhất cũng cần cân nhắc, xem xét lại bởi theo quy định, các khoản vận động xã hội hóa là công khai, không ép buộc nên không được cào bằng.
Vậy nhưng, gần đây có hàng loạt trường ở các địa phương bị phụ huynh làm đơn tố cáo liên quan đến lạm thu.
Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (xã Ea Kly, huyện Krông Pắk) bị phụ huynh phản ánh thu những khoản thu không hợp lý. Đặc biệt là thu tiền “tăng tiết”, “tăng cường”, “học 2 buổi” 900.000 đồng/học sinh/năm dù trường đã đủ giáo viên theo quy định.
Trong khi hiệu trưởng nhà trường khẳng định việc tổ chức học, thu tiền như vậy là đúng quy định khi có văn bản hướng dẫn của tỉnh, có ý kiến của địa phương. Cụ thể, vị này cho biết do trường có 3 giáo viên nghỉ sinh, 1 giáo viên đi học nên thiếu, phải thu để trả tiền thừa tiết cho giáo viên dạy. Việc dạy những tiết này không phải là dạy thêm mà chính khóa và trường đã báo cáo với phòng.
Trái ngược với thông tin này, ông Phạm Xuân Vinh - Trưởng Phòng GDĐT huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện trường đủ giáo viên, khoản thu dạy 2 buổi/ngày của trường không đúng quy định. Một số khoản thu khác nhà trường cũng không có chủ trương và đã bị đình chỉ. Trong ngày hôm nay, 22/10/2019, sẽ thành lập đoàn xuống kiểm tra, xử lý và có báo cáo ra Bộ GDĐT theo chỉ đạo. Riêng việc phụ huynh không đồng ý việc dạy thêm tiếng Anh cho lớp 1, ông Vinh cho biết theo quy định, lớp 1 chưa bắt buộc học tiếng Anh. Nếu phụ huynh đồng thuận thì nhà trường mới được tổ chức học, còn không thì dừng vì nếu học phải đóng tiền.
Trước đó, UBND huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất việc quản lý giáo dục; sử dụng ngân sách nhà nước và các khoản thu của học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Nhơn Hoà, huyện Chư Pứh do nhận được đơn tố cáo. Trong đơn liệt kê chi tiết các khoản thu, chi vào nhiều hạng mục khác nhau trong năm học 2018-2019 với số tiền trên 251 triệu đồng trong đó có những khoản “lạ”’ như học sinh phải nộp tiền để mua phần thưởng cho bản thân nếu được khen thưởng vào cuối năm, không nộp tiền thì chỉ có giấy khen không có phần thưởng; dùng bể bơi được nhà nước tài trợ cho học sinh tập bơi để kinh doanh, học sinh lớp 1 nộp tiền may quần áo tốt nghiệp lớp 5, học sinh nào đã mua bảo hiểm cùng gia đình thì phải huỷ để mua bảo hiểm của nhà trường…
Ông Lê Hồng Mạnh - Phó trưởng Phòng GDĐT huyện Chư Pứh, cho biết Phòng đã làm việc với Ban giám hiệu nhà trường về các nội dung này và thấy thông tin phản ánh có đúng và cũng có sai. Những nội dung phản ánh đúng đã yêu cầu nhà trường khắc phục, sửa sai. Cũng có những vấn đề đang làm rõ như việc thu, chi tiền xã hội hóa phải kiểm chứng lại vì đây mới chỉ là ý kiến của phụ huynh…
Bắt đầu từ hiệu trưởng
Danh sách các trường liên quan đến thu tiền không đúng còn kéo dài với các đơn vị trên khắp cả nước như Trường Mầm non Thịnh Lộc và Trường THCS Thịnh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; THCS Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An); THPT Đặng Thúc Hứa (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An); THCS 24.4 (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, Kon Tum); Trường Tiểu học Dĩ An, thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương, Trường Mầm non Hồng Thái (huyện An Dương, Hải Phòng),…
Sự biến tướng của lạm thu mượn danh xã hội hóa giáo dục, tài trợ giáo dục… khi Ban giám hiệu giao “chỉ tiêu” cho giáo viên chủ nhiệm, nhiều khoản trá hình dưới dạng “câu lạc bộ”, ban đại diện cha mẹ học sinh...và đặc biệt là khi nhà trường họp phụ huynh để thống nhất các khoản đóng góp, thì không thông báo rõ ràng, mạch lạc; không có giấy tờ, danh sách chi tiết từng khoản thu...
Mỗi trường một vài khoản thu “lạ” khiến phụ huynh bức xúc nhưng khi phản ánh với Phòng GDĐT thì đa số câu trả lời nhận được là đã chỉ đạo ngừng thu, sẽ xử lý nghiêm minh, kỷ luật người để xảy ra sai phạm, thậm chí là luân chuyển hiệu trưởng để tránh cho phụ huynh bức xúc… Hóa ra, mức kỷ luật cao nhất là luân chuyển hiệu trưởng từ trường này sang trường khác nhưng vẫn giữ cương vị ấy thì khó có tác dụng “noi gương” cho những trường khác không vi phạm…
Bởi nhìn lại năm học 2018-2019, đã có những vị hiệu trưởng vướng vòng lao lý vì liên quan đến lạm thu nhưng sự việc vẫn tiếp tục tái diễn trong năm học này, chứng tỏ việc xử nghiêm một vài trường hợp sai phạm chưa đủ khiến căn bệnh nan y mang tên “lạm thu” chấm dứt.
Hàng loạt văn bản hướng dẫn các khoản được phép thu và không được phép thu, các khoản thu theo thỏa thuận từ phụ huynh học sinh đã được Bộ GDĐT ban hành ngay trước thềm năm học mới. Các Sở GDĐT các tỉnh thành cũng phát đi văn bản về phòng chống lạm thu trong trường học… nhằm cảnh báo để tránh lạm thu.
Song vẫn có những trường hợp thu chi sai quy định gây bức xúc trong xã hội. Điều đó cho thấy, khi những “đầu tàu” không gương mẫu, vẫn cố tình lách luật, không thực hiện đúng nguyên tắc thu chi thì chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu trong nhà trường. Chính vì vậy việc chống lạm thu cần bắt đầu và quán triệt quyết liệt từ hiệu trưởng. Nếu hiệu trưởng, ban giám hiệu thiếu nghiêm túc, cố tình làm sai… sẽ không thể nhắc nhở được giáo viên thực hiện đúng quy định. Mặt khác, khi giáo viên không được định hướng đúng đắn dễ trở thành “tiếp tay” cho ban đại diện cha mẹ học sinh thu chi các khoản không hợp lệ dưới hình thức tự nguyện, xã hội hóa; không tạo điều kiện, khuyến khích dân chủ phát biểu ý kiến, đóng góp đúng quy định từ phụ huynh học sinh…
Hải Phòng dự kiến miễn học phí từ mầm non đến THPT
Theo Dự thảo Nghị quyết về miễn học phí các cấp trên địa bàn TP Hải Phòng do Sở GDĐT Hải Phòng xây dựng, Hải Phòng sẽ hỗ trợ 100% học phí đối với trẻ mầm non, học sinh THCS, bổ túc THCS, học sinh THPT, bổ túc THPT trên địa bàn TP. Thời điểm thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, bổ túc THCS thực hiện từ năm học 2020-2021; hỗ trợ học phí THPT, bổ túc THPT thực hiện từ năm học 2021-2022. Thời gian hỗ trợ: 9 tháng/1 năm.
Trước khi trình các cấp thông qua, theo quy định, Dự thảo Nghị quyết được đăng tải xin ý kiến nhân dân. Dự kiến, Dự thảo sẽ được trình HĐND thành phố tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2019. (Lam Nhi)