Sau sự cố tràn dầu trên sông Lòng Tàu: Nhiều hộ nuôi thủy hải sản được khuyến cáo di dời
Ngày 21/10, các khu vực nuôi trồng thủy hải sản, đa số là các hộ nuôi tôm, hàu, cá, nuôi thủy sản bằng lồng bè của huyện ven biển Cần Giờ (TP HCM) đã được khuyến cáo di chuyển vật nuôi đến các nơi an toàn để tránh nguồn nước ô nhiễm từ sự cố tràn dầu từ tàu VIETSUN INTEGRITY trên sông Lòng Tàu.
Khu vực sự cố dầu loang trên sông Lòng Tàu đang được cố định bằng quây phao để tránh ô nhiễm cho thủy hải sản.
Xử lý nhanh nguồn nước
Theo thông báo của UBND huyện Cần Giờ, các hộ nuôi trồng thủy hải sản thuộc các xã Thạnh An, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An, Long Hòa,... dọc theo sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh, được khuyến cáo chủ động theo dõi nguồn nước, tình hình sức khoẻ vật nuôi; đồng thời có giải pháp di chuyển vật nuôi đến các khu vực nuôi khác. Hiện nay trên địa bàn các xã ven sông Đồng Tranh và Lòng Tàu, các hộ nuôi tôm, nuôi quảng canh đều đã nhanh chóng xử lý nguồn nước, hạn chế nguồn nước lấy nước vào ao đìa trong thời gian các cơ quan chức năng xử lý sự cố tràn dầu từ tàu VIETSUN INTEGRITY gặp sự cố bị chìm trên sông Lòng Tàu mới đây.
Theo ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng Kinh tế (UBND huyện Cần Giờ), hiện nay thông báo của chính quyền địa phương đã được phổ biến đến hầu hết các hộ nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn. Bà con nông dân cũng nhận thức được việc không lấy nước từ khu vực được thông báo ảnh hưởng bởi vụ tràn dầu để đưa vào khu vực đìa nuôi trồng.
Theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết, hiện nay khu vực dầu loang từ sự cố chìm tàu VIETSUN INT đã được quay phao, nhiều lượt người nhái cũng lặn xuống khu vực khoang tàu chìm để tiến hành kiểm tra.
Trong khi đó, đại diện đơn vị quản lý tàu VIETSUN INTEGRITY cũng thông tin bước đầu của tàu được đăng ký bởi Công ty cổ phần Nhật Việt. Tàu này có trọng tải hơn 8.000 tấn, khi gặp phải sự cố lật chìm, đã chắn ngang luồng hàng hải nên ngoài công tác xử lý ô nhiễm dầu loang từ tàu thì các đơn vị chức năng phải tiến hành cảnh giới, phong tỏa giao thông đường thủy, để điều phối lưu thông an toàn trên khu vực này.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM, để hạn chế thấp nhất tác động ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy hải sản của huyện ven biển Cần Giờ thì chính quyền thành phố đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ GTVT và Cục Hàng hải, Cảng vụ hàng hải để tăng cường giám sát, kiểm tra lấy mẫu liên quan đến môi trường nước tại khu vực này. Từ đó, chính quyền thành phố sẽ có các phương án xử lý phù hợp khi có kết quả mẫu nước có phát sinh vấn đề.
Cẩn trọng khi xử lý vùng ô nhiễm
Về quá trình xử lý sự cố tràn dầu trên sông Lòng Tàu, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc MTTQVN TP HCM cũng khuyến cáo công tác xử lý sự cố cần được tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chí quốc tế về xử lý tràn dầu để tránh các thiệt hại không lường trước được, đặc biệt là đối với ngành nuôi trồng thủy hải sản.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, ở một số quốc gia cũng từng gặp sự cố tràn dầu tương tự. Có nơi do không kịp xử lý đã chịu thiệt hại rất lớn về kinh tế biển. Về lâu dài, dầu loang nổi trên mặt nước làm ánh sáng giảm khi xuyên vào trong nước, khiến hạn chế sự quang hợp của các thực vật biển và phytoplankton. Hệ quả này sẽ dẫn đến các đìa, lồng nuôi thủy hải sản của các hộ nông dân Cần Giờ sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến năng suất vật nuôi. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cảnh báo, các thành phần hidrocacbon nhẹ trong dầu loang, các chất lưu huỳnh, ni tơ gặp ánh sáng, nhiệt độ, bốc hơi lên sẽ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người.
Trước diễn biến trên, vào chiều 21/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp tục có các chỉ đạo công tác đảm bảo hoạt động giao thông hàng hải an toàn thông suốt. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu khẩn trương thanh tra làm rõ nguyên nhân của sự cố môi trường nêu trên để có phương án rút kinh nghiệm đảm bảo an toàn hàng hải trong thời gian tới đây.