Kiểm soát quyền lực để chống chạy chức chạy quyền - Bài 1: Tham nhũng trong công tác cán bộ
Ngày 23/9, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TƯ về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định ra đời được kỳ vọng sẽ đưa công tác cán bộ của Đảng đi đúng hướng, góp phần vào công cuộc xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền vững mạnh. Từ số báo này, báo Đại Đoàn Kết đăng loạt bài về kiểm soát quyền lực trong thực tiễn hoạt động hiện nay.
Trong một cuộc tiếp xúc cử tri của đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội, cử tri Trần Viết Hoàn (quận Ba Đình) đã thẳng thắn nêu quan điểm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Việc thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch vẫn còn đau đáu với công tác chỉnh đốn đảng, công tác tổ chức cán bộ. Trong đó, ông Trần Viết Hoàn nêu tình trạng vẫn còn cán bộ lo chạy chức, chạy quyền, chạy tội; việc cất nhắc cán bộ có nơi chỉ chăm chăm vào “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” còn “trí tuệ” được chú ý sau cùng.
Lạm dụng quyền lực để thỏa mãn lợi ích cá nhân
Điều mà cử tri phản ánh thì chính Trung ương cũng đã nhìn ra và nhận định rõ trong các Nghị quyết. Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 30 năm qua đã đưa đất nước ta đến nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển đất nước. Nhưng, cũng chính trong quá trình phát triển ấy, bên cạnh những yếu tố tích cực đã có không ít mặt trái được bộc lộ. Trong đó, thấy rõ, sự xuất hiện của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, lạm dụng quyền lực để thỏa mãn lợi ích của cá nhân. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết số 18-NQ/TƯ (Hội nghị 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII), là do: “Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế”.
Nguyên nhân của nguyên nhân có lẽ chính là do cơ chế kiểm soát quyền lực ở ta chưa được tối ưu hóa; khiến cho một số người lợi dụng khe hở của pháp luật để “chạy chức, chạy quyền” và cũng để ban phát quyền lực cho một người hay một nhóm người nào đó nhằm mưu cầu lợi riêng. Theo đánh giá từ Ban Tổ chức Trung ương: Công tác đánh giá cán bộ, đảng viên ở nhiều nơi vẫn xuê xoa, không thực chất. Một số cán bộ suy thoái, năng lực yếu vẫn được đánh giá, nhận xét tốt, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí được khen thưởng, được cất nhắc, bổ nhiệm. Điều đó chắc chắn đang hiện hữu trong xã hội, dù không phải quá phổ biến nhưng nó xuất hiện đủ để nhân dân và cử tri thấy rõ.
Muôn kiểu “chạy”
Theo cơ quan quản lý cán bộ của Đảng, chạy chức, chạy quyền có đất “diễn” là bởi có chuyện lạm dụng quyền lực, tạo điều kiện cho đối tượng chạy vào quy hoạch không đúng quy trình; hay điều động, luân chuyển cán bộ trong khi biết rõ không đáp ứng được phẩm chất, tiêu chuẩn, như câu chuyện của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đã có báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Cũng vụ việc này, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc cũng đã bị kỷ luật vì “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, quy định về công tác cán bộ và quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong việc đề nghị, tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh”.
Cũng lại có kiểu chạy bằng việc lợi dụng điều động, luân chuyển để bố trí người cùng nhóm lợi ích hoặc bổ nhiệm không đảm bảo tiêu chuẩn như ở Gia Lai trong giai đoạn từ ngày 1/12/2014 đến ngày 31/3/2017 có 283 công chức lãnh đạo, quản lý bổ nhiệm chưa đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn. Còn tại Sóc Trăng trong giai đoạn từ năm 2014 đến hết tháng 2 năm 2017 có 108/550 hồ sơ khi bổ nhiệm không đáp ứng được một hoặc một số tiêu chuẩn theo quy định. Cũng có tình trạng bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm thừa, bổ nhiệm người thân, người nhà dẫn đến lộng quyền, lạm quyền gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngăn tình trạng “chạy”
Thực tế những mặt trái, những lỗ hổng pháp lý dẫn đến một số quy chế, quy trình trong công tác cán bộ chưa đồng bộ, chặt chẽ khiến người có quyền trong tham mưu cũng như trong bổ nhiệm cán bộ có thể lợi dụng để trục lợi, Đảng ta đã nhìn thấy, nhân dân cũng nhận biết rõ. Để chấn chỉnh công tác cán bộ, đặc biệt là việc điều động, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều quy chế, quy định nhằm siết chặt, không tạo kẽ hở cho công tác này.
Kết quả cho những nỗ lực vừa qua trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng nói chung và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ nói riêng khiến cử tri rất phấn khởi khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân quyết chống giặc nội xâm. Tuy nhiên, cử tri Trần Viết Hoàn vẫn băn khoăn: “Hiện nay, Đảng đang tích cực chuẩn bị cho công tác nhân sự cho Đại hội Đảng khóa XIII, dân mong Đảng tìm được những người đủ đức đủ tài, những người không mắc căn bệnh chủ nghĩa cá nhân để gánh vác công việc. Để tìm được những người như thế, dân mong Đảng cần rút ra những bài học đau xót khi để “lọt” vào hàng ngũ lãnh đạo những kẻ nhúng chàm.”
Những hạn chế khuyết điểm ấy không những làm suy giảm niềm tin vào công tác cản bộ, mà còn gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Nó khiến cho một bộ phận cán bộ công chức, kém tài, yếu đức trèo cao, chui sâu vào trong hệ thống và cùng nhau cấu kết với những cán bộ công chức hư hỏng khác lũng đoạn không chỉ trong công tác cán bộ mà còn cả trong công tác quản lý kinh tế, gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước thông qua tham nhũng. Điều nguy hại hơn là sự cấu kết của bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa biến chất ấy đã khiến người tài đức thui chột ý chí phấn đấu; khiến đảng viên và nhân dân bất bình, lo lắng. Đây được Đảng xem là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Thực tiễn của công tác cán bộ thời gian vừa qua cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực thì rõ ràng, kiểm soát quyền lực gắn với chống chạy chức, chạy quyền vẫn là một việc còn yếu. Vì vậy, đã đến lúc cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế để có thể kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền một cách hiệu quả, góp phần đưa công tác cán bộ của Đảng đi đúng định hướng trong các Nghị quyết của Đảng, từng bước hướng tới 4 không: “Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy, không muốn chạy”.
(Bài 2: Lợi ích nhóm trong chạy chức, chạy quyền)