Miễn giảm học phí: Những tín hiệu vui
Sau TP Hồ Chí Minh giảm học phí THCS từ đầu năm 2019, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước đề xuất cơ chế đặc thù về chính sách học phí. Đây là tín hiệu rất đáng mừng nhằm cụ thể hóa những vấn đề của Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 7/2020.
Ảnh minh họa.
Tín hiệu vui
Theo thông tin từ Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của UBND TP về chuẩn bị Đề án, Nghị quyết về miễn học phí cho các cấp học trên địa bàn TP Hải Phòng để trình HĐND TP tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2019, Sở GDĐT vừa xây dựng Dự thảo Nghị quyết về miễn học phí các cấp trên địa bàn TP Hải Phòng.
Trước khi trình các cấp thông qua, theo quy định, Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh THCS, bổ túc THCS, học sinh THPT, bổ túc THPT trên địa bàn TP Hải Phòng được đăng tải xin ý kiến nhân dân.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 điều, đề xuất nội dung quy định chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh THCS, bổ túc THCS, học sinh THPT, bổ túc THPT trên địa bàn TP Hải Phòng. Ngân sách TP sẽ hỗ trợ 100% học phí cho các đối tượng trên theo mức học phí được HĐND TP quyết định. Thời điểm thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, bổ túc THCS thực hiện từ năm học 2020-2021; hỗ trợ học phí THPT, bổ túc THPT thực hiện từ năm học 2021-2022. Thời gian hỗ trợ: 9 tháng/1 năm.
Theo ông Lê Khắc Nam- Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tương ứng tỷ lệ tăng dân số và tỷ lệ có việc làm như hiện nay tại Hải Phòng, việc hỗ trợ học phí cho con em nhân dân sinh sống và làm việc trên địa bàn là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Việc làm góp phần giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận điều chỉnh mức học phí cho học sinh bậc THCS tại các trường công lập trên địa bàn, tính từ tháng 1/2019. Cụ thể, giảm từ 100.000 đồng/học sinh/tháng xuống 60.000 đồng/học sinh/tháng, áp dụng trên địa bàn các quận: Quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Thạnh. Mức giảm từ 85.000 đồng/học sinh/tháng xuống 30.000 đồng/học sinh/tháng, áp dụng trên địa bàn 5 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.
Cần chuẩn bị kỹ
Ông Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, việc TPHCM giảm học phí hay Hải Phòng dự kiến miễn 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, bổ túc THCS, học sinh THPT, bổ túc THPT trên địa bàn là rất nhân văn. Để làm được điều này, các địa phương rõ ràng cần phải cân đối ngân sách dành cho giáo dục có đủ để bù đắp được khoản này. Còn những địa phương khác, vì chưa thể cân đối ngân sách nên học phí vẫn giữ nguyên, thậm chí tăng theo quy định của nhà nước thì cũng là hợp lý vì bất cứ một chủ trương, quyết sách nào cũng cần căn cứ trên tình hình thực tế.
Theo ông Khang, cần tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục để tạo ra sự phát triển tốt hơn nữa. Tuy nhiên, ông Khang cũng băn khoăn các đề xuất này chưa đề cập đến các trường ngoài công lập. Trong khi đó, xưa nay các trường tư thục tự quyết định mức học phí của mình, không nhận được sự hỗ trợ từ tiền ngân sách. Nếu các trường không giữ vững được thương hiệu của mình bằng cách chứng minh chất lượng thì không thể nào tuyển sinh được, dù hạ thấp mức học phí hơn…
Hiện nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục THCS, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí.
Hồi tháng 5/2019, Bộ GDĐT đã báo cáo Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI). Đồng thời thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ GDĐT đã nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 3, 4, 5, 6 của Điều 96 về chính sách học phí nói trên.
Viêc quy định như Dự thảo nêu trên sẽ đảm bảo thực hiện theo đúng Hiến pháp 2013, quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Đối với các cấp học khác Chính phủ sẽ quy định thực hiện lộ trình miễn học phí đảm bảo phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 29 -NQ/TW.
Câu hỏi đặt ra là, nguồn kinh phí thực hiện việc này ở đâu? Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, con số thống kê được đưa ra là khoảng 4.730 tỉ đồng/năm dành cho miễn giảm học phí sẽ được lấy từ việc cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, trong Hiến pháp đã ghi giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và mầm non. Đã là bắt buộc thì phải miễn học phí. Chỉ còn lại vấn đề là lấy tiền từ đâu? Nếu đúng như Bộ GDĐT đã tính toán thì tất nhiên có thể triển khai được ngay khi Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực là một việc làm rất nhân văn. Không chỉ các trường công lập mà học sinh ở địa bàn không đủ trường công lập, HĐND cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trường tư thục.
Việc các địa phương có cơ chế riêng đối với chính sách học phí như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… là rất đáng khích lệ. Đây là những chuẩn bị chủ động, phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi, là tin vui với hàng nghìn phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, cần tăng cường thanh kiểm tra đối với các nhà trường để tránh miễn học phí nhưng lại tăng nhiều khoản thu vô lý khác mà chúng ta vẫn gọi chung là lạm thu – nỗi buồn đến hẹn lại lên mỗi đầu năm học.