Khai quật cụm di chỉ Vườn Chuối: Phát hiện nhiều tầng văn hóa
Ngày 22/10, Viện Khảo cổ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức buổi công bố báo cáo sơ bộ kết quả công tác thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội).
Nhiều loại hình di tích được phát hiện khi thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối.
Nhiều loại hình di tích
Công tác khai quật ở địa điểm Vườn Chuối trong năm 2019 được tiến hành với 2 hố khai quật, mỗi hố có diện tích 100m2, một hố mở ở đoạn giữa gò và một hố mở ở phía nam gò. Các hố thăm dò được thiết kế mỗi hố 4m2, gồm 75 hố, mở ở 3 địa điểm gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng.
Kết quả thu được qua đợt thăm dò khai quật ghi nhận cụm di chỉ Vườn Chuối là một cụm di chỉ cư trú kết hợp mộ táng. Cùng kết quả từ các lần khai quật trước, các hố thăm dò, khai quật ở gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng lần này đã góp thêm nhiều tư liệu góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích Vườn Chuối và thời Tiền Sơ sử ở khu vực TP Hà Nội. Tại địa điểm Vườn Chuối địa tầng di tích tồn tại 3 lớp văn hóa khác nhau là Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Do đặc điểm cư trú ở các giai đoạn khác nhau từ sớm đến muộn có sự chuyển dịch từ phía bắc xuống phía nam nên sự phân bố địa tầng văn hóa ở mỗi giai đoạn từ Đồng Đậu đến Đông Sơn cũng có sự chuyển dịch, hầu như chưa tìm thấy vị trí nào có sự phát triển liên tục cả 3 giai đoạn như đã phát hiện ở một số địa điểm khác. Độ dày tầng văn hóa cũng có sự khác biệt giữa các vị trí, dày hơn ở các khu vực trung tâm hoặc ở những khu vực địa hình trũng hơn trong khu trung tâm, ngược lại tầng văn hóa mỏng hơn khi phân bố về phía chân gò.
Tại địa điểm Dền Rắn và Mỏ Phượng phân bố liền khoảnh, là di chỉ cư trú của một nhóm cư dân từ giai đoạn Đồng Đậu muộn tới Gò Mun. Bên cạnh đó, những di tích, di vật thu được trong đợt thăm dò, khai quật vừa qua, cùng tư liệu từ các đợt khai quật trước là minh chứng rõ nét nhất cho sự cư trú, triển khai các hoạt động sống thường nhật và các ngành nghề thủ công như đúc đồng, chế tác đồ đá, đồ gỗ, đồ gốm, đan lát, dệt vải… của con người ở cụm di chỉ Vườn Chuối qua các giai đoạn lịch sử.
Cũng tại thăm dò, khai quật lần này phát hiện nhiều loại hình di tích, gồm mộ táng, vết tích bếp, lò nấu đồng, hố chôn cột, hố đất đen, dải gốm đất nện, cụm gốm, vết tích ao hồ cổ và vết tích động thực vật. Trong đó đáng chú ý là việc phát hiện 10 mộ táng Đông Sơn được chôn cất trong các giai đoạn khác nhau phân bố đậm đặc trong một phạm vi chưa đầy 30m2; các vết tích thực vật, hiện vật tre, gỗ và nhuyễn thể nằm dưới đáy ao hồ cổ. Di vật phát hiện được trong đợt thăm dò, khai quật lần này gồm 4 nhóm chất liệu chủ yếu là đồ đá, đồ đồng, đồ gốm, đồ gỗ. Đồ đá với 2 nhóm chính là công cụ lao động và đồ trang sức chủ yếu phát hiện ở tầng văn hóa Tiền Đông Sơn, nhiều hiện vật như rìu, bôn, đục, vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi… được làm từ đá ngọc với kỹ thuật chế tác tinh xảo. Đồ đồng với các loại giáo, rìu, lưỡi câu… chủ yếu phát hiện trong các mộ táng giai đoạn Đông Sơn nhưng cũng tìm thấy một số hiện vật trong tầng văn hóa giai đoạn Đồng Đậu và Gò Mun.
Ngoài ra, những tư liệu thu được từ đợt thăm dò, khai quật ở cụm di chỉ Vườn Chuối lần này và tư liệu từ các đợt khai quật trước đã góp thêm tư liệu nghiên cứu về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của một nhóm cư dân Tiền Đông Sơn - Đông Sơn ở một không gian khu vực cụ thể. Nghiên cứu những di tích, di vật ở cụm di chỉ Vườn Chuối ghi nhận các cư dân cổ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao những nghề thủ công chế tác đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải…
Đề xuất 3 phương án bảo tồn
Theo kết luận chung, di chỉ Vườn Chuối là một trong số rất ít các di tích có sự phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn văn hóa từ Tiền Đông Sơn - Đông Sơn. Đến nay, ngoài Vườn Chuối là di tích phát triển qua 3 giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, các di tích Đồng Đậu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) và Đình Tràng (Đông Anh, Hà Nội) có sự phát triển liên tục qua 4 giai đoạn từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Sự xuất hiện của các địa điểm khảo cổ có sự phát triển liên tục các giai đoạn văn hóa từ Tiền Đông Sơn - Đông Sơn ở các khu vực khác nhau càng góp phần củng cố nền văn minh Việt cổ là nền văn minh có nguồn gốc bản địa, có sự phát triển tự thân bằng nội lực của dân tộc.
Trước những kết quả khả quan đạt được, tại buổi báo cáo các nhà khoa học cũng đã đề xuất 3 phương án bảo tồn. Cụ thể, bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối (Vườn Chuối tổng diện tích phân bố di tích gần 12.000m2; Dền Rắn phần diện tích còn lại gần 3.200m2; và Mỏ Phượng phần diện tích còn lại gần 500m2). Khoanh vùng khu vực bảo tồn bằng các mốc giới. Trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào. Trong phạm vi khu vực bảo tồn, các cơ quan chuyên môn tiếp tục thăm dò, khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích và xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa; Dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện. Thông báo cho các đơn vị Chủ đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.5 và Chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hóa; Bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Đồng thời với việc khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích là xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa. Ngoài ra, đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, Chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hóa.
Theo ông Nguyễn Gia Đối- Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ, với giá trị lịch sử văn hóa to lớn đã được chứng thực qua nhiều lần khai quật nghiên cứu từ trước đến nay, cụm di chỉ Vườn Chuối xứng đáng được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa và xếp hạng là di tích khảo cổ học của TP Hà Nội. Đặc biệt hơn, dạng di chỉ tiền sơ sử phản ánh nhiều giai đoạn phát triển văn hóa liên tục từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn như vậy trên đất Hà Nội không nhiều và hầu như đã bị xâm hại và “xóa sổ” hoàn toàn. “Vì những lý do như trên, đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt một phương án bảo tồn “hợp lý, hợp tình”, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị nguồn tài nguyên di sản văn hóa với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của Thành phố”- ông Nguyễn Gia Đối kiến nghị.