Góc khuất 'sóng gió' phía sau tấm màn nhung của các hoàng gia
Vụ lùm xùm phế truất hoàng quý phi Thái Lan gần đây cho thấy cuộc sống “hậu cung” của các hoàng gia trên thế giới không phải lúc nào cũng trải hoa hồng.
Hoàng quý phi Sineenat “Koi” Wongvajirapakdi chụp ảnh cùng Quốc vương Maha Vajiralongkorn trước khi bị phế truất. (Ảnh: AP).
Giàu có và tiếng tăm, quyền lực và đặc ân, hình tượng được tôn sùng và những chiếc vương miện lấp lánh. Bản mô tả này thoạt nhìn có vẻ là một công việc đáng ghen tị. Tuy nhiên, giấc mộng hoàng gia không phải lúc nào cũng trải hoa hồng.
Thông tin do Hoàng gia Thái Lan công bố ngày 21/10 về việc Quốc vương Maha Vajiralongkorn tước bỏ mọi tước hiệu của Hoàng quý phi Sineenat “Koi” Wongvajirapakdi vì tội “bất trung” và nuôi “tham vọng” thế chỗ Hoàng hậu, là bằng chứng mới nhất cho thấy những người trong hoàng tộc có thể dễ dàng rơi từ đỉnh cao danh vọng như thế nào.
Quyết định phế truất được đưa ra chỉ 3 tháng sau khi bà Koi, cựu ý tá và phi công quân đội, được nhà vua Thái Lan sắc phong Hoàng quý phi. Thông báo của Hoàng gia Thái Lan cho biết nhà vua đã “theo dõi các hành vi” của bà Koi và phát hiện ra rằng “bà vô ơn và có hành động không phù hợp với ngôi vị”.
“Bà Sineenat không thỏa mãn với tước hiệu được ban cho và tìm mọi cách để hành xử như thể bản thân bà là hoàng hậu”, thông báo nêu rõ.
Thông báo của Hoàng gia khiến dư luận Thái Lan “dậy sóng”, không chỉ bởi những thông tin chi tiết chưa từng thấy được công bố, mà còn bởi sự quyền quý mà bà Koi được hưởng kể từ khi trang web của Hoàng gia Thái Lan công bố bức ảnh thân mật hiếm thấy giữa nhà vua và hoàng quý phi hồi tháng 8.
Giới quan sát đã so sánh sự thất sủng đột ngột của Hoàng quý phi Sineenat “Koi” Wongvajirapakdi với số phận của bà Srirasmi Suwadee, người vợ thứ ba của Quốc vương Vajiralongkorn. Bà Suwadee đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi cuộc hôn nhân của bà với nhà vua kết thúc vào tháng 12/2014. Trước đó, một số người thân của bà Suwadee đã bị bắt giữ và bị cáo buộc lợi dụng tước hiệu hoàng gia để trục lợi cá nhân.
Ngoài bà Koi và bà Suwadee, Quốc vương Vajiralongkorn cũng từ bỏ người vợ thứ hai, người đã bỏ trốn tới Mỹ, và không chấp nhận những người con chung.
Cựu vương Malaysia Muhammad V và cựu hoa hậu Nga Oksana Voevodina khi còn mặn nồng. (Ảnh: SCMP).
Vụ lùm xùm của “hậu cung” Thái Lan khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc hôn nhân sóng gió giữa cựu vương Malaysia Muhammad V và cựu hoa hậu Nga Oksana Voevodina. Mối quan hệ của cặp đôi đã gây xôn xao kể từ sau đám cưới của họ hồi tháng 6 năm ngoái. Đến tháng 1 năm nay, ông Muhammad V đã gây bất ngờ khi tuyên bố thoái vị ngai vàng sau khi mới lên ngôi được 2 năm, trong khi nhiệm kỳ quốc vương luân phiên trong 9 tiểu vương tại Malaysia kéo dài 5 năm.
Các nhà bình luận cho rằng quyết định thoái vị của ông Muhammad V, 49 tuổi, diễn ra sau khi đám cưới của ông với người đẹp Nga gặp phải sự phản đối của chính các thành viên hoàng gia. Tuy vậy, không lâu sau khi kết hôn, cặp đôi đã quyết định “đường ai nấy đi” với những màn tranh cãi căng thẳng, khiến dư luận Malaysia bị sốc.
Những vụ việc xảy ra trong giới hoàng tộc tại Thái Lan và Malaysia đã thổi bùng làn sóng tranh cãi về những khó khăn mà các thường dân phải đối mặt khi họ kết hôn với các thành viên hoàng gia tại châu Á.
Tân Hoàng hậu Nhật Bản Masako, thường dân thứ hai kết hôn với người đứng đầu trong danh sách kế vị ngai vàng của Hoàng gia Nhật Bản, gần đây cũng thừa nhận những khó khăn mà bà gặp phải trong việc thích nghi với cuộc sống hoàng gia. Trong khi đó, Công nương Meghan Markle, vợ của Hoàng tử Anh Harry, cũng lên tiếng chia sẻ về điều này.
Hoàng tử Anh Harry và Công nương Markle chào đón con trai đầu lòng. (Ảnh: AP).
Khi công khai chia sẻ về những “sóng gió” trong cuộc sống hôn nhân hoàng gia, cả Hoàng hậu Masako và Công nương Marke đều bị so sánh với Công nương Diana, vợ Thái tử Anh Charles và là mẹ của Hoàng tử Harry. Cuộc hôn nhân của Công nương Dinana với người thừa kế ngai vàng Hoàng gia Anh đã kết thúc sau cuộc phỏng vấn nổi tiếng của bà với nhà báo Martin Bashir của đài BBC, trong đó Công nương Dinana trải lòng về việc bà đã gặp khó khăn như thế nào khi phải thích ứng với cuộc sống hoàng tộc.
Góc khuất Hoàng gia
Sự kiện Hoàng quý phi Thái Lan bị phế truất là lời nhắc nhở về những khó khăn chờ đợi các thường dân nếu họ nuôi tham vọng trở thành người của 26 hoàng tộc cuối cùng còn sót lại trên thế giới.
“Hoàng gia là một thiết chế đặc biệt tồn tại từ hàng nghìn năm nay, nơi có những áp lực và trách nhiệm “độc nhất vô nhị”, và đó là lý do cho mãi tới gần đây, các thành viên hoàng tộc vẫn chỉ kết hôn với những người cũng xuất thân từ hoàng tộc như họ. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều thường dân kết hôn với các thành viên hoàng tộc, khiến họ phải chịu những áp lực mà họ chưa từng trải qua và cảm thấy khó thích nghi”, Saad Salman, nhà sáng lập trang web The Royal Watcher, nhận định.
“Các thành viên hoàng tộc phải học cách hoàn thành những nghĩa vụ chính thức của họ, phải quan hệ ngoại giao với các quan chức, giao lưu với công chúng, ăn mặc phù hợp và thúc đẩy hình ảnh đất nước. Họ nhận những đặc ân to lớn, nhưng cũng gánh những trách nhiệm nặng nề. Hôn nhân tự bản thân nó đã đòi hỏi phải có một giai đoạn điều chỉnh, nhưng điều này càng trở nên khó khăn hơn nhiều nếu họ (những thường dân) phải thực hiện điều đó trước mặt công chúng, song song với việc phải thích nghi với một vai trò mới”, Saad Salman cho biết thêm.
Cuộc sống hạnh phúc của cặp đôi Hoàng tử Anh William và Công nương Kate. (Ảnh: AFP).
Trong khi một số cuộc hôn nhân “đơm hoa kết trái”, chẳng hạn cặp đôi Hoàng tử Anh William và Công nước Kate đã giúp lấy lại hình ảnh của Hoàng gia Anh sau những lùm xùm liên quan tới cái chết của Công nương Diana, những cuộc hôn nhân khác đều gặp phải các vấn đề trục trặc.
Tuần này, Công nương Markle, vợ Hoàng tử Harry, khiến truyền thông Anh “dậy sóng” khi trả lời phỏng vấn rằng, cô đã phải cố gắng rất nhiều để có thể “phát triển và cảm thấy hạnh phúc” trong gia đình hoàng tộc. Điều này khiến Công nương Markle vấp phải chỉ trích rằng, cô đã không biết ơn khi được hưởng đặc ân từ ngôi vị là vợ của hoàng tử Anh.
Dù cho họ có nền tảng như thế nào, các thường dân vẫn phải chịu không ít áp lực khi kết hôn và trở thành người của hoàng gia. Điều này đã xảy ra với Thái tử phi Mette-Marit, người kết hôn với Thái tử Na Uy Haakon, và Hoàng hậu Nhật Bản Masako.
Đám cưới của Thái tử Na Uy Haakon và Thái tử phi Mette-Marit năm 2001. (Ảnh: AP).
Bà Mette-Marit là bà mẹ đơn thân chưa từng kết hôn vào thời điểm làm đám cưới với Thái tử Haakon hồi năm 2001. Khi đó, bà phải đối mặt với sự phản đối dữ dội của dư luận.
Trong cuộc họp báo diễn ra một tuần trước đám cưới, bà Mette-Marit đã thừa nhận và công khai xin lỗi về những sai lầm trong quá khứ. Điều này khiến dư luận đổi chiều và mức độ chỉ trích nhằm vào bà sau đó giảm bớt đi.
Trái lại, Hoàng hậu Masako từng là một “nhà ngoại giao sáng giá” vào thời điểm kết hôn với Thái tử Naruhito vào năm 1993. Tuy nhiên, cuộc sống khắt khe của hoàng gia Nhật Bản và áp lực sinh con trai nối dõi hoàng gia khiến bà bị mắc chứng rối loạn và chịu ảnh hưởng cho tới tận bây giờ.